Là 1 trong 2 nghệ sĩ ưu tú của tỉnh Thái Bình được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân (NSND) vào tháng 3/2024, nghệ sĩ Đỗ Thị Thu Hiền đã có quá trình cống hiến cho nghệ thuật chèo với không ít vai diễn nổi tiếng, để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Nhiều năm rời sân khấu chuyên nghiệp, nay đã ở tuổi thất thập, NSND Thu Hiền vẫn miệt mài gắn bó với phong trào nghệ thuật quần chúng.
Là 1 trong 2 nghệ sĩ ưu tú của tỉnh Thái Bình được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân (NSND) vào tháng 3/2024, nghệ sĩ Đỗ Thị Thu Hiền đã có quá trình cống hiến cho nghệ thuật chèo với không ít vai diễn nổi tiếng, để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Nhiều năm rời sân khấu chuyên nghiệp, nay đã ở tuổi thất thập, NSND Thu Hiền vẫn miệt mài gắn bó với phong trào nghệ thuật quần chúng.
Tuổi đã cao, NSND Thu Hiền vẫn ngày ngày tập luyện hát, múa, biểu diễn chèo.
Tới xem các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng vở diễn cổ, NSND Thu Hiền bồi hồi nhớ lại ngày đầu “bén duyên”, gắn bó với nghề.
Bà kể, sinh ra và lớn lên ở xã Phong Châu (Đông Hưng) - một trong những làng chèo nổi tiếng của tỉnh nên từ ngày thơ bé, bà đã sớm tham gia những chương trình biểu diễn của đội chèo ở làng. Được các thế hệ nghệ nhân làng Khuốc hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từng điệu múa, cách hát, sau 2 năm tập luyện, ngay khi Đoàn Chèo Thái Bình về tuyển chọn, bà quyết định xa quê, gắn bó với nghệ thuật chèo. Những ngày đầu vào đoàn còn nhỏ tuổi, bao nhiêu khó khăn, bỡ ngỡ là bằng ấy nỗ lực, cố gắng để trưởng thành, để “có lấy cái nghề”. Gian nan là vậy nhưng có những khi may mắn được giao vai chính song bởi không đủ tự tin nên bà kiên quyết không nhận.
Hơn 60 năm đã trôi qua, nhớ lại những kỷ niệm của ngày “chập chững” bước chân vào đoàn, NSND Thu Hiền vẫn thầm cảm ơn các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã dày công dìu dắt, “tiếp lửa” đam mê nghệ thuật để bà luôn cố gắng rèn luyện, thể hiện hết khả năng trong những công việc được giao.
NSND Thu Hiền chia sẻ: Những năm gắn bó với sân khấu chèo chuyên nghiệp, tôi tham gia tập luyện, biểu diễn hàng trăm vai diễn nhưng khi nhìn lại, quả thực kỷ niệm không thể quên là vai Thị Kính trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” và vai cô Đào trong vở “Cô gái làng chèo” đã đạt huy chương vàng ở hội diễn toàn quốc. Đây đều là những vai nữ chín trong chèo. Có lẽ bởi sự phù hợp và những thành công nhất định đã để lại tiếng vang, dấu ấn trong lòng công chúng nên suốt những năm tháng làm nghề, tôi luôn đảm nhận vai nữ chín, cố định một hình tượng ấy trên sân khấu chèo.
Có nhiều dịp tới xem những đêm công diễn chương trình nghệ thuật của nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình hiện nay, với NSND Thu Hiền luôn là cảm xúc bồi hồi, xúc động. Giữa không gian sâu lắng của nghệ thuật truyền thống, khán giả như cùng khóc, cùng cười, đồng cảm với những hỷ nộ ái ố trên sân khấu khiến cho bà nhớ lại những ngày cùng anh em trong đoàn đi lưu diễn tại khắp các địa phương, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chèo của bà con nhân dân.
Ngày ấy, phương tiện đi lại chưa thuận tiện, để đến được nơi biểu diễn, nghệ sĩ trong đoàn khi kéo thuyền trên sông, khi đẩy xe thồ, bữa cơm trước giờ biểu diễn cũng luôn vội vã để kịp hoàn thiện sân khấu, hóa trang. Mỗi đêm diễn thường kéo dài 2 - 3 giờ đồng hồ, diễn xong vừa đói vừa mệt nhưng ngày hôm sau, anh em nghệ sĩ lại tiếp tục dậy sớm tập hát, tập diễn không ngừng nghỉ. Niềm say mê với nghề đã trở thành động lực để không chỉ NSND Thu Hiền mà thế hệ nghệ sĩ của những năm tháng ấy quyết tâm gắn bó với nghiệp diễn, với những đêm say mê trên sân khấu giữa tràng pháo tay giòn giã, ánh mắt chăm chú, háo hức của khán giả…
NSND Thu Hiền chia sẻ: Có một giai đoạn, dường như công chúng không còn mặn mà với nghệ thuật chèo, tôi thấy rất thương lớp nghệ sĩ đi sau bởi biểu diễn mà ít khán giả là thiệt thòi vô cùng lớn của người nghệ sĩ. Hiện nay, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều khán giả ở mọi độ tuổi, không chỉ trung niên mà cả các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng dành thời gian đến nhà hát chèo theo dõi nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn, trích đoạn chèo cổ. Ngồi bên các cháu, thấy ánh mắt các cháu xem diễn chèo rất đam mê, tôi hạnh phúc vì người trẻ đang dần trở lại với sân khấu cổ truyền.
NSND Thu Hiền tập múa chèo cùng các thành viên trong CLB Lê Quý Đôn.
Đau đáu những đêm sân khấu sáng đèn, NSND Thu Hiền dành nhiều thời gian chia sẻ về kinh nghiệm mình đã tự “đúc rút” sau hàng chục năm bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật. Theo bà, để thể hiện tốt vai diễn trong vở chèo, người nghệ sĩ cần có quá trình nghiên cứu về bối cảnh ra đời của tác phẩm. Trong đó, nếu vai diễn được đảm nhận là một nhân vật lịch sử thì diễn viên cần tham khảo nhiều nguồn tư liệu chính thống để hiểu về thân thế, sự nghiệp và những câu chuyện cuộc đời của nhân vật, từ đó mới có thể “hóa thân” vào vai diễn phù hợp và chân thật nhất. Bên cạnh đó, cần miệt mài, siêng năng tập luyện bởi ngoài những giờ tập cùng cả đoàn trên sân khấu, không chỉ bà mà các anh chị em nghệ sĩ khác luôn dành nhiều thời gian suy nghĩ, trăn trở về vai diễn của mình.
“Câu hỏi luôn thường trực là mình có thể làm như thế nào để biểu đạt tốt hơn nữa? Phải làm sao để khán giả cùng khóc, cùng cười, cùng vui, cùng hạnh phúc với vai diễn của mình. Cả một thế hệ nghệ sĩ ngày ấy đã sống và cống hiến cho nghệ thuật như thế nên đoàn chèo Thái Bình mới có những năm tháng nổi danh, nhiều chuyến lưu diễn đến với bà con không chỉ trong nước mà cả quốc tế”, NSND Thu Hiền cho biết.
NSND Thu Hiền chia tay chúng tôi khi giờ tập của bà cùng đội văn nghệ tại CLB Lê Quý Đôn đã sắp bắt đầu. Nay đã ở tuổi 78, bà chia sẻ, nghệ thuật chèo mang đến cho bà quá nhiều, không chỉ là những năm tháng cống hiến nhiệt huyết trên sân khấu, tình yêu thương, trân trọng của khán giả và niềm vinh dự về danh hiệu cao quý mà còn là cả sức khỏe bởi cứ tập hát, múa, diễn chèo là tinh thần của người nghệ sĩ lại phấn chấn, tươi mới hơn.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/200394/nghe-si-nhan-dan-thu-hien-hon-60-nam-giu-lua-cheo
Tú Anh