Trải qua biến thiên của lịch sử, lễ hội truyền thống - với vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nghi thức không thể thiếu trong đời sống văn hóa làng. Những người con của làng dù quanh năm suốt tháng bận mải với nhịp sống hối hả thường nhật nhưng cứ đến mỗi dịp hội làng lại chung tay gìn giữ những nghi thức tế lễ, hội thi, trò diễn dân gian cùng niềm tự hào về nét văn hóa đặc trưng, tốt đẹp của quê hương.
Trải qua biến thiên của lịch sử, lễ hội truyền thống - với vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nghi thức không thể thiếu trong đời sống văn hóa làng. Những người con của làng dù quanh năm suốt tháng bận mải với nhịp sống hối hả thường nhật nhưng cứ đến mỗi dịp hội làng lại chung tay gìn giữ những nghi thức tế lễ, hội thi, trò diễn dân gian cùng niềm tự hào về nét văn hóa đặc trưng, tốt đẹp của quê hương.
Lễ rước trong lễ hội đình làng Bái, xã Đông Hợp (Đông Hưng).
Nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Đình làng Bái, xã Đông Hợp (Đông Hưng) là nơi thờ Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục, Tây Hải Đại vương, Nam Hải Đại vương - 4 vị trung thần đã có nhiều công lao giúp dân, giúp nước. Cuối thế kỷ XIX, đình là cơ sở hoạt động của phong trào Cần Vương chống Pháp. Năm 2022, lễ hội truyền thống được tổ chức sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên rất đông con em của làng Bái từ mọi miền đất nước đã về tụ họp tại quê hương để tham gia vào các nghi thức tế lễ, đặc biệt trong đó là lễ rước kiệu vòng quanh làng trang nghiêm và thành kính.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Đông Hợp, Trưởng ban tổ chức lễ hội truyền thống đình làng Bái chia sẻ: Định kỳ 3 năm 1 lần, địa phương phối hợp cùng ban quản lý di tích tổ chức đại lễ để nhân dân địa phương, du khách thập phương và con em xa quê có dịp tưởng nhớ công lao to lớn của các vị thành hoàng làng, những người đã có công khai thôn lập ấp, xây dựng nên làng xã. Diễn ra trong 2 ngày với nhiều hoạt động như tế lễ, giao lưu văn nghệ, thể thao... lễ hội truyền thống góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, bảo lưu những nét đẹp văn hóa cổ truyền của người dân làng Bái, giúp mỗi người thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống quê hương, từ đó đồng lòng chung sức xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.
Ông Phạm Văn Dưỡng, tổ tế nam quan chia sẻ: Năm nay đã là năm thứ 12 tôi tham gia tổ tế nam quan của làng Bái. Anh em chúng tôi cùng nhân dân trong làng bảo lưu nét đẹp văn hóa mà tiền nhân để lại. Trách nhiệm của chúng tôi là 1 năm 3 kỳ: rằm tháng Giêng, ngày hội làng vào tháng 8 âm lịch và 30 tết Nguyên đán, thay mặt nhân dân trong làng, khoác áo tế Thánh, dâng tuần hương, tuần rượu, tỏ lòng tri ân công đức các bậc tiền nhân, giữ gìn, trao truyền văn hóa tốt đẹp của làng xã. Tâm nguyện là một người dân làm sao góp phần cùng bà con làng xóm giữ gìn truyền thống của làng để truyền lại cho thế hệ sau tiếp nối, nên mọi công việc thường nhật đều gác lại để có cái tâm thanh tịnh cầu bình an, thịnh vượng cho quê hương, đất nước. Cứ mỗi dịp lễ hội truyền thống, chẳng riêng tổ tế nam quan mà mỗi người dân đều cảm thấy rất tự hào vì bản sắc văn hóa của làng vẫn luôn được gìn giữ cho tới ngày nay.
Chung tay gìn giữ "nếp làng"
Ông Đào Xuân Bỉ, Trưởng ban Quản lý di tích đình làng Bái là người đã trên 20 năm gắn bó với mọi công việc dưới mái đình làng. Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, tấm lòng của những người dân chung tay giữ gìn mái đình cổ, ông Bỉ càng thêm xúc động khi những ngày hội làng, con em xa quê dù có phương trưởng đi bốn phương trời cũng luôn về tụ họp để chung tay gìn giữ “nếp làng”. Ông chia sẻ: Đối với mỗi người dân, đình làng được ví như tròng nóc của làng bởi mọi tinh hoa trong đời sống văn hóa tinh thần đều diễn ra ở nơi đây. Từ xưa tới nay, đình là nơi tổ chức các nghi thức tế lễ của địa phương, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Với không gian rộng, thoáng cùng ẩn chứa những lớp lang văn hóa sâu, dày, đình là nơi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động cộng đồng. Ngôi đình làng còn là nơi lưu giữ phong tục, tập quán truyền thống của làng từ lời ca, tiếng hát đến nền nếp học hành. Bởi vậy, cứ mỗi dịp đình làng có hội, người con của làng dù sinh sống tại địa phương hay xa quê, ở ngành nghề, lứa tuổi nào cũng đều chung tay góp sức.
Theo ông Đào Xuân Bỉ, hiện nay ngôi đình làng cổ kính đã có nhiều hạng mục xuống cấp như phần mái ngói đã tụt, nhiều chỗ đã được thay thế bằng ngói mới, một số kèo, rui đã xuất hiện vết nứt... Mong muốn của người dân địa phương là mái đình làng sớm được tu bổ, chỉnh trang để gìn giữ nét đẹp truyền thống quê hương và là điểm đến của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Đông Hợp thông tin thêm: Để bảo đảm an toàn, đặc biệt trong những ngày diễn ra lễ hội có rất đông người dân tụ họp tại đình làng, địa phương đã tiến hành sửa chữa từng phần. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương sẽ có đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng và huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để giữ gìn mái đình cổ kính, vừa bảo đảm thẩm mỹ vừa an toàn cho mọi hoạt động diễn ra dưới mái đình.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nét đẹp văn hóa làng, trong đó những lễ hội truyền thống thật sự là những “báu vật” giữa nhịp sống hiện đại. Đây là nguồn lực khơi dậy sức mạnh cộng đồng, tạo nên những giá trị mới trong đời sống kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng quê hương văn minh, hiện đại.
Trang nghiêm hoạt động tế lễ trong lễ hội truyền thống.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/159878/le-hoi-truyen-thong-net-dep-van-hoa-lang
Tú Anh