Các tài liệu khảo cứu cho thấy, dân tộc Việt Nam ta vốn có tinh thần dân chủ và sống phóng khoáng nên ngay từ thời điểm đầu tiên khi tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và đạo Lão) du nhập vào Việt Nam, thường gọi là hệ tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, cha ông ta đã biết tự mở cửa đón nhận những tinh hoa của hệ tư tưởng, chọn lọc, dung hợp và biến chúng thành cái của mình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh sống của mình, phục vụ cho mình. Tiêu biểu, Phật giáo thời nhà Lý trên địa bàn tỉnh ta, tại xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, có ngôi đền cổ tên gọi đền Thượng, trong đền có pho tượng Thiền sư Đỗ Đô do nghệ nhân địa phương tạc phụng thờ, dựa theo tiểu sử và hành trang Thiền sư qua ý kiến của bộ lễ trong triều và các nhà Nho uyên bác của Song Lãng điều lý thực hiện.
Các tài liệu khảo cứu cho thấy, dân tộc Việt Nam ta vốn có tinh thần dân chủ và sống phóng khoáng nên ngay từ thời điểm đầu tiên khi tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và đạo Lão) du nhập vào Việt Nam, thường gọi là hệ tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, cha ông ta đã biết tự mở cửa đón nhận những tinh hoa của hệ tư tưởng, chọn lọc, dung hợp và biến chúng thành cái của mình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh sống của mình, phục vụ cho mình. Tiêu biểu, Phật giáo thời nhà Lý trên địa bàn tỉnh ta, tại xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, có ngôi đền cổ tên gọi đền Thượng, trong đền có pho tượng Thiền sư Đỗ Đô do nghệ nhân địa phương tạc phụng thờ, dựa theo tiểu sử và hành trang Thiền sư qua ý kiến của bộ lễ trong triều và các nhà Nho uyên bác của Song Lãng điều lý thực hiện.
Đền Thượng, thôn Hội, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, nơi Thiền sư Đỗ Đô đắc đạo.
Đạo học thời Lý - Trần trong sáng, văn chương tao nhã, thiết thực, gặp thời thì làm quan, không đắc chí về làm thầy giáo, làm dân. Đặng Diễn (quê hương Màn Để, nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) là người gặp thời vua hiền nước thịnh nhưng cũng chỉ làm quan hơn 10 năm rồi lên núi Yên Tử tu hành. Thái học sinh Nguyễn Thành, Trạng nguyên Nguyễn Hữu Pháp khi giặc Minh sang xâm phạm đều tham gia chống giặc. Quan hệ giữa nhà Nho với nhà Phật thời Lý - Trần khá hòa hợp. Các vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông ngày lo việc nước, đêm học Nho, học Phật, viết kinh sách phật “Tam giáo đồng nguyên” hay ít nhất cũng gần gũi, đồng hành.
Theo các nhà nghiên cứu, tượng Thiền sư Đỗ Đô ở đền Thượng, thôn Hội, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư ngồi ở tư thế thiền định, mắt nhắm như đang buông thả tư duy vào chốn hư vô. Đầu đội mũ thất phụng (bảy con phượng), giữa vùng hoành cách mô trên bụng là vòng tròn thái cực, hai chân xếp chéo trên một bông sen nở. Những cánh sen bao lấy toàn thân đồng thời là bệ đỡ toàn bộ pho tượng trong một tư thế vững chãi và thanh thản. Theo cách gọi của cố nhà nghiên cứu Dương Quảng Châu: “Đây là một pho tượng đầu đội mũ thất phụng tượng trưng cho việc Thiền sư tham gia triều chính ở phẩm trật cao trong cung đình, đồng thời cũng phản ánh Nho giáo ở nước ta đã bắt đầu có địa vị xã hội quan trọng trong tầng lớp trí thức thời Lý. Vòng tròn thái cực ở bụng tượng trưng sự uyên bác của giáo chủ Đỗ Đô về Đạo giáo cùng vị trí có tính phổ biến của nó trong xã hội. Ngồi trên bệ tòa sen tượng trưng cho cấp tu hành của Đỗ Đô ở địa vị Bồ Tát mà không phải Thiền sư nào đương thời cũng có cương vị ấy, đồng thời cũng phản ánh đạo Phật thời Lý được coi như nền tảng của ý thức xã hội”. Theo cố nhà nghiên cứu, dịch giả Hán Nôm Nguyễn Tiến Đoàn (Vũ Trung, Kiến Xương), ngoài tượng Thiền sư Đỗ Đô, đền Thượng được coi là “trung tâm Phật giáo” sớm trên đất Màn Để còn có nhiều sách quý, ví như sách “Yên Tử cựu lục”, một tác phẩm của Hàn Lâm viện Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) triều Lê Anh Tông và cuốn “Đạt Mạn Thiền sư bảo lục khảo chính” do Cồ Mai Cao Sĩ Doãn Cảnh Tinh, con Tiến sĩ Doãn Khuê, một văn thân yêu nước người xã Song Lãng biên soạn, khảo cứu từ cuốn “Yên Tử cựu lục” nói trên viết vào tháng Giêng năm Tân Sửu (1901) bằng chữ Hán Nôm, lại thêm cuốn “Lý triều Hoàng Giang tông thái Đỗ Linh thông tôn Thánh Ngọc Phả, Khảm chi đệ nhị bộ thượng đẳng quốc tế linh thần” đã sao chép tự nhà thờ đại tôn họ Tô ở xã Bình Đắng, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây, vào tháng 12 năm Tự Đức thứ ba (1850) hiện được thờ ở đền Thượng. Ngoài ra, còn bi ký, sắc phong, thơ và câu đối... nói về Thiền sư Đỗ Đô cùng các tài liệu điều tra dân tộc học ở các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Cũng từ nguồn thư tịch lưu giữ tại đền Thượng, sau khi được dịch đã cho hậu thế biết: Đỗ Đô sinh ngày mùng 9 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1042) tức là năm Minh Đạo thứ nhất Lý Thái Tông ở phường Hoàng Giang, trấn Hải Dương, giáp đạo Đông Triều và Yên Tử. Sau cha mẹ ông chuyển cư về trang Ngoại Lãng, hương Màn Để (nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư). Cha ông là Đỗ Hoằng, mẹ là Đào Thị Cao. Cụ Hoằng vốn là một nhà Nho kiêm phù thủy đạo giáo cao siêu thuộc giáo phái Hoàng Giang nhưng rất ngưỡng mộ đạo Phật, cụ muốn các con mình hiểu đạt về cung kiếm, đỗ đạt cao và hiểu sâu về đạo thuật. Khi Đỗ Đô lên mười thì ba anh trai ông đã là những người giỏi võ nghệ và đạo thuật. Gia đình ông Hoằng rất nghèo, bao niềm hy vọng tương lại dồn cho Đỗ Đô, vì thế gia đình tận tâm chăm chút cho Đỗ Đô ăn học. Ngay từ nhỏ Đỗ Đô đã gắng sức học tập không phụ công cha mẹ sinh thành, giáo dưỡng, ông có trí thông minh khác thường lại được theo học cụ Tĩnh Trai Công, một danh Nho thời bấy giờ, rất được thầy học quý mến, lại được tiếp thu kiến thức của cha về phù thuỷ, ma thuật, chân truyền của phái Hoàng Giang do tổ tiên để lại. Do vậy, chẳng mấy năm đã nổi tiếng văn chương, tỏ ra có tài thao lược, nhiều mặt vượt cả các anh mình. Tính cách ông rất phóng khoáng, thương người nghèo khó. Trước cảnh nhà nghèo túng ông vẫn tươi vui, quyết chí học tập. Trong nhân gian vẫn còn nhiều truyền thuyết về tuổi trẻ của Thiền sư Đỗ Đô. Truyền ngôn rằng, hồi nhỏ đi học, nhà nghèo túng, Đỗ Đô không có gạo ăn phải sang hàng xóm vay. Biết Đô họ Đỗ lại đi vay đỗ, hàng xóm liền cho ông vế đối, nếu đối được mới cho vay: “Trong nhà để đỗ, ngoài sân phơi đỗ. Anh vay đỗ, lão giao đỗ. Thi vân: Đãi đỗ bất diệt lạc hồ!”. Chả cần nghĩ lâu, Đỗ Đô đối ngay lại: “Trên cây có hoa, dưới gốc rụng hoa. Ông vinh hoa, tôi thám hoa. Có viết: “Trùng hoa thử chi vị dã!”. Ông hàng xóm vốn hay chữ nhưng trước vế đối hoàn chỉnh, người đối lại nhanh, phục tài Đỗ Đô liền xúc gạo, đỗ cho vay nhưng không đòi lại.
Năm 18 tuổi, thân phụ, thân mẫu Đỗ Đô qua đời, cảnh nhà nghèo túng lại chất thêm nghèo túng, Đỗ Đô đành gác bút nghiên vì không có tiền ăn học. 3 năm cư tang, Đỗ Đô từ giã xóm làng ra đi, gạt nước mắt mà than rằng: “Cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng ta, nay chưa một chút báo đền. Cây muốn lặng gió chẳng muốn dừng. Cố nhân vẫn thường than như vậy, nếu sau này ta thành đạt có đến “vạn chung, cửu đình” thì còn ai mà phụng dưỡng. Ta thường nghe trước là báo đền công ơn cha mẹ, sau là cứu độ thế. Xem như đạo Nho, đạo Lão đều lấy nhân ái, yêu thương người thân, yêu thương mọi người làm mục đích. Con đường cứu đời có khác nhau mà cùng về một đích. Và nhà ta vốn dòng đạo pháp, làm nhiều việc nghĩa đã lâu, thời nào cũng nối tiếp được trung hiếu vẹn toàn. Đúng như lời Thánh nhân đã dạy, trung hiếu là cái gốc của con người”. Đỗ Đô theo vị tăng lão gốc quán Hoàng Giang dìu dắt, phát nguyện Tu hạnh đầu đà ở chùa Yên Tử, được sư phụ truyền đạo Thiền, đạo Lão, nhập định, ngộ không, dứt hết lục căn, thông suốt ngũ uẩn.
Năm Bính Ngọ, Thái Bình thứ 12 (1066), triều Lý Thánh Tông, Đỗ Đô được các Thiền sư cử đi Bắc Quốc dự khoa thi Bạch Liên. Với tài năng xuất chúng ông đỗ đầu khoa thi ấy. Các bạn đồng đạo đương thời trong và ngoài nước, nhà vua và triều đình đều biết tiếng tăm ông. Ban đầu ông nhận thứ bậc trong hàng Tăng đạo. Vua Lý Thánh Tông mời ông tham dự triều chính tới bậc Vệ đại phu, một chức quan nội thần hàng văn triều Lý. Nhà vua thấy ông là người cực tinh diệu về Phật giáo, đạo giáo lấy lễ đãi ngộ ông. Vua Lý Thánh Tông ngự ban cho ông đạo hiệu là Đạt Mạn Thiền sư mà không gọi tên để tỏ lòng kính trọng. Ông là bạn đồng đạo của Không Lộ và Từ Đạo Hạnh. Ba ông dựng tháp, sửa chùa, tô tượng, đúc chuông ở nhiều nơi. Ông thường được vua vời hộ giá và tuần du. |
Quang Viện
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/175835/nhat-the-tam-nguyen
Quang Viện