Trên các trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã sáng danh hàng chục tên tuổi của các tướng lĩnh sinh ra từ đồng đất Thái Bình - một miền quê giàu truyền thống thượng võ, trong đó có những danh tướng đã in đậm công danh trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam và từ điển bách khoa quân sự Việt Nam. Tiêu biểu như: Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Đào Đình Luyện, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, Trung tướng Trần Độ, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và Trung tướng Phạm Tuân.
Trên các trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã sáng danh hàng chục tên tuổi của các tướng lĩnh sinh ra từ đồng đất Thái Bình - một miền quê giàu truyền thống thượng võ, trong đó có những danh tướng đã in đậm công danh trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam và từ điển bách khoa quân sự Việt Nam. Tiêu biểu như: Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Đào Đình Luyện, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, Trung tướng Trần Độ, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và Trung tướng Phạm Tuân.
Ảnh minh họa.
Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915 - 1986), tên khai sinh Hoàng Văn Xiêm. Quê xã Tây An, nay thuộc thị trấn Tiền Hải. Là Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và giữ trọng trách này trong những năm 1945 - 1953. Tham gia cách mạng năm 1936, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938. Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1941, chỉ huy Tiểu đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Tháng 12/1944, phụ trách công tác tham mưu trinh sát Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 3/8/1945, tham gia chỉ huy giành chính quyền ở chợ Đồn, Lục An Châu và Tuyên Quang, sau đó phụ trách Trường Quân chính kháng Nhật ở Tân Trào. Tháng 9/1945, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức Bộ Tổng tham mưu và trực tiếp làm Tham mưu trưởng toàn bộ các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1958 là Chủ nhiệm Tổng cục quân huấn. Năm 1960, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao nhà nước. Năm 1966, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V. Từ năm 1967 đến năm 1973, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam. Từ năm 1974 - 1986, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1976, được giao kiêm nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V. Đại biểu Quốc hội khóa VII.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về Đại tướng Hoàng Văn Thái: “Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được Quân đội ta và Nhân dân ta mến phục”.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: “Đại tướng Hoàng Văn Thái là một người cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng ta, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đức độ và tài năng”.
Cho đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước có những đường phố mang tên Hoàng Văn Thái. Tại thị trấn Tiền Hải, quê hương ông có nhà lưu niệm Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Thượng tướng Đào Đình Luyện (1929 - 1999), tên thật là Đào Mạnh Hùng, quê xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ. Tham gia cách mạng tháng 3/1945, được kết nạp Đảng và nhập ngũ năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính ủy trung đoàn. Tham gia các chiến dịch Việt Bắc, Sông Thao, Biên Giới, Hòa Bình, Điện Biên Phủ. Tháng 10/1955, Tham mưu Trưởng Sư đoàn 312. Tháng 8/1964, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921. Tháng 4/1966, là Tham mưu trưởng, Phó tư lệnh, Tư lệnh kiêm chính ủy binh chủng không quân thuộc quân chủng phòng không - không quân. Tháng 3/1974, Phó tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân. Tháng 5/1977, tư lệnh kiêm chính ủy quân chủng không quân. Tháng 3/1986, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1991 - 1995), Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX. Đào Đình Luyện đã lưu danh trong nhiều trận đánh lớn của không quân Việt Nam. Đặc biệt là chiến dịch Linebacker II, hay còn được biết đến là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (từ ngày 18/12 – 30/12/1972). Tại chiến dịch này, Hoa Kỳ đã huy động loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất là pháo đài bay B-52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của nước ta. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Năm 2015, Thượng tướng Đào Đình Luyện được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thành phố Hà Nội, thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) và một số đô thị trong nước có đường phố mang tên Đào Đình Luyện.
Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu (1919 - 1993), tên khai sinh là Phạm Ngọc Quyết, quê xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương. Tham gia cách mạng năm 1938, được kết nạp Đảng năm 1939, nhập ngũ năm 1945. Tháng 9/1940, bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù khổ sai, đày đi Sơn La. Tháng 3/1945, vượt ngục, hoạt động ở Sơn Tây, được chỉ định vào Ban Cán sự tỉnh. Tháng 8/1945, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Sơn Tây; Phó Chủ tịch kiêm ủy viên quân sự tỉnh Sơn Tây; khu phó Khu II. Tháng 12/1946 - 1949 làm Chính ủy Khu I, Chính ủy Trung đoàn 121, Chính ủy Trung đoàn 246 bảo vệ căn cứ địa Trung ương. Tháng 5/1951 - 1952: Phó Chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn 351. Tháng 7/1954: Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 305. Năm 1955: Chủ nhiệm chính trị, Phó Chính ủy rồi Chính ủy Bộ Tư lệnh pháo binh. Tháng 4/1956 - 1957: Cục trưởng Cục cán bộ Bộ Tổng tham mưu, Cục điều động - đề bạt Tổng cục cán bộ. Năm 1959: Cục trưởng Cục tổ chức Tổng cục Chính trị. Năm 1961 - 1988: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Được phong quân hàm Thượng tướng năm 1986. Đại biểu Quốc hội khóa III, V. Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng có nhiều năm tháng là cán bộ cấp dưới của Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu đã viết trong hồi ức của mình: “Đồng chí Phạm Ngọc Mậu là một lão thành cách mạng trung kiên của Đảng, một vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Thái Bình”.
Trung tướng Trần Độ (1923 - 2002), tên thật Tạ Ngọc Phách, quê xã Tây Giang, nay thuộc thị trấn Tiền Hải. Tham gia cách mạng năm 1939, vào Đảng năm 1940. Tháng 12/1940 là Tỉnh ủy viên dự khuyết và được cử làm Bí thư Phủ ủy Kiến Xương. Giữa năm 1941 bị địch bắt, kết án 15 năm tù khổ sai. Đầu năm 1944 vượt ngục Sơn La, tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 8/1945 tham gia cướp chính quyền ở huyện Đông Anh (Hà Nội), sau gia nhập Vệ quốc đoàn. Trong Quân đội, trưởng thành từ Chính ủy trung đoàn đến sư đoàn, quân khu rồi Phó Chính ủy Quân giải phóng miền Nam; Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, VI; Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương; là đại biểu Quốc hội các khóa II, VII, VIII, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước. Ông say mê công việc báo chí, văn học nghệ thuật. Trước Cách mạng Tháng Tám đã tham gia làm báo Cờ Giải phóng, Suối reo. Sau cách mạng, được Bác Hồ giao làm báo Quân giải phóng, rồi làm Chủ nhiệm Báo Vệ quốc quân (nay là báo Quân đội nhân dân). Tham gia Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Có nhiều tác phẩm đã được xuất bản: Bên sông đón súng (hồi ký - 1964), Anh bộ đội (tùy bút - 1975), Đồng đội (tùy bút và truyện, ký - 1987)…
Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ (1928 - 2002), quê làng Hội Khê, nay thuộc xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư. Thuở nhỏ, học ở thị xã Thái Bình. Về sau, theo bố vào Huế và học trường Trung học Thuận Hóa. Năm 1946, về quê; năm 1947, nhập ngũ. Từng là Thị ủy viên thị xã Thái Bình. Tại Hội nghị chiến tranh du kích ở Việt Bắc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giới thiệu Vũ Ngọc Nhạ với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính Bác Hồ đã giao nhiệm vụ tình báo chiến lược cho Vũ Ngọc Nhạ trước khi cài ông “di cư” vào Nam. Từ 1958 - 1960, bị địch bắt giam ở Huế, rồi được trả tự do. Từ 1961 - 1963, làm cố vấn cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Sau khi chế độ Diệm sụp đổ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng tin dùng Vũ Ngọc Nhạ. Trong khi đó, tình báo Mỹ và bộ máy mật vụ của chính quyền Sài Gòn luôn canh chừng “Ông cố vấn”. Năm 1969, CIA ép Nguyễn Văn Thiệu bắt Vũ Ngọc Nhạ và cụm tình báo A22. Vũ Ngọc Nhạ lãnh án chung thân, bị đày ra Côn Đảo. Tháng 7/1973 trong đợt trao trả tù binh, Vũ Ngọc Nhạ được đưa ra Lộc Ninh với danh nghĩa “Linh mục Giải phóng”. Năm 1974, ông về Củ Chi xây dựng mạng lưới tình báo. Sau giải phóng miền Nam, ông nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động trong lòng địch của ông được nhà văn Hữu Mai viết thành bộ 3 tập tiểu thuyết nổi tiếng “Ông cố vấn”, sau đó được dựng thành phim. Ông là Trưởng Ban liên lạc đồng hương Thái Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi qua đời vào ngày 7/8/2002.
Trung tướng Phạm Tuân sinh năm 1947, quê xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và Anh hùng Liên Xô. Nhập ngũ năm 1965, vào Đảng năm 1968. Phó tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân (1989), Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (1999). Khi tuyên dương Anh hùng là Thượng úy, biên đội trưởng không quân thuộc Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng phòng không - không quân. Ông là người đầu tiên dùng máy bay MiG-21 bắn rơi máy bay B52 của giặc trong điều kiện đêm tối, đồng thời là phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/213935/nhung-danh-tuong-que-thai-binh-trong-lich-su-quan-doi-nhan-dan-viet-nam
Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)