Nét cổ Đồng Xâm
Ngày: 29/11/2024
Xã Hồng Thái (Kiến Xương) không chỉ nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống mà hiện nay còn lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng của miền quê Bắc Bộ trước kia với quần thể di tích đền, chùa nằm kề bên dòng sông Vông. Đặc biệt, nhiều gia đình ở miền quê này còn lưu giữ được những ngôi nhà cổ có từ hàng trăm năm trước, là nơi tụ họp, chốn bình yên của những người con xa xứ khi trở về.

Xã Hồng Thái (Kiến Xương) không chỉ nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống mà hiện nay còn lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng của miền quê Bắc Bộ trước kia với quần thể di tích đền, chùa nằm kề bên dòng sông Vông. Đặc biệt, nhiều gia đình ở miền quê này còn lưu giữ được những ngôi nhà cổ có từ hàng trăm năm trước, là nơi tụ họp, chốn bình yên của những người con xa xứ khi trở về.

Đền Đồng Xâm được xây dựng theo mô hình kiến trúc cung đình Huế.

Quần thể di tích linh thiêng 

Đặt chân tới làng nghề chạm bạc Đồng Xâm trù phú, du khách không chỉ được tận hưởng âm vang sống động từ những tiếng búa, tiếng đục, những kiệt tác từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa chạm khắc tinh xảo trên từng sản phẩm mà còn choáng ngợp bởi quần thể di tích đồ sộ, rộng lớn, hút tầm mắt. 

Ông Nguyễn Đình Thụy, thủ từ đền Đồng Xâm cho biết: Đền Đồng Xâm được xây dựng theo mô hình cung đình Huế, cao, thoáng, tọa lạc ở vị trí có phong thủy đẹp, phía trước có dòng sông, nhà thủy tạ gồm 6 cửa vòng quay ra 6 hướng. Đền Đồng Xâm có thể xem như một tập đại thành của nghệ thuật khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của người Việt Nam thời Nguyễn, đồng thời cũng thể hiện tinh túy của người chạm bạc Đồng Xâm. Với tổng thể khoảng 1.000m² các hạng mục của ngôi đền được xây dựng cân đối từ trong ra ngoài, trong đó đáng chú ý nhất là tòa hậu cung. Đây cũng là một tác phẩm mỹ nghệ độc đáo mang đặc trưng của làng nghề chạm bạc. Khám gian được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng với các đề tài từ linh, tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt, tượng Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng hậu được đúc bằng đồng khảm vàng, thếp bạc. Phía trước đền có 2 cây cầu hai bên, có sông, có dậu rồng, ngũ hổ chầu vào sân tạo sự uy nghi, khiến du khách khi bước vào cửa đền đã thấy sự trang nghiêm. Hàng năm, mỗi khi đến lễ hội Đồng Xâm, nhân dân trong vùng cùng đông đảo du khách thập phương lại nô nức trở về để tham gia nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa đặc sắc như hát ca trù, hát chèo, rước thánh sư, tế lễ…

Người dân xã Hồng Thái (Kiến Xương) duy trì nghệ thuật hát ca trù. 

Ở ngay khu trung tâm của quần thể di tích còn có đền thờ tổ nghề ông Nguyễn Kim Lâu cũng là công trình mang nhiều dấu ấn. Theo sử sách để lại, khoảng đầu thế kỷ XV, ông Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn xanh, hàn nồi đồng lên Châu Bảo Lạc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) hành nghề và học được nghề kim hoàn sau đó trở về làng truyền lại nghề chạm bạc cho dân. Để tỏ lòng biết ơn người đã có công khai sáng nghề, những người thợ chạm bạc ở Đồng Xâm đã tôn ông là sư tổ nghề, lập đền thờ ông. 

Ông Nguyễn Văn Tuân, Trưởng ban Quản lý đền thờ tổ nghề mỹ nghệ kim hoàn Đồng Xâm cho biết: Độc đáo nhất là cứ vào dịp đầu năm và lễ hội tất cả các lớp thợ đều về thắp hương tưởng nhớ tới công đức của người thầy đã dạy truyền nghề cho người dân trong làng. Ban đầu đền thờ chỉ là một am thờ nhỏ, sau nhiều lần được các lớp thợ nghề và dân làng tôn tạo, tu sửa, đến nay ngôi đền vẫn giữ được nét cổ xưa của văn hóa Việt như văn bia cổ bằng đá xanh, giếng ngọc 600 năm tuổi và cây thị cổ quanh năm tỏa bóng mát. Trong đền vẫn lưu giữ sắc phong của vua Khải Định thứ 9, bộ đồ thờ bằng bạc do người Đồng Xâm chế tác, lưu giữ, bảo vệ như báu vật của nghề tổ. 

Nét đẹp từ những ngôi nhà cổ 

Ngoài sự độc đáo về quần thể di tích tâm linh, khi tới Đồng Xâm không khó để được chứng kiến sự yên bình từ những ngôi nhà cổ. Có những khu các ngôi nhà cổ san sát nhau, cổng, tường đều theo kiến trúc xưa đến nay vẫn được người dân lưu giữ. 

Theo ông Nguyễn Thế Hoành, thôn Bắc Dũng: Cũng vì yêu giá trị truyền thống của dân tộc nên tôi đã mua lại ngôi nhà cổ để ở. Đến giờ ngôi nhà đã có trên trăm năm nhưng chưa bị xuống cấp, vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Ngôi nhà dài 12m, thiết kế 3 gian, 2 chái, gian chính giữa dùng để thờ tự, các gian còn lại dùng để sinh hoạt, các chi tiết hoa văn trong nhà được chạm trổ cầu kỳ và được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nên độ bền cao. Cái hay nhất của ngôi nhà là về mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Bản thân tôi bị nặng tai nếu ở nhà mái bằng không nghe được nhưng ở nhà cổ tôi nghe dễ hơn, tiếng nói trầm hơn. Đặc biệt, bất cứ ai đến chơi cũng đều có ý thức giống như vào khu di tích, bảo tàng, luôn giữ thái độ vui vẻ, nhẹ nhàng, tình cảm và tâm hồn thư thái. Ngôi nhà đã trở thành nơi tụ họp của các thế hệ con cháu trở về những ngày giỗ, tết để cúng bái tổ tiên, nhớ tới những người sinh thành ra mình và là nơi gắn kết người thân trong gia đình, dòng họ, tăng thêm tình đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. 

Cụ Nguyễn Thị Miền, 98 tuổi, thôn Bắc Dũng phấn khởi khoe: Các cụ để lại ngôi nhà này tới tôi là đời thứ 3. Ngôi nhà có khoảng gần 200 năm, trải qua nhiều thế hệ sinh sống, qua bao bão gió phong ba nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính với vật liệu chủ yếu là gỗ lim, hoa văn chạm khắc tinh tế. Ngoài ra, đến nay gia đình tôi vẫn lưu giữ được nhiều thứ còn nguyên giá trị như bộ bàn ghế trường kỷ, cổng nhà cổ xây từ năm 1940, giếng khơi được lát bằng đá. Ngôi nhà này đã trở thành niềm tự hào về truyền thống họ tộc, nếp gia phong, là nơi giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn và chắp cánh cho bao ước mơ của con cháu mai sau.   

Điểm độc đáo của ngôi nhà cổ là mát về mùa hè, ấm về mùa đông. 

Điểm độc đáo hơn nữa ở Đồng Xâm là đến nay người dân vẫn còn duy trì nghệ thuật hát ca trù. Ông Nguyễn Văn Hạo, thành viên hội ca trù dân gian Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa dân gian làng Thượng Gia cho biết: Không biết nguồn gốc của ca trù làng Đồng Xâm có từ bao giờ nhưng trong đền có 4 bài văn cổ ca trù của thời cổ để dâng thánh vào những ngày lễ hội. Trước đây có một thời gian ca trù bị mai một nhưng từ những từ năm 2000 lễ hội đền Đồng Xâm mở trở lại những làn điệu ca trù ở địa phương đã được khôi phục. Đến nay cả xã có hơn 20 người trong Câu lạc bộ duy trì hát biểu diễn vào những ngày lễ, tết để dâng thánh và hát cho nhau nghe tại những ngôi nhà cổ để lưu giữ cho thế hệ sau. 

Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái khẳng định: Địa phương là một trong số rất ít xã giữ được đầy đủ những nét văn hóa đặc trưng của làng quê Bắc Bộ khi xưa với hệ thống, đền, chùa, nhà cổ và nhiều làn điệu ca trù, trò chơi dân gian độc đáo. Vì thế, xã sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, giữ gìn nét cổ kính của làng quê để thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, đưa địa phương ngày càng phát triển.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/212647/net-co-dong-xam

Thu Thủy