Từ xã lên phường, từ thị xã lên thành phố, từ đô thị loại IV lên loại III, loại II…, thành phố Thái Bình có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Vóc dáng thành phố trẻ năng động, văn minh, hiện đại… ngày một hiện rõ, xứng tầm vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Từ xã lên phường, từ thị xã lên thành phố, từ đô thị loại IV lên loại III, loại II…, thành phố Thái Bình có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Vóc dáng thành phố trẻ năng động, văn minh, hiện đại… ngày một hiện rõ, xứng tầm vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Một khu dân cư trên địa bàn thành phố Thái Bình.
Giao thông đi trước
Ông Bùi Công Nhan, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2005 - 2010 cho biết: Xác định đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị là nhiệm vụ có tính đột phá, là mục tiêu và là điều kiện để phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, ngay sau khi lên thành phố, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng kết cấu hạ tầng và quản lý đô thị. Các tuyến giao thông quan trọng khu vực cửa ngõ, đường vào trung tâm và nối khu vực trung tâm thành phố đến các huyện tiếp tục được tập trung đầu tư, tạo động lực mới cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội như tuyến tránh quốc lộ 10 (tuyến tránh S1), giai đoạn 1 đường vành đai phía Nam, Chu Văn An kéo dài về phía Nam, đường Doãn Khuê, cầu Vũ Phúc, cải tạo, nâng cấp lòng đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng các tuyến đường nội thị như Lý Bôn, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Năng... Hai cây cầu Hòa Bình và Độc Lập nối hai bờ Trà Lý đi vào hoạt động, nối liền các huyện trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và dịch vụ thương mại.
Ông Nguyễn Văn Dương, Bí thư Chi bộ tổ 9, phường Kỳ Bá cho biết. Sau nhiều năm quy hoạch, việc xác định đúng hướng tuyến, tiềm năng không gian đô thị và nguồn lực đất đai lớn mang lại, kiên trì vận động người dân, thành phố Thái Bình đã vượt qua sự bảo thủ, trì trệ, chậm đổi mới, mở một con đường mang tầm chiến lược - con đường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn, tạo ra một không gian mới, tiền đề cho những khu đô thị mới, công viên mới, công trình mới; tạo thế và lực cho các phường Kỳ Bá, Trần Lãm, xã Vũ Chính cùng thành phố Thái Bình bước sang trang phát triển mới.
Thành phố dành nguồn ngân sách lớn đầu tư xây dựng, chỉnh trang các tuyến đường giao thông.
Những năm gần đây, thành phố tiếp tục đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm; chú trọng hoàn thiện quy hoạch các tuyến giao thông mới kết nối khu vực trung tâm thành phố với hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến đường tránh phía Bắc và tuyến quốc lộ Thái Bình - Hà Nam. Quy hoạch chi tiết hai bên sông Trà Lý đoạn từ cầu Hòa Bình đến cầu vượt sông Trà Lý, đường vành đai phía Nam, Võ Nguyên Giáp, Lê Quý Đôn kéo dài đến đường Chu Văn An kéo dài, nút giao thông Phú Khánh, cầu vượt sông Trà Lý; các dự án cải tạo, chỉnh trang vỉa hè đường Trần Phú, Trần Thái Tông, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Thì Nhậm, Lý Thái Tổ, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo... Đặc biệt, dự án BT đường Kỳ Đồng kéo dài đoạn từ đường Trần Thủ Độ đến quốc lộ 10 với chiều dài trên 1,6km, bề rộng 45m, lòng đường mỗi bên rộng 10,5m, dải phân cách giữa rộng 8m, vỉa hè rộng 8m đã kết nối trung tâm thành phố với cực phát triển phía Tây Bắc, góp phần thúc đẩy thông thương, giao lưu đối ngoại với các tỉnh lân cận, phát huy hết tiềm năng phát triển của trung tâm thành phố, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của thành phố Thái Bình. Đồng thời, tạo lập cửa ngõ phía Tây Bắc với trục đại lộ Kỳ Đồng và khu đô thị hiện đại, đồng bộ, xứng tầm với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, sánh cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đô thị xanh, hiện đại
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Thái Bình đã khoác lên mình một diện mạo mới, rực rỡ và hiện đại với hàng loạt công trình hạ tầng quy mô lớn, công trình mang tính biểu tượng, khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng đồng bộ. Cùng với các phường đã có tại trung tâm thành phố, các xã trở thành phường, các xã từ huyện về thành phố với tốc độ đầu tư xây dựng nhà ở của cư dân ngày một mạnh mẽ, hiện đại, thẩm mỹ đã tạo nên diện mạo đô thị các phường, xã cũng như toàn thành phố ngày càng hiện đại, xứng tầm đô thị loại II.
“Nhưng thay đổi bắt đầu từ đâu? Bất kỳ người dân các phường: Kỳ Bá, Trần Lãm, Quang Trung, Phú Khánh, Hoàng Diệu hay các xã Phú Xuân, Vũ Chính, Vũ Phúc, Vũ Đông, Đông Mỹ... đều có thể chỉ ra nguồn gốc của sự thay đổi ấy, đó là từ khi có các khu công nghiệp: Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, Sông Trà, Gia Lễ, từ khi có các tuyến đường trục kết nối, các khu đô thị, khu nhà ở xã hội cao tầng, các trung tâm thường mại... Thành phố giờ đã trở thành một điểm đến, điểm dừng chân của những nhà đầu tư nước ngoài tìm cơ hội tốt; điểm đến của những người thành đạt tìm môi trường sống tốt; điểm đến của lực lượng lao động tìm việc làm tốt, cơ hội để các bạn trẻ trở về quê hương khởi nghiệp. Thay đổi nhanh lắm, người dân như tôi chứng kiến từ đầu mà còn không ngờ. Thành phố đang từng ngày hoàn thiện vóc dáng của một đô thị văn minh, xanh, sạch, khẳng định vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh” - ông Trần Đức Tuấn, tổ 6, phường Quang Trung cho biết.
Đường Chu Văn An kéo dài.
Còn theo chị Đào Thị Việt, tổ 12, phường Trần Lãm: Thành phố phát triển nhanh, mạnh thì chỉ thực sự 10 năm nay. Thành phố chuyển mình nhanh đến nỗi chính chúng tôi là người sinh sống ở đây cũng thấy đô thị mình thay đổi sau mỗi đêm thức dậy: cầu mới, đường mới, hàng loạt khu đô thị mới. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Cùng với sự quan tâm của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ thành phố Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Thay vì đầu tư nhỏ giọt, thành phố đã quyết định tăng tổng vốn đầu tư hàng năm nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ trong việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Chỉ trong 10 năm (2010 - 2020), tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố ước đạt 2.349 tỷ đồng cho 215 danh mục công trình, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 170 công trình. Nguồn vốn này dù chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của thành phố nhưng cũng đã góp phần nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng đô thị và nhà ở, hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II. Nhiều hạng mục, công trình tạo điểm nhấn cho thành phố được triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ như Quảng trường Thái Bình, công viên 30/6, công viên Lê Quý Đôn, công viên Kỳ Bá, hồ Ty Rượu... Các công trình hạ tầng xã hội, trung tâm thương mại Vincom, Go!, dự án chỉnh trang khu tập thể 4, 5 tầng phường Lê Hồng Phong, các khu đô thị mới Petro Thăng Long, Dragon City, DragonHomes Eco City không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên những không gian sống tốt hơn cho người dân.
(còn nữa)
Minh Nguyệt
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/202458/ky-4-voc-dang-thanh-pho-tre
Minh Nguyệt