Năm 1965, HTX Tân Phong (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) đạt năng suất lúa 6.719kg/ha, dẫn đầu các HTX toàn miền Bắc. Tháng 10/1966, toàn tỉnh thu hoạch lúa mùa đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha. Thái Bình ghi dấu trên bảng vàng năng suất lúa, trở thành quê hương của phong trào “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”.
Năm 1965, HTX Tân Phong (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư) đạt năng suất lúa 6.719kg/ha, dẫn đầu các HTX toàn miền Bắc. Tháng 10/1966, toàn tỉnh thu hoạch lúa mùa đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha. Thái Bình ghi dấu trên bảng vàng năng suất lúa, trở thành quê hương của phong trào “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”.
Trong căn nhà đã in màu thời gian tại xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, bức ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư được bà Phạm Thị Mùi - xã viên HTX Tân Phong ngày trước treo ở vị trí trang trọng ngay phòng khách. Bà bảo bức ảnh đó không chỉ là kỷ niệm, là niềm vinh dự của cá nhân bà khi được gặp Bác Hồ mà còn nhắc nhớ về những ngày tháng gian khó nhưng đầy tự hào của quê hương.
Năm 1963, 1964 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, nhu cầu lương thực, thực phẩm cho chiến trường rất lớn. Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18/5/1965 của Tỉnh ủy Thái Bình: “Bất kể tình huống nào cũng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất”, nông dân các địa phương không ngại khó khăn, gian khổ, vừa sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng và củng cố hậu phương vững mạnh.
Ngày ấy, bà Mùi mới 23 tuổi, là Bí thư Chi đoàn thanh niên HTX Tân Phong, Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật của HTX Tân Phong. Đội khoa học kỹ thuật của bà gồm 22 xã viên có nhiệm vụ nghiên cứu, thử nghiệm các loại giống để phát triển đại trà, tìm kỹ thuật canh tác tốt để cây lúa phát triển. Trong ký ức của bà, Đội khoa học kỹ thuật đã từng đi sang Hưng Yên để học kỹ thuật cấy lúa ngửa tay, nhờ đó lúa phát triển tốt hơn. Nhiều xã viên sang huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, lội khắp các hồ sen suốt 2 ngày tìm bèo hoa dâu để rồi từ đó đem về Tân Phong, nhân ra cả cánh đồng 2ha. Bèo hoa dâu có rất nhiều tác dụng: phủ kín mặt ruộng tránh cỏ, ủ thành phân xanh để bón lúa, cải tạo chất lượng đất.
Nhờ sự chăm chỉ của xã viên cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến mà đồng đất Tân Phong trở nên phì nhiêu, độ pH tương đối đồng đều hơn. Năm 1965, HTX Tân Phong đạt năng suất lúa 6.719kg/ha, dẫn đầu các HTX toàn miền Bắc, được Bác Hồ gửi thư khen lần thứ nhất. Trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Tân Phong đã ra sức thi đua tăng năng suất lúa”. Lời động viên của Bác càng làm cho cán bộ, đảng viên và xã viên HTX Tân Phong cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, trở thành HTX mẫu mực, điển hình tiêu biểu trong tỉnh. Đội khoa học kỹ thuật của bà Mùi được đi truyền đạt kinh nghiệm làm bèo hoa dâu cho các địa phương. Phong trào “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ” được các HTX hưởng ứng sôi nổi trong toàn tỉnh. Thời điểm đó, căn cứ vào tình hình đất đai, tỉnh phân vùng sản xuất cho huyện, huyện phân vùng cho xã sao cho sát hợp với cây trồng. Cùng với đó, tăng cường kiến thiết đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp nhất các HTX nhỏ thành HTX có quy mô 100 - 200ha ruộng đất canh tác.
Năm 1966, HTX Tân Phong mới (trên cơ sở hợp nhất các HTX Tân Phong, Đại Đồng, Thống Nhất của xã Việt Hùng) đạt năng suất lúa 7.205kg/ha, được Bác Hồ gửi thư khen lần thứ hai. Đây cũng là niềm tự hào không chỉ của riêng xã viên HTX Tân Phong mà còn là niềm tự hào của nhân dân huyện Vũ Thư. Tháng 10/1966, toàn tỉnh thu hoạch lúa mùa đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha, ghi bảng vàng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước. Nhờ thành tích đặc biệt này mà năm 1967 Thái Bình vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ 5. Đêm đó Bác nghỉ lại khu sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư. Hôm sau, ngày 1/1/1967, Bác nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư.
Được gặp Bác khi đó, bà Mùi đặc biệt ấn tượng với giọng nói trìu mến, ấm áp của Người. Bà vẫn nhớ như in Bác dặn: Giờ các cô, các chú ở trên mặt trận sản xuất cũng như mặt trận chống Mỹ, nhiệm vụ tuy có khác nhau nhưng mà cùng chung một chí hướng. Cho nên dù ở cương vị nào, các cô, các chú cũng cố gắng làm tốt cương vị ấy cũng là đánh Mỹ đấy. Đó là động lực to lớn để những xã viên như bà luôn luôn cố gắng cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc.
Khắc ghi lời Bác dạy trong lần cuối về thăm: “Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”, 56 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn cách mạng. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, truyền thống “Thóc thừa cân, quân vượt mức” luôn được giữ vững và phát huy với các phong trào thi đua sôi nổi đưa năng suất lúa không ngừng tăng lên. Từ 5 tấn thóc/ha năm 1965, nhiều năm trở lại đây, Thái Bình đạt năng suất lúa trên 13 tấn/ha/năm, đây là năng suất cao so với mức trung bình cả nước. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp phát triển thương hiệu các khu vực sản xuất lúa gạo địa phương, bảo đảm chất lượng, sản lượng cung ứng ra thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh kênh tiêu thụ truyền thống, mở rộng kênh phân phối trực tuyến, quảng bá rộng rãi thương hiệu gạo Thái Bình ra thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/179057/nguoi-phu-nu-gop-phan-lam-nen-bai-ca-5-tan
Trần Thị Loan (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)