Dưới thời Nho học, đa phần các nho sinh đều dùi mài kinh sử, nuôi chí khoa danh để thực thi hoài bão “tiến vi quan, đạt vi sư” (tiến thân bằng con đường làm quan, khi đã thành đạt, hưu quan thì làm thầy). Hoặc “tiến vi quan thoái vi sư” (tiến thì làm quan, lui thì làm thầy). Đương nhiên cũng có không ít trường hợp vì những lý do riêng về hoàn cảnh gia đình nên chỉ học đến khóa sinh hoặc nhất, nhị trường, hoặc tú tài là không theo học tiếp mà ra dạy học.
Dưới thời Nho học, đa phần các nho sinh đều dùi mài kinh sử, nuôi chí khoa danh để thực thi hoài bão “tiến vi quan, đạt vi sư” (tiến thân bằng con đường làm quan, khi đã thành đạt, hưu quan thì làm thầy). Hoặc “tiến vi quan thoái vi sư” (tiến thì làm quan, lui thì làm thầy). Đương nhiên cũng có không ít trường hợp vì những lý do riêng về hoàn cảnh gia đình nên chỉ học đến khóa sinh hoặc nhất, nhị trường, hoặc tú tài là không theo học tiếp mà ra dạy học.
Làng quê xã Duy Nhất (Vũ Thư). Ảnh tư liệu
Lịch sử từng truyền lưu những bậc học quan có danh cao vọng trọng đã từ quan mà lấy việc dạy dỗ môn sinh làm sở đắc của cuộc đời và họ đã là những người thầy nổi danh với nhiều thế hệ học trò hiển đạt. Chính vì vậy mà hầu hết những dòng họ có truyền thống học hành, khoa bảng cũng lại là những dòng họ có nhiều người là nhà giáo.
Có thể kể đến nhiều dòng họ văn hiến từng có những nhà giáo thành danh trong lịch sử giáo dục của nước nhà, nhưng nếu nói về truyền thống một gia đình có toàn bộ sáu anh em đều là nhà giáo, từng nổi tiếng trong triều ngoài trấn, đáng được xem là một hiện tượng hy hữu trong lịch sử giáo dục của Việt Nam thì phải kể đến dòng họ Nguyễn Doãn ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư.
Tổ tiên họ Nguyễn Doãn vốn ở làng Dũng Nhuệ, sau đổi là Hành Dũng Nghĩa từ rất lâu đời. Bia chùa Keo còn khắc ghi danh tính các cụ ở dòng họ này đã có công xây dựng chùa vào những năm 1630 - 1631 và có công chấn hưng Phật giáo, mở mang sự nghiệp giáo dục ở vùng đất này. Vào thời Lê dòng họ này có Nguyễn Công Khuê thi đậu tú tài rồi ở nhà mở trường dạy học, đã đào tạo được hàng chục môn sinh hiển đạt. Mệnh mạch khoa danh của dòng họ này bắt đầu nở rộ từ triều Nguyễn với cử nhân Nguyễn Doãn Trung từng làm quan tới chức Hàn lâm viện Thị độc học sĩ, là một trong những nhà giáo nổi tiếng ở trấn Sơn Nam thời bấy giờ. Nguyễn Doãn Trung cùng người vợ là con một vị Tiến sĩ nhà giáo người làng Hoàng Xá (cùng huyện) sinh được sáu người con trai đều học hành thành đạt. Trong số sáu người con thì có ba người đỗ Cử nhân, hai người đỗ Tú tài và một người đỗ Nhị trường. Cả sáu người đều là nhà giáo.
Người con cả là Nguyễn Doãn Vọng đậu Cử nhân khoa Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức 20 (1867), làm quan tới chức Đốc học Nghệ An, vốn là thầy học của nhiều bậc danh sĩ nổi tiếng ở Nghệ - Tĩnh như Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu, Phan Huy Nhuận.
Người con thứ hai là Nguyễn Doãn Tập thi đậu ba khoa Tú tài và trở thành ông đồ nổi danh ở vùng Nam Định - Thái Bình. Khá nhiều môn sinh có quê ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Sơn Tây... đã có những năm tháng theo học dưới cửa thầy Tú Tập mà trở thành những ông tú, ông cử, ông nghè có đức hạnh.
Người con thứ ba là Nguyễn Doãn Cử, hiệu Bằng Phi, đậu Cử nhân khoa Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức 16 (1863). Ngay sau khi thi đỗ được bổ làm Huấn đạo huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), rồi Tri huyện huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), Tri huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị); năm 1873 là Quyền Tuần phủ Sơn - Hưng - Tuyên. Do tài năng, phẩm hạnh và uyên thâm về kinh sách, thông tỏ về thực tiễn nên vào năm 1879, Nguyễn Doãn Cử được triệu về kinh, vừa là Giảng dụ quan phủ Tôn nhân, dạy bảo các hoàng tử vừa là Hàn lâm viện thị giảng kiêm Quốc sử quán biên tu. Ông đã có công dạy dỗ nhiều hoàng tử, nổi bật là hoàng tử Ưng Lịch, sau này là vua Hàm Nghi. Năm 1881, khi đến tuổi 60, Nguyễn Doãn Cử dâng sớ về hưu. Nghe tin Giảng dụ quan phủ Tôn nhân hưu quan, học trò nhiều tỉnh thành ở Bắc Kỳ đã tìm về thụ giáo. Thông qua việc dạy học, Nguyễn Doãn Cử đã khích lệ tinh thần kháng Pháp cho các môn sinh. Chính ông đã cùng Nguyễn Hữu Bản quê làng Động Trung, nay thuộc xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương tuyển mộ nghĩa sĩ bảo vệ thành Nam khi thực dân Pháp đánh thành vào năm 1883. Khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, Nguyễn Doãn Cử đã trở thành một trong những yếu nhân tập hợp lực lượng và làng Hành Dũng Nghĩa đã trở thành một trong những trung tâm của phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ. Ông đã từng bị thực dân Pháp bắt giam, sau khi được thả, lại dạy học đến cuối đời. Khi Nguyễn Doãn Cử qua đời, nhiều bậc danh sĩ là bạn hữu, là môn sinh ở các tỉnh thành đã có những câu đối thống thiết ngợi ca một nhà giáo có đức hạnh trùm đời. Một phần những câu đối này đã được trích dịch và in trong “Bằng Phi thi tập” của ông.
Người con thứ tư là Nguyễn Doãn Ngợi đậu Tú tài. Người con thứ năm là Nguyễn Doãn Dương thi trúng Nhị trường rồi cả hai cùng trọn đời làm nhà giáo, học trò xa gần trong các phủ huyện tìm đến theo học rất đông.
Người con thứ sáu là Nguyễn Doãn Tựu, thi đậu Cử nhân khoa Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870), từng làm Đốc học rồi được thăng bổ tới chức Tuần phủ Hà Tĩnh, khi hưu quan cũng lại mở trường dạy học ở quê.
Hạnh phúc của người thầy giáo thuở trước là học trò thường sống theo đạo nghĩa đối với thầy dạy là sống tết chết giỗ. Thường thì hạnh phúc đó mãi mãi sau này con cháu của họ vẫn còn được thừa hưởng. Chính vì thế mà cho đến ngày nay, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Doãn ở làng Hành Dũng Nghĩa vẫn thường quảng giao bởi các mối quan hệ thân thiết từ các thế hệ môn sinh của tổ tiên mình để lại.
Từ cuối triều Nguyễn đến thời kỳ hiện đại, truyền thống hiếu học, thành danh của dòng họ Nguyễn Doãn luôn được các thế hệ con cháu duy trì và phát huy. Khá nhiều người đã trở thành những nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà quản lý, tướng lĩnh trong quân đội có học hàm, học vị.
Nét nổi trội đáng chú ý trong truyền thống của dòng họ văn hiến Nguyễn Doãn ở làng Hành Dũng Nghĩa là nền nếp gia phong, phẩm hạnh làm người từ các thế hệ tiền nhân đã tạo dựng và chuyển giao lại mà lớp lớp lớp cháu con vẫn nghiêm cẩn gìn giữ để duy trì. Ở thời hiện tại, các thế hệ hậu duệ của dòng họ này có khá nhiều người là nhà giáo ở các bậc học, ngành học khác nhau, đa phần trong số đó đã và đang lập danh về cả các phương diện dạy chữ, dạy người và dạy nghề.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/187658/mot-nha-bay-cha-con-deu-la-nha-giao-thanh-dat
Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)