Miền đất sinh sôi
Ngày: 07/06/2024
Khi tìm hiểu về đất và người Thái Bình, có nhà nghiên cứu đã viết: “Về nguồn đất Thái Bình có điểm độc đáo mà ít tỉnh có được đó là đất “sinh sôi nẩy nở” nhanh, đất mở rộng không ngừng về phía Biển Đông mà cũng là đất phì nhiêu tươi tốt vào bậc nhất”. Khi xưa, Đồng Bình Chương sự Trương Đăng Quỹ, quê thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đã nói về thế mạnh kinh tế, quân sự của vùng này: “Trấn Sơn Nam đất tốt, dân đông, đinh tráng có thể luyện làm quân lính, thóc gạo có thể trưng làm quân lương, sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, cưỡi một chiếc thuyền bỏ chỗ nọ đến chỗ kia, chẳng ai còn biết lối mà tìm”

Khi tìm hiểu về đất và người Thái Bình, có nhà nghiên cứu đã viết: “Về nguồn đất Thái Bình có điểm độc đáo mà ít tỉnh có được đó là đất “sinh sôi nẩy nở” nhanh, đất mở rộng không ngừng về phía Biển Đông mà cũng là đất phì nhiêu tươi tốt vào bậc nhất”. Khi xưa, Đồng Bình Chương sự Trương Đăng Quỹ, quê thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đã nói về thế mạnh kinh tế, quân sự của vùng này: “Trấn Sơn Nam đất tốt, dân đông, đinh tráng có thể luyện làm quân lính, thóc gạo có thể trưng làm quân lương, sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, cưỡi một chiếc thuyền bỏ chỗ nọ đến chỗ kia, chẳng ai còn biết lối mà tìm”.

Đình Ngái, làng Ngái, xã Quang Bình (Kiến Xương) - nhân chứng lịch sử vùng đất cổ huyện Chân Định - Kiến Xương từ hơn 3.000 đến 2.000 năm trước.

Theo sách “Các tổng trấn danh bị lãm” viết vào đầu triều Nguyễn, huyện Chân Định (nay là huyện Kiến Xương và một phần huyện Tiền Hải) thời nhà Lê có 17 phường thủy cơ, phường chài lưới, những phường chài lưới này sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá thủ công. 

Sông nước một “dải Hoàng Giang, Nam đạo, đâu cũng là nhà”, nghề chài lưới sông hồ nào lắm tôm nhiều cá thì đến, gặp chợ thì ghé thuyền bán cá, đong gạo rồi lại đi... vậy mà chỉ đến cuối thế kỷ XIX (sau thành lập tỉnh 1890) trong danh sách các làng xã của huyện Chân Định không còn phường thủy cơ nào, các phường đã nâng lên (được chính quyền công nhận) là xã, thôn. Phường Vũ Lăng thành xã Văn Lãng, phường Nguyên Xá thành xã Mỹ Nguyên, phường Hương Ngải thành thôn Giáo Nghĩa, những phường nhỏ hơn thì nhập luôn vào xã như phường An Bồi, phường Thanh Nê...

Đầu triều Lê, khi viết sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi đã đánh giá về trấn Sơn Nam (trong đó có phủ Kiến Xương). “Sơn Nam là trấn thứ ba trong 4 kinh trấn và đứng đầu phên dậu phía Nam. Có 9 lộ phủ, 36 huyện, 2059 làng xã”. Lý Tử Tấn, người cùng thời với Nguyễn Trãi, có lần đặt chân đến phủ Kiến Xương (Chân Định) đã thốt lên: “Trấn Sơn Nam đất tốt, dân đông, các triều phí dụng nuôi quân đều lấy ở đấy”. Thời Lê sơ (1428 - 1527) vùng đất phủ Kiến Xương (bao gồm cả một phần huyện Tiền Hải ngày nay) là nơi hội cư của nhiều dòng họ quý tộc. Ví dụ, họ Phạm Thư Điền, Phương Trạch (nay thuộc huyện Tiền Hải) là con cháu công thần nhà Lê, Phạm Văn Xảo, sau khi ông bị ám hại, con cháu đã chạy khỏi kinh thành Thăng Long về vùng đất ven biển hoang sơ (nay là xã Phương Công, Tây Giang, huyện Tiền Hải) mở đất. Đời sau có Phạm Tri Vận (ngành thứ) cũng chạy về Phương Trạch. Họ Chu, họ Phạm ở Trình Phố cũng là những công thần trong kháng chiến chống giặc Minh, sau chiến thắng Chu Ngạn, Phạm Phúc Thiện cùng 8 đại thần về vỡ đất hoang, hoàn chỉnh việc mở làng Trình Phố. Các họ Nguyễn Đăng, Nguyễn Mậu (Động Trung) họ Đặng, họ Lương (Vũ An, Vũ Trung, Thanh Nê), họ Phan (Minh Giám, Nguyệt Giám), họ Lại (Vũ Ninh), họ Ngô (Trình Phố, Động Trung)... đều hội cư về Kiến Xương vào triều Lê - Mạc hoặc Lê Trung Hưng và cho tận cuối về hội cư. Tất cả các cư dân ở mọi vùng miền trong nước, dù xuất thân từ quý tộc, nô lệ hay người tự do nhưng khi đã hội cư về Kiến Xương đều bám trụ, khai thác tiềm năng của đất để làm cho đất màu mỡ, mùa vụ tốt tươi.

Cuối thời Lê, đồng bãi Kiến Xương đã đứng đầu tứ trấn. Dân gian lưu truyền câu ca: Nam Chân, Bắc Lũng, Đông Kỳ, Tây Lạc (phía Sơn Nam hạ có Chân Định; Kinh Bắc (nay là các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh) có huyện Hữu Lũng; Hải Đông (Hải Dương) có Tứ Kỳ; Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) có Yên Lạc... Theo tài liệu khảo cứu, trong bộ tứ “đất thượng hạng” thì Hữu Lũng, Yên Lạc là đồng bằng tiếp cận bán sơn địa không thể so sánh được với đất Chân Định (Kiến Xương) của tỉnh ta. Cùng trong một vùng mà giá một mẫu đất Chân Định đắt gấp 2 lần huyện Quỳnh Côi, gấp rưỡi các huyện Thái Ninh, Tiên Hưng, Hưng Nhân, Thư Trì, Vũ Tiên, Duyên Hà, bởi năng suất lúa Chân Định gấp 2 lần các huyện Duyên Hà, Thụy Anh, Đông Quan. Điều kiện tự nhiên thuận lợi ấy đã cho Chân Định có sức mạnh phi thường, bao cuộc chiến chinh, thiên tai... dân siêu tán, những người còn sống phần đông trở lại quê nhà. Dân tứ trấn mỗi lần có chính sách khuyến nông là rầm rộ về vùng Chân Định vỡ đất, mua đất... Người dân Kiến Xương (địa danh Chân Định cũ) không chỉ khai phá đất trong đồng mà còn biết tiến ra biển, lấn biển. Để lấn được biển phải đắp đê biển. Từ thời Hồ (1404) tri phủ Kiến Xương là Trần Quốc Kiệt (cháu nội Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn) đã huy động dân công đắp đê biển ngăn sóng dữ. Sang thời Lê, hệ thống đê biển ngày càng hoàn chỉnh, các sử gia triều Nguyễn đã ghi: “Năm 1467 (đời Hồng Đức) gió bão to, các phủ Nam Sách, Giáp Sơn, Thái Bình, Kiến Xương nước biển đẩy đầy lên to, đê điều bị vỡ, lúa má bị ngập lụt, nhiều người chết đói... nhà vua hạ lệnh cho Ngự sử là Đinh Nhân Phủ và Thiếu Duy Trinh chia nhau đến ba đạo mặt đông, mặt tây và mặt nam ở ven biển thân hành đi khám xét bờ đê, đốc xuất ty thừa chính sở tại bồi đắp”.

Theo các nguồn khảo luận, trong công cuộc khai hoang lấn biển, thành tựu lớn nhất của nhân dân Chân Định - Kiến Xương là đã tham gia mở đất Tiền Châu. Thời Lê và đầu triều Nguyễn, bãi Tiền Châu (nay là huyện Tiền Hải nằm trong bản đồ hành chính huyện Chân Định). Tổng bãi đất từ sông Long Hầu (lạch bờ biển) tới mép nước rộng 18.970 mẫu Bắc Bộ. Đất ấy màu mỡ, sú vẹt, lau sậy mọc thành rừng, là bãi cá, đầm tôm, nơi trú ngụ của các loài sinh cầm, thủy cầm. Dân các xã ven bờ chỉ dùng bãi ấy thả trâu bò hoặc vào đầm hồ bắt tôm cá, vào rừng ngập mặn săn bắt muông thú. Nơi ấy cũng là địa bàn lý tưởng cho những kẻ ẩn tránh sự truy nã... Từ năm 1822 - 1828, để lập huyện Tiền Hải, doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã chỉ đạo việc đắp đê biển và được xem là công việc bắt buộc trong tiến trình khai hoang, vỡ hóa. Dân chưa đông, đất canh tác đủ dùng, thời ấy dân Chân Định - Kiến Xương chưa đủ sức và chưa có nhu cầu bức xúc vươn ra vùng chân sóng. Bãi Tiền Châu được coi như vùng rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển của người Kiến Xương vậy. 

Người xướng xuất khẩn hoang bãi biển Tiền Châu là doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Thời vua Minh Mệnh (1820 - 1840) việc quai đê, lấn biển là công việc được làm thường xuyên. Con đê biển khởi công từ năm 1830 - 1839 được bồi trúc có chiều dài 2.970 trượng, mặt đê rộng 4 trượng gọi là đê Hồng Ân. Thời Tự Đức, các huyện ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã có hệ thống đê biển. Theo khảo sát của các nhà địa chất, khoảng cách giữa hai hệ thống đê Hồng Đức, Hồng Ân là 8km. Từ Hồng Đức đến Hồng Ân thời gian dài 369 năm, với thời gian ấy nhân dân Kiến xương và các huyện ven biển đã đổ bao mồ hôi, công sức, tiền của để lấn biển, mở rộng đồng ruộng, đẩy biển ra xa được... 8km.

Sử cũ chép: năm 1427 khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua. Vua đã xuống chiếu “hai năm không thu thuế ruộng, đầm phá, bãi dâu trong cả nước”, “trả lại ruộng đất đã bị tịch thu cho những quân dân bị giặc bắt vào “thành”, vua Lê còn thực hiện một chính sách quan trọng bãi bỏ chế độ điền trang có từ thời Trần, giải phóng nông dân, chia ruộng đất cho nông dân,  thực hiện chế độ quân cấp công điền... giao cho chính quyền cơ sở phải quan tâm đến sản xuất... giao cho các công thần đi khai hoang, phục hóa, mở đất... Do những chính sách khuyến nông ấy mà sản xuất nông nghiệp phát triển: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa gạo đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”.

Quang Viện

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/200565/mien-dat-sinh-soi

Quang Viện