Theo dòng lịch sử của dân tộc, những nhân vật xuất chúng đã tạo thành mệnh mạch, làm vẻ vang cho dân tộc, giống nòi, trong đó Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929) quê làng Ngọc Đình, nay thuộc xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà là một hiện tượng hy hữu.
Theo dòng lịch sử của dân tộc, những nhân vật xuất chúng đã tạo thành mệnh mạch, làm vẻ vang cho dân tộc, giống nòi, trong đó Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929) quê làng Ngọc Đình, nay thuộc xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà là một hiện tượng hy hữu.
Một cảnh trong vở diễn “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm” của Nhà hát Chèo Thái Bình.
Nguyễn Văn Cẩm sinh ra vào thời điểm các phong trào vũ trang cần vương kháng Pháp lần lượt thất bại. Một bộ phận sĩ phu yêu nước đang tìm đến việc dùng đàn kinh giáng bút để thức tỉnh lòng dân, mưu nhen nhóm phong trào yêu nước. Hiện tượng cậu bé Cẩm ở làng Ngọc Đình chưa đầy 5 tuổi có tài ứng đối đã nhanh chóng trở thành thần tượng với những lời sấm trạng về việc vua giáng thế để cứu nước Nam. Thế rồi, từ việc các nhà nho yêu nước muốn dựng Nguyễn Văn Cẩm thành một thủ lĩnh mới của phong trào chống Pháp đã đưa cuộc đời ông đến những bước ngoặt khôn lường để trở thành một hiện tượng độc đáo trong lịch sử nước nhà.
Do tài trí thông minh đến lạ kỳ, lên tám tuổi Nguyễn Văn Cẩm đã được cha đưa đến dự kỳ khảo khóa ở tỉnh để chuẩn bị năm sau vào thi hương và cậu đã trúng hạng ưu. Thông thường thì những nho sinh dự khảo khóa để trở thành khóa sinh dự thi hương chí ít cũng phải trải qua mươi năm đèn sách và đã ở tuổi ngoài đôi mươi. Tỉnh thần làm sớ tâu lên vua Tự Đức chuyện lạ ấy và vị hoàng đế văn hóa này đã xuống chỉ dụ cấp học bổng bằng tiền, gạo hàng tháng, cấp quần áo hàng năm cho Nguyễn Văn Cẩm và đặt cho biệt hiệu Kỳ Đồng (đứa trẻ lạ). Tin này lan ra cả nước, có biết bao nhiêu lời sấm trạng về vận nước quanh chuyện làng Ngọc Đình có “vua giáng thế” cứu nước.
Ngày 27/8/1887, các sĩ phu Thái Bình, Nam Định đã tổ chức đám rước cho Kỳ Đồng ngồi kiệu với khoảng 100 người cầm cờ “Thiên binh thần tướng” cùng giáo mác bằng gỗ hộ giá tiến về thành Nam Định. Hẳn là, một đám rước chỉ có khoảng 100 người với giáo mác gỗ chẳng phải để mưu đánh chiếm thành Nam Định mà cốt chỉ để gắn màu sắc tôn giáo vào thần tượng Kỳ Đồng. Những người tổ chức đám rước này muốn công khai tạo dư luận về Kỳ Đồng, một “ông vua giáng thế” sẽ là thủ lĩnh mới của phong trào kháng Pháp. Đương nhiên, ý đồ của những người tổ chức đám rước không qua được con mắt cảnh giác của bọn mật thám Pháp. Công sứ Nam Định đã cho lính xả súng bắn thị uy và ngay lập tức đám rước tán loạn. Kỳ Đồng cùng một số người tham gia đám rước bị bắt giữ. Để tách thần tượng Kỳ Đồng ra khỏi dân chúng và cũng muốn đào tạo cậu bé thông minh xuất chúng này sau trở thành một cộng sự cho chính phủ bảo hộ, theo đề nghị của viên công sứ Pháp ở Nam Định, Kỳ Đồng đã được đưa đi du học tại An-giê-ri. Một số người bị bắt giữ trong đám rước bị đày đi Côn Đảo.
Ngày 2/10/1887, Kỳ Đồng tới An-giê-ri và được cấp học bổng vào học tại trường trung học mang tên Lu-i-lơ Grăng ở thủ đô An-giê. Sau 9 năm theo học ở trường này, Kỳ Đồng đã được cấp bằng tú tài toàn phần (khoa học và văn học). Ngoài học vị tú tài, Kỳ Đồng còn được cấp một bằng huấn luyện thể dục. Có lẽ, ông là người Việt Nam đầu tiên được cấp tấm bằng này. Theo các tài liệu lưu trữ của Pháp thì trong thời gian ở An-giê-ri, Kỳ Đồng có quan hệ thân thiết với vua Hàm Nghi đang bị lưu đày ở đó. Chắc chắn là Hàm Nghi - một vị vua yêu nước, tiến bộ đã có những cơ hội trao truyền cả tình yêu đất nước, tinh thần dân tộc, chí hướng giành độc lập và niềm hy vọng về chàng trai trẻ yêu nước này.
Tháng 9/1896, Kỳ Đồng lên tàu từ An-giê-ri về Việt Nam. Trên tàu, ông đã làm quen với một bác sĩ người Pháp đang làm việc ở Hà Nội tên là Gi-a và được biết ông này đang có ý định mộ dân đi khai khẩn đồn điền tại Yên Thế, Bắc Giang. Một dự định lớn lao khi về nước đã bước đầu hình thành trong đầu Kỳ Đồng. Khi về Việt Nam, thực dân Pháp muốn giao cho ông làm một viên chức văn phòng thuộc ngạch Pháp để dễ quản lý nhưng ông đã từ chối và xin được cùng bác sĩ Gi-a mộ dân lên Yên Thế mở đồn điền.
Trong thời gian chờ phủ Toàn quyền quyết định, Kỳ Đồng đã về Thái Bình và các tỉnh lân cận để chuẩn bị lực lượng. Ông đã khôn khéo đi giao du nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ, vừa để nắm thêm thực trạng lòng dân vừa để bắt mối với những yếu nhân trong các phong trào yêu nước. Những người ngưỡng mộ Kỳ Đồng ngày một đông thêm mà phần đông đều là những người yêu nước đang chưa tìm được minh chủ.
Tháng 4/1897, Kỳ Đồng được phủ Toàn quyền đồng ý cho phép cùng bác sĩ Gi-a mộ dân mở đồn điền tại Yên Thế. Có tài liệu cho biết, đến giữa tháng 9/1897, số người theo Kỳ Đồng đi khẩn hoang ở Yên Thế đã lên đến 7.000 - 8.000 người. Vì phải rất cảnh giác với việc mộ dân đi mở đồn điền nên những hoạt động của Kỳ Đồng và lai lịch của những người theo ông lên Yên Thế được bọn mật thám Pháp nắm khá kỹ. Trong một bản báo cáo gửi Bộ thuộc địa Pháp, Toàn quyền Đu-me đã viết: “Trong số 2.500 đến 3.900 người tập hợp xung quanh Kỳ Đồng ở Yên Thế có nhiều nho sĩ hay quan lại cũ hơn là nông dân, nghĩa là những người chưa hề đụng đến đất đai… Kết quả theo dõi cho thấy có nhiều thơ ca và lời hiệu triệu được phổ biến, nói về một vị thần sẽ giải phóng xứ Bắc Kỳ, và người dân An Nam nào muốn tham gia chính phủ của vị thần đó thì ngay bây giờ hãy tập hợp bên ông ta”.
Việc phủ Toàn quyền đồng ý cho Kỳ Đồng liên danh với bác sĩ Gi-a mộ dân lên Yên Thế mở đồn điền là một thắng lợi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ông để mưu nghiệp lớn “bình Tây diệt Nguyễn” để lập nên một chính thể mới. Nơi đây là vùng núi rừng hiểm yếu mà nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đang đặt đại bản doanh bám trụ để duy trì cuộc khởi nghĩa. Dưới vỏ bọc mộ phu mở đồn điền nhưng thực chất là tập hợp binh lương, xây dựng lực lượng từ dưới xuôi đưa lên. Căn cứ chợ Kỳ được xây dựng và bố phòng nghiêm ngặt. Năm đồn được xây dựng và bí mật tổ chức luyện tập võ nghệ, chế tạo vũ khí. Từ căn cứ này, Kỳ Đồng đã bí mật liên hệ, liên kết với các thủ lĩnh yêu nước ở Bắc Kỳ. Với nghĩa quân Đề Thám, Kỳ Đồng đã ba lần hỗ trợ lương thảo. Ông bí mật liên kết với Mạc Đĩnh Phúc và Nguyễn Bá Ôn ở Hải Dương đang là hai nhân vật có uy danh kháng Pháp ở Bắc Kỳ. Bộ tham mưu được hình thành, Kỳ Đồng được nghĩa quân tôn làm Quốc sư, Mạc Đĩnh Phúc làm thủ lĩnh, Nguyễn Bá Ôn làm chủ soái. Những lời hiệu triệu từ Bộ tham mưu được bí mật chuyển đến từng làng xã ở nhiều vùng miền. Theo các tài liệu lưu trữ của Pháp, tướng lĩnh và chức sắc ở các địa phương nhận bằng sắc từ Bộ tham mưu này đã lên tới hơn 3.000 người.
Cho dù đã rất cảnh giác nhưng Kỳ Đồng cũng không lường hết được sự theo dõi ông của bọn mật thám Pháp. Từ việc đưa Kỳ Đồng đi đào tạo ở An-giê-ri đến việc cho Kỳ Đồng về nước, nhất là từ sau khi về nước Kỳ Đồng từ chối hợp tác, không nhận việc do phủ Toàn quyền sắp xếp mà xin mộ dân lên Yên Thế mở đồn điền đã buộc bọn mật thám Pháp phải theo dõi ông ngày một sát sao hơn. Không thể để Kỳ Đồng duy trì mãi những hoạt động quân sự nguy hiểm, Toàn quyền Đu-me đã ra lệnh cho viên thiếu tá Pê-rô chỉ huy đạo binh Yên Thế tiến công bắt cóc ông tại căn cứ chợ Kỳ đêm ngày 22/9/1897, tịch thu tang vật, vũ khí, trong đó có cả những bản tuyên cáo hạ lệnh tổng khởi nghĩa và danh sách nội các chính phủ mới do Kỳ Đồng khởi thảo.
Đề phòng phản ứng của dân chúng, ngay đêm đó Kỳ Đồng được đưa lên tàu từ phủ Lạng Thương ra Hải Phòng, sau đó được đưa lên một chiếc tàu đã chực sẵn tại bến cảng để đưa ngay vào Sài Gòn và bị giam giữ nghiêm ngặt. Do làn sóng đấu tranh đòi thả Kỳ Đồng và những cuộc bạo động của Mạc Đĩnh Phúc cùng nghĩa quân nổ ra liên tiếp ở nhiều nơi nên bọn Pháp không dám công khai xét xử ông. Mãi đến ngày 4/12/1897 chúng mới mở phiên tòa vắng mặt và kết tội ông phải đi lưu đày biệt xứ. Ông bị đưa sang Pháp giam giữ mấy tháng rồi đưa đi đày ở Tahiti trên quần đảo Pô-lê-nê-di thuộc châu Đại Dương. Ở xứ sở xa lạ này, Kỳ Đồng đã mở một xưởng bào chế tân dược rồi lấy một người vợ gốc Pháp. Ông qua đời tại đó ngày 17/7/1929.
Các thế hệ hậu duệ của Kỳ Đồng hiện đang sinh sống ở Pháp. Những năm gần đây, cháu chắt của ông đã tìm về quê hương bản quán và xúc tiến việc đưa hài cốt Kỳ Đồng về Việt Nam.
Kỳ Đồng là một người xuất chúng bởi ông đã trở thành “người Việt Nam đầu tiên” ở nhiều lĩnh vực. Ví như: người Việt Nam đầu tiên đi du học 9 năm ở châu Phi; người Việt Nam đầu tiên có bằng tú tài khoa học toàn phần; người Việt Nam đầu tiên có bằng huấn luyện viên thể dục; doanh nhân Việt Nam đầu tiên bào chế và kinh doanh tân dược ở nước ngoài và hơn cả thế là một nhà yêu nước Việt Nam đầu tiên bị lưu đày ở nước ngoài lâu nhất…
Khi Kỳ Đồng bị đưa đi lưu đày, những người dân theo ông đi mở đồn điền đã lập ngôi đền thờ ông ở động Thiên Thai thuộc xã Hồng Kỳ (Yên Thế, Bắc Giang), nhân dân trong vùng tôn là Thánh Kỳ Đồng. Hiện ngôi đền này đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tại nhiều thành phố trong cả nước có các đường phố, trường học mang tên Kỳ Đồng.
Mới đây, Nhà hát Chèo Thái Bình đã hoàn thành vở diễn Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm để tham gia Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022. Có thể coi đó là một trong những hoạt động thiết thực để quảng bá hình ảnh một người con ưu tú của Thái Bình, một nhà yêu nước xuất chúng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/156527/mot-hien-tuong-xuat-chung-trong-lich-su-viet-nam
Nguyễn Thanh