Người Thái Bình là sứ thần Đại Việt
Ngày: 01/11/2024
Trải gần một nghìn năm lịch sử bang giao của nhà nước Đại Việt với các triều đình phong kiến Trung Hoa, nhiều thế hệ sứ thần nước Nam ta đã rạng rỡ tên tuổi, làm vẻ vang dân tộc giống nòi, trong số đó các sứ thần có quê Thái Bình từng vang danh đất Bắc chiếm tỷ lệ khá cao.

Trải gần một nghìn năm lịch sử bang giao của nhà nước Đại Việt với các triều đình phong kiến Trung Hoa, nhiều thế hệ sứ thần nước Nam ta đã rạng rỡ tên tuổi, làm vẻ vang dân tộc giống nòi, trong số đó các sứ thần có quê Thái Bình từng vang danh đất Bắc chiếm tỷ lệ khá cao.

Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, xã Độc Lập (Hưng Hà).

Vào năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế đặt tên nước là Đại Cồ Việt với ý nghĩa là nước Việt lớn. Đến năm 1054, vua  Lý Thánh Tông đã đổi quốc hiệu thành Đại Việt, vẫn mang ý nghĩa là một nước Việt lớn, sánh cùng Đại Tống. Tuy “mỗi đằng hùng cứ một phương”, nhưng các triều đại Trung Hoa vẫn coi họ là thiên triều mà các nước lân bang là chư hầu. Khi các vua của Đại Việt lên ngôi phải cử sứ thần sang xin phong vương. Khi các triều đại phía Trung Hoa có đại sự như vua này mất, vua khác lên ngôi thì Đại Việt phải cử sứ thần sang báo đáp, triều cống. Cùng với đó còn những sứ thần được cử đi để thuyết đàm về những vụ việc người Trung Hoa xâm nhập chủ quyền, khai thác tài nguyên rừng, biển trên lãnh thổ Đại Việt... 

Dưới thời phong kiến, những người được chọn cử đi làm Chánh sứ, Phó sứ phải là những trí thức đại khoa, học rộng, đỗ cao, có tài ứng đối, giàu lòng tự tôn dân tộc và giàu bản lĩnh. Trong lịch sử, Thái Bình có 3 nhân vật hiển hách khoa danh vào bậc nhất là Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm và Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn thì cả ba vị này đều là những sứ thần kiệt hiệt. 

Nguồn tư liệu về người Thái Bình đi sứ sang phương Bắc ở các triều đại Lý, Trần, Hồ thật hiếm hoi. Vào thời Trần có Bùi Mộc Đạc (1264 - 1326), quê làng Tri Lai, nay thuộc thành phố Thái Bình được cử đi sứ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép năm Bính Ngọ (1306): “Sai Hàn lâm học sĩ Lê Tông Nguyên, Trung thị đại phu Bùi Mộc Đạc sang Nguyên đáp lễ”. Từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) trở về sau đa phần các triều vua đều có người Thái Bình được cử làm Chánh sứ, Phó sứ, hoặc tham gia đoàn sứ bộ sang phương Bắc. Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trải các triều Lê sơ, nhà Mạc, Lê trung hưng, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn (thế kỷ XV - XIX) đã xuất hiện không dưới 30 trí thức đại khoa quê Thái Bình được cử đi làm Chánh hoặc Phó sứ và hàng trăm vị học quan quê Thái Bình tham gia các đoàn sứ bộ với những cương vị khác nhau. Có thể lược điểm một số gương mặt tiêu biểu: 

Thám hoa Quách Đình Bảo (1440 - 1507), quê xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy. Vào năm  Canh Dần (1748)  được cử đi sứ nhà Minh tâu về việc người Minh vào lấn cướp vùng biên, xâm nhập khai thác tài nguyên biển. Cảm phục tài năng biện bác của ông, vua Minh ra chỉ dụ cấm những việc làm sai trái của người Minh. 

Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm (1445 - 1505), là em ruột Quách Đình Bảo. Năm Nhâm Tuất (1502), làm Chánh sứ sang nhà Minh. Qua thơ văn, đối đáp, các nhân sĩ Trung Hoa vô cùng thán phục, vua Minh khen là đáng được sánh ngang với nhân tài thời Tam đại (Hạ, Thương, Chu). 

Năm Đinh Tỵ (1497), triều đình nhà Lê cử một đoàn sứ bộ sang nhà Minh để báo tang Lê Thánh Tông và xin phong vương cho vua Lê Hiến Tông. Điều đặc biệt là Chánh sứ và hai Phó sứ của đoàn sứ bộ này đều là người Thái Bình. Đó là Hoàng giáp Phạm Hưng Văn quê xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng làm Chánh sứ. Hai Phó sứ là Hoàng giáp Nguyễn Hán Đình quê xã Minh Tân, huyện Đông Hưng và Hoàng giáp Nguyễn Hưởng Dung quê xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy. Trên đường về, đoàn sứ bộ nước ta cùng đi với hai đoàn sứ bộ nhà Minh sang viếng tang vua Lê Thánh Tông và phong vương cho vua Lê Hiến Tông. Khi đàm đạo, xướng họa văn chương, cả ba sứ thần quê Thái Bình đều được các nhân sĩ, trí thức Trung Hoa hết lời khen tụng. Khi hai đoàn sứ thần nhà Minh sang, Nguyễn Hán Đình được đặc cách tiếp sứ. Năm 1504, Hiến Tông mất, Túc Tông lên ngôi, ông lại sang sứ nhà Minh lần thứ hai. 

Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1454 - ?),  đỗ  khoa Tân Sửu (1481), quê xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Năm 1484, làm Chánh sứ sang nhà Minh. Nhân chuyến đi, ông học được kỹ thuật chế tác khung dệt chiếu, pha chế màu nhuộm cói... về nước truyền dạy lại cho dân làng. Được người đời tôn vinh là Trạng Chiếu. 

Tiến sĩ Đặng Doãn Tu (1463 - ?), quê xã Đông Động, huyện Đông Hưng tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Gặp khi nhà Minh đang có kỳ thi Hội, ông liền ghi tên dự thi và cũng đỗ Tiến sĩ. Được vua Minh ban biển đề “lưỡng quốc Tiến sĩ”. 

Tiến sĩ Đoàn Huệ Nhu quê xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, là người đã tham gia Tao đàn nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Năm 1490, đi sứ sang nhà Minh, xướng họa, đối đáp văn chương được các danh sĩ Trung Hoa một mực tâm phục khẩu phục. Thơ đi sứ của ông được chọn dịch xuất bản trong nhiều tuyển tập, tổng tập thơ văn thời Lê. 

Tiến sĩ Đinh Trinh quê xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy. Năm 1504, cùng đoàn đi sứ sang sứ nhà Minh tâu bày về việc Hiến Tông mất, Túc Tông nối ngôi, ông được vua Minh và các nhân sĩ Trung Quốc khen là người tài không kém danh sĩ Trung Hoa. 

Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm (? - 1512), quê xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. Năm 1509, làm Chánh sứ sang nhà Minh xin phong vương cho Lê Tương Dực, được vua Minh tiếp. Khi doàn về đến Bằng Tường thì gặp cướp. Đỗ Lý Khiêm đã dũng cảm chống trả, chẳng may ông bị trúng tên độc và mất trên đường về. Được thờ làm phúc thần ở làng. 

Tiến sĩ Bùi Tất Thắng (1572 - 1626), quê xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình. Ông nổi tiếng thơ hay và giàu khí tiết. Năm Bính Dần (1626), làm Phó sứ sang sứ nhà Minh, xướng họa văn chương vang lừng tiếng tăm. Trên đường về ông bị ốm chết. Được vua Minh cảm thương, cho dựng bia nơi ông mất. 

Tiến sĩ Lại Mẫn (1539 - ?), quê xã Tân Phong, huyện Vũ Thư. Năm 1573, làm Chánh sứ sang phúng viếng Minh Thế Tông. Vua Minh Mục Tông nối ngôi tiếp kiến, cảm tài đã ban cho tấm biển “Tiến sĩ Minh triều”. 

Ngoài một số gương mặt trên, vào thời Lê sơ và thời Mạc ở Thái Bình còn có hàng chục Tiến sĩ làm Chánh sứ hoặc Phó sứ sang nhà Minh như: Nguyễn Minh Khang, xã Phúc Khánh; Nguyễn Tủng Mục, xã Minh Khai; Lê Thừa Hưu, xã Liên Hiệp; Phạm Nguyên Chấn, xã Tân Lễ; Nguyễn Uyên, xã Tân Tiến (Hưng Hà); Nguyễn Doãn Khâm, Đỗ Nhân An, thị trấn An Bài; Trần Diễm, xã An Mỹ; Nguyễn Duy Hằng, xã An Thanh (Quỳnh Phụ); Lê Cương Xuyên, xã Thụy Ninh (Thái Thụy); Hoàng Kỳ, xã Đông Hợp (Đông Hưng)... Hầu hết các vị sứ thần này đều có công danh được lưu truyền trong sử sách. 

Vào thời Lê trung hưng (thế kỷ XII - XVIII), lại xuất hiện những sứ thần quê Thái Bình đi sứ vang danh đất Bắc, trong đó có hai thầy trò Nguyễn Tông Quai và Lê Quý Đôn cùng quê Hưng Hà là hai sứ thần sáng láng công danh trong lịch sử bang giao Đại Việt. Năm 1734, Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai được cử đặc cách tiếp sứ Thanh sang sách phong. Năm 1742, làm Phó sứ. Năm 1748, làm Chánh sứ. Vua Càn Long mến mộ tài năng đã cho vẽ chân dung ban tặng. Năm 1760, Bảng nhãn Lê Quý Đôn được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Các hoạt động trong chuyến đi sứ của Lê Quý Đôn, không chỉ lừng vang đất Bắc mà còn được sứ thần các nước chư hầu như Triều Tiên, Nhật Bản, Miến Điện… vô cùng phục nể. 

Lịch sử bang giao Đại Việt còn ghi nhận một trường hợp khá hy hữu về người Thái Bình đi sứ. Vào khoa thi Nhâm Thân (1752), cả nước lấy đỗ có 6 người thì Thái Bình chiếm tới 4 người ở thứ bậc cao nhất. Điều kỳ thú là trong số 4 vị đại khoa này có tới 3 người đi sứ là Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục và Vũ Như Thức, trong đó Đoàn Nguyễn Thục có con trai là danh sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn đi sứ thần triều Tây Sơn và con rể là đại thi hào Nguyễn Du đi sứ triều Nguyễn. 

Dưới thời phong kiến, Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890) là người Thái Bình cuối cùng đi sứ phương Bắc. Khi quân Pháp tiến đánh thành Hưng Hóa, Nguyễn Quang Bích làm Tuần phủ đã kháng chỉ lệnh bãi binh của triều đình, trả ấn tín từ quan, dựng cờ khởi nghĩa. Năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương đã phong ông làm Lễ bộ Thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần và hai lần cử ông đi sứ sang nhà Thanh để thương thảo về việc chống Pháp. 

Lịch sử bang giao của Việt Nam thời phong kiến còn lưu danh khá nhiều trí thức đại khoa khác có quê Thái Bình đã từng lập công, lập danh, lập ngôn khi được cử đi sứ phương Bắc. Những tư liệu đó góp thêm phần khẳng định là xưa và nay, nhân tài sinh ra từ miền quê này ở lĩnh vực nào cũng rất khả quan.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/210849/nguoi-thai-binh-la-su-than-dai-viet

NGUYỄN THANH (Vũ Quý, Kiến Xương)