Mảnh đất Thụy Hưng (Thái Thụy) đã trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, trong đó thôn Cao Dương (Cao Dương Thượng, Cao Dương Hạ ngày nay) là làng cổ của xã. Phát huy truyền thống anh dũng trong kháng chiến, gương mẫu, nhạy bén trong thời bình, những người con Cao Dương đang nỗ lực góp sức mình phát triển quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Mảnh đất Thụy Hưng (Thái Thụy) đã trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, trong đó thôn Cao Dương (Cao Dương Thượng, Cao Dương Hạ ngày nay) là làng cổ của xã. Phát huy truyền thống anh dũng trong kháng chiến, gương mẫu, nhạy bén trong thời bình, những người con Cao Dương đang nỗ lực góp sức mình phát triển quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu thôn Cao Dương Hạ.
Anh dũng trong chiến đấu
Người dân làng Cao Dương đã trải qua bao đời kiên trì vật lộn với thiên nhiên để cải tạo vùng đầm lầy, lau lách, cồn bãi, sú vẹt thành những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ. Tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, chịu thương chịu khó đã trở thành truyền thống quý giá của nhân dân nơi đây để họ vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt vừa góp sức mình vào các cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương, đất nước.
Được đầu tư đồng bộ, nhà văn hóa thôn là nơi tập luyện thể thao của người dân.
Ngay từ giữa thế kỷ XIII, khi Trần Hưng Đạo lui quân về phủ Thái Ninh (Thái Thụy ngày nay) lập căn cứ, thôn Cao Dương là một trong 2 địa phương được lựa chọn những người khỏe mạnh, khéo tay tham gia đội rèn, đúc vũ khí cung cấp cho triều đình đánh giặc. Nghề rèn làng Cao Dương có từ khi ấy. Năm 1978, qua đợt khảo cổ tại thôn Cao Dương đã xác định có 7 lò đúc vũ khí và 1 xưởng luyện kim hoàn, người phụ trách là tướng quân Dã Tượng, sau được dân làng tôn là Thành hoàng của làng.
Những năm đầu thế kỷ XX, tại làng Cao Dương nổi lên phong trào của Đông Kinh Nghĩa Thục do 2 cụ Tống Duy Bường, Tống Duy Kỳ khởi xướng và một số thanh niên họ Đào, họ Phạm hăng hái tham gia, trở thành những hội viên đầu tiên của hội. Hoạt động của hội dù còn những hạn chế nhất định nhưng đã để lại dấu ấn lịch sử sâu sắc về tinh thần yêu nước chống đế quốc, phong kiến.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, thanh niên làng Cao Dương hăng hái lên đường chống giặc ngoại xâm.
Ông Trần Văn Đoàn, Trưởng thôn Cao Dương Thượng chia sẻ: Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lớp lớp người con Cao Dương đã lên đường ra trận chiến đấu trên khắp các chiến trường, nhiều người là những tấm gương tiêu biểu, chiến đấu dũng cảm lập công xuất sắc, có những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp thống nhất nước nhà, để lại tiếng thơm muôn thuở.
Ông Đào Viết Hải, Trưởng thôn Cao Dương Hạ thông tin: Ở hậu phương, lực lượng dân quân du kích không chỉ làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ xóm làng, xây dựng và củng cố làng kháng chiến và thế trận phòng thủ mà còn tham gia chiến đấu, hiệp đồng chiến đấu với bộ đội chủ lực huyện chống càn và bao vây bốt Xá Thị trong suốt thời kỳ địch tạm chiến, lập tề. Cùng với các làng trong xã, những người con làng kháng chiến Cao Dương đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch, giữ vững cơ sở kháng chiến.
Gương mẫu trong thời bình
Thực hiện nghị quyết về xây dựng nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu, thôn Cao Dương Thượng, Cao Dương Hạ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, từ đó nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong việc đóng góp kinh phí, ngày công lao động và nỗ lực duy trì hiệu quả hoạt động nhà văn hóa sau khi việc xây dựng hoàn thành. Trong đó, thôn Cao Dương Hạ có nhà văn hóa thôn được đầu tư kinh phí lớn nhất với tổng vốn trên 2 tỷ đồng. Đi vào hoạt động từ năm 2022, một số hạng mục bổ trợ tại đây đang dần được hoàn thiện, thiết thực phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của bà con nhân dân trong thôn.
Người dân xã Thụy Hưng tham gia Đại hội thể dục thể thao xã năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ tịch UBND xã Thụy Hưng chia sẻ: Địa phương rất đồng tình ủng hộ trong việc xây dựng nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu vì đây là nơi để người dân sau những giờ lao động vất vả được tập luyện, nâng cao sức khỏe thông qua việc tập với các thiết bị máy móc hiện đại, tập nhảy dân vũ, đọc sách, trò chuyện cùng bà con trong xóm ngoài làng. Thời gian đầu huy động nguồn xã hội hóa trong việc xây dựng gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ thôn đã tận tình đến từng gia đình, thông qua các cuộc họp của thôn đưa ra vấn đề để mọi người cùng thảo luận. Từ sự thấu hiểu, đồng tình nhất trí của người dân, hoạt động minh bạch trong thu chi tài chính của chính quyền thôn nên không riêng việc xây dựng nhà văn hóa thôn mà mọi công việc khác trong thôn đều diễn ra thông suốt. Như tại thôn Cao Dương Hạ, riêng 1 cá nhân trong thôn tự nguyện ủng hộ toàn bộ kinh phí xây dựng nhà văn hóa.
Với nỗ lực của các đoàn thể cùng mỗi người dân, thôn Cao Dương Thượng, Cao Dương Hạ nhiều năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa, góp phần tích cực nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/173591/lang-khang-chien-lang-van-hoa
Tú Anh