Nguyễn Công Thu: Người Thái Bình đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin
Ngày: 21/04/2023
Sau nhiều năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và trao truyền về nước. Để chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời của một đảng cộng sản chân chính, vào năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã sáng lập ra tổ chức tiền thân của Đảng mang tên Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH), gọi tắt là Tổng bộ Thanh niên. Một trong những sứ mệnh đầu tiên của Tổng bộ Thanh niên ở hải ngoại là cử người về nước vận động những thanh niên, học sinh yêu nước sang dự các lớp tập huấn về tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Việt Nam

Sau nhiều năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và trao truyền về nước. Để chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời của một đảng cộng sản chân chính, vào năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã sáng lập ra tổ chức tiền thân của Đảng mang tên Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH), gọi tắt là Tổng bộ Thanh niên. Một trong những sứ mệnh đầu tiên của Tổng bộ Thanh niên ở hải ngoại là cử người về nước vận động những thanh niên, học sinh yêu nước sang dự các lớp tập huấn về tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Việt Nam.

Đền thờ Liệt sĩ xã Vũ Trung (Kiến Xương) - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống quê hương.

Ở thời điểm đó, tại Trường Thành Chung, Nam Định có một số thanh niên Thái Bình theo học thường tham gia các hoạt động yêu nước. Tiêu biểu như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Tường Loan, Đặng Châu Tuệ… Nhóm thanh niên yêu nước này thường lui tới ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự để trao đổi thông tin với nhau về tình hình hoạt động của các nhà yêu nước đang hoạt động ở trong nước và nước ngoài.

Vào năm 1925, Tổng bộ Thanh niên cử Lê Hồng Sơn về nước vận động thanh niên sang dự lớp tập huấn. Do nắm bắt được thông tin từ trước nên Lê Hồng Sơn đã về Nam Định bắt mối với các yếu nhân yêu nước tại Trường Thành Chung và nhanh chóng tổ chức được một nhóm thanh niên đưa sang Quảng Châu dự lớp tập huấn đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Trong số thanh niên sang Quảng Châu dự tập huấn đợt ấy có 5 người Thái Bình gồm: Nguyễn Công Thu (Ba Thu), Nguyễn Công Việt, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Danh Tề đều là cháu, chắt của nhà văn thân yêu nước Nguyễn Mậu Kiến quê làng Động Trung, nay thuộc xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương và Đặng Châu Tuệ quê làng Bình An, nay thuộc xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư.

Do bị kẻ địch kiểm soát gắt gao tại đầu cầu Bắc Luân thuộc địa phận Móng Cái nên chỉ có Nguyễn Công Thu và Nguyễn Danh Thọ trốn thoát, vượt sang Quảng Châu dự tập huấn được, còn các người khác trong nhóm đều bị đuổi về.

Sau khi dự xong lớp tập huấn, Nguyễn Công Thu được cử về nước gây dựng phong trào và vận động thanh niên yêu nước sang dự các lớp tiếp theo. Cuối năm 1926, ông đã vận động thành lập được một chi hội (chi bộ) VNTNCMĐCH tại làng Dịch Vọng, nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội gồm 11 hội viên và trực tiếp làm bí thư. Cũng vào năm 1926, Nguyễn Công Thu đã vận động và dẫn đường cho hàng chục thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự lớp tập huấn đợt thứ hai, trong số đó có những người con ưu tú của Thái Bình như Nguyễn Danh Đới quê làng Động Trung; Vũ Trọng quê làng Trình Phố và Nguyễn Tường Loan quê thị xã Thái Bình.

Đầu năm 1927, Nguyễn Công Thu tham gia sáng lập Kỳ bộ “Thanh niên” ở Bắc Kỳ. Nguyễn Danh Đới được cử làm Bí thư Kỳ bộ. Khi Kỳ bộ đi vào hoạt động, Nguyễn Công Thu lại tiếp tục dẫn đường đưa tiếp những thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự lớp tập huấn thứ ba. Đợt này có ba người Thái Bình được cử đi nhưng chỉ có Hồ Sỹ Kết quê làng Thuận An, nay thuộc xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư sang được đến nơi để tham dự.

Nguyễn Đức Cảnh, sau khi tham gia cuộc đấu tranh ở Trường Thành Chung bị đuổi học phải lên Hà Nội làm việc ở nhà in Mạc Đình Tư rồi tham gia phong trào yêu nước trong nhóm Nam Đồng thư xã sau đổi là Quốc dân đảng. Do muốn tìm hiểu đường lối chính trị của Tổng bộ Thanh niên nên Nguyễn Đức Cảnh đã liên hệ với Nguyễn Công Thu để sang Quảng Châu và đã được dự một lớp tập huấn ngắn ngày do Hồ Tùng Mậu chủ trì. Sau khi dự tập huấn, Nguyễn Đức Cảnh đã tuyên bố ly khai Quốc dân đảng và hoạt động cho Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ.

Trong số hàng trăm thanh niên yêu nước của Việt Nam được Nguyễn Công Thu giác ngộ và nhiều người đã được ông dẫn đường sang Quảng Châu dự các lớp tập huấn của Tổng bộ Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp truyền dạy có những người đã trở thành cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta như Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng…

Với quê hương Thái Bình, Nguyễn Công Thu đã giác ngộ được nhiều thanh niên yêu nước, trong đó có đồng chí Vũ Trọng được sang dự tập huấn để về thành lập chi bộ “Thanh niên” tại làng Trình Phố vào đầu năm 1927. Nguyễn Văn Năng, một thanh niên là học sinh yêu nước đã được ông giác ngộ, tuy không có điều kiện xuất dương nhưng đã tích cực vận động để sáng lập chi bộ tại Trường Minh Thành vào cuối năm đó. Như vậy là hai chi bộ “Thanh niên” ra đời đầu tiên ở Thái Bình đều đã có sự góp phần khơi nguồn dẫn mạch của Nguyễn Công Thu.

Đầu năm 1928, khi Nguyễn Công Thu đang cùng với Đặng Châu Tuệ rải truyền đơn thì bị địch bắt và bị xử tù giam 19 tháng tại Hải Dương. Hết hạn tù, ông vào Thanh Hóa tiếp tục vận động cách mạng, bị mật thám bắt và xử tù 27 tháng về tội “dụ dỗ người đi Tàu”. Cuối năm 1930 ra tù, Nguyễn Công Thu được cử về Thái Bình hoạt động, ông đã có nhiều cống hiến trong việc tuyên truyền, vận động cách mạng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Công Thu được cử làm Hội trưởng hội Liên Việt huyện Kiến Xương và đảm đương một số công tác khác. Đầu năm 1950, khi thực dân Pháp đổ bộ vào Thái Bình, Tỉnh ủy có chủ trương đưa ông và một số cán bộ cao tuổi vào vùng tự do ở tỉnh Thanh Hóa. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Nguyễn Công Thu được bố trí làm cán bộ quản lý nhà khách của Bộ Ngoại giao và nhà khách của Phủ Thủ tướng.

Là một trong những người đi tiên phong tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao truyền, Nguyễn Công Thu đã có những cống hiến quan trọng giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ươm gieo những “hạt giống đỏ” đưa về Việt Nam, xây dựng và mở rộng hoạt động của VNTNCMĐCH để tiến tới sự ra đời của Đảng. Chính một phần do hoạt động năng nổ của Nguyễn Công Thu tại Thái Bình vào những năm 1925 - 1928 nên Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã ra đời sớm và có một số “hạt giống đỏ” từ quê hương Thái Bình đã trở thành yếu nhân trong buổi đầu dựng Đảng.

Từ thuở còn là học sinh đến những năm tháng giúp việc cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cho đến cuối đời, ở trong hoàn cảnh nào Nguyễn Công Thu cũng luôn gìn giữ được lối sống khiêm nhường, giản dị. Ông đã được lưu danh trong những trang đầu của lịch sử Đảng ta.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/172466/nguyen-cong-thu-nguoi-thai-binh-dau-tien-tiep-thu-chu-nghia-mac-lenin

Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)