Kiến Xương - văn vật và cách mạng
Ngày: 21/04/2023
Là miền quê nằm ở phía Đông Nam tỉnh Thái Bình nên trong nhận thức của nhiều người thì Kiến Xương là một vùng đất mới và thường vẫn thiên về nhận định là miền quê thượng võ, nhưng thực tế lịch sử lại có khá đầy đủ cứ liệu để khẳng định truyền thống văn hiến và cách mạng của miền quê này đã được khơi nguồn dẫn mạch từ rất sớm và đang tỏa sáng rực rỡ ở thời đại ngày nay.

Là miền quê nằm ở phía Đông Nam tỉnh Thái Bình nên trong nhận thức của nhiều người thì Kiến Xương là một vùng đất mới và thường vẫn thiên về nhận định là miền quê thượng võ, nhưng thực tế lịch sử lại có khá đầy đủ cứ liệu để khẳng định truyền thống văn hiến và cách mạng của miền quê này đã được khơi nguồn dẫn mạch từ rất sớm và đang tỏa sáng rực rỡ ở thời đại ngày nay.

Kiến Xương vốn là một địa danh xuất hiện trong lịch sử dân tộc vào đầu thế kỷ XI, cách ngày nay đã ngàn năm có lẻ. Dưới thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV), Kiến Xương là tên gọi một lộ, một phủ bao gồm ba huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Chân Lợi. Đến thời Lê, kiêng húy Lê Lợi nên đổi tên huyện Chân Lợi thành Chân Định, sau lại kiêng húy vua Lê Chân Tông nên đổi Chân Định thành Trực Định. Đến thời thuộc Pháp, huyện Trực Định đổi thành phủ Kiến Xương. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi phủ thành huyện. Đến năm 1969, cắt 5 xã phía Nam nhập vào huyện Tiền Hải và nhập 13 xã của huyện Vũ Tiên thành huyện Kiến Xương như ngày nay.

Cho dù địa danh, địa giới có thay đổi nhưng hồn cốt văn hóa văn hiến của Kiến Xương từ ngàn xưa đến nay vẫn trường tồn, vẫn như các sử gia thời phong kiến từng nhận xét là miền quê có “đồng đất tốt tươi, dân tình trọng hậu”. Vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết: “Phủ Kiến Xương ruộng đất phì nhiêu, phí dụng nuôi quân các triều đều lấy từ đó cả”. Đến thế kỷ XIX, sử gia Phan Huy Chú lại viết: “Phủ Kiến Xương đất rộng, ruộng tốt, nhiều người giàu”. Nếu như truyền thống văn vật của một địa phương thường được hiểu là văn hóa (con người) và sản vật thì những nhận xét này cũng có thể coi là một trong những thước đo về truyền thống văn vật của Kiến Xương.

Xưa và nay, người Thái Bình từng vẫn tự hào là quê lúa, đất nghề. Ở Kiến Xương có những nghề thủ công nổi tiếng như dệt đũi Cao Bạt, chạm bạc Đồng Xâm, mây tre đan Thượng Hiền. Ba mặt hàng này từng được bày bán ở khắp xứ Đông Dương và từng được trưng bày tại hội chợ triển lãm tại Pari (Pháp) vào trước năm 1945. Ngoài ba nghề nổi tiếng trên thì các nghề mộc, nề, rèn sắt, đúc đồng, dệt chiếu, dệt vải, dệt lụa, gai vó... cũng truyền đời thịnh đạt.

Do kinh tế nông nghiệp sớm phát triển nên các loại hình văn hóa, nghệ thuật ở Kiến Xương khá phong phú và đã sớm hình thành những làng văn hiến nổi tiếng ở vùng duyên hải Bắc Bộ. Tiêu biểu như các làng: Đồng Xâm, Lại Trì, Động Trung, Nam Huân, Dưỡng Thông, Bạt Trung Ngoại... Cũng do kinh tế phát triển nên vào thời trước, Kiến Xương có khá nhiều công trình kiến trúc đặc sắc của các làng xã như: đền Vua Rộc (xã Vũ An), Chùa Am và đình đền Lại Trì (xã Tây Sơn), đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái), đình Thượng Phúc (xã Quang Trung), chùa Lãng Đông (xã Lê Lợi)... Từ hàng trăm thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo của các làng đã tạo nên không khí hội hè trong huyện khá sầm uất. Đến những thập niên đầu thế kỷ XXI, Kiến Xương còn duy trì được gần 50 hội làng truyền thống với hàng chục trò chơi, trò diễn, trò đua tài thi khéo mang sắc thái riêng của đồng quê này. Đền Đồng Xâm thờ vua Triệu Vũ Đế và bà Trình Thị vợ vua, quê làng này là Tổ nghề ca công. Thuở trước, hội Đồng Xâm là một hội lớn ở Bắc Bộ, có nhiều loại hình đua tài mang tính thượng võ như bơi chải, đấu vật, lại có tục thi hát chèo, đặc biệt là tục chầu cử (hát ca trù chầu Thánh) thường thu hút các gánh chèo, phường hội ca trù, giá đồng tứ trấn về chầu hầu. Những làng cổ, nay thuộc các xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang từng truyền đời sản sinh ra các nghệ nhân, nghệ sĩ chèo có danh tiếng.

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh thì ở Kiến Xương có tới quá 2/3 số làng xã có các thiết chế đình, đền, chùa, miếu thờ những người con của quê hương có công với làng, với nước. Ngoài các vị tổ nghề hoặc trí thức đại khoa như Nguyễn Kim Lâu tổ nghề chạm bạc, Nguyễn Thị Thông tổ nghề gai vó, Tiến sĩ Trương Đăng Quỹ... còn là những bậc hào kiệt của Kiến Xương đã có công chống ngoại xâm và chống áp bức cường quyền. Dường như người và đất Kiến Xương đã được lưu danh ở tất cả các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Từ những lạc hầu, lạc tướng giúp các Vua Hùng dựng nước, giữ nước đến các thủ lĩnh chống quân Đông Hán. Từ các danh thần phò giúp Lý Bí đánh đuổi giặc Lương, dựng nước Vạn Xuân đến các cuộc nổi dậy chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã tạo thành mệnh mạch trong dòng chảy lịch sử chống ngoại xâm của Kiến Xương. Chính truyền thống đó đã hun đúc tinh thần thượng võ, không cam chịu áp bức cường quyền mà cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành làm chủ soái đã là một minh chứng về khí phách của người Kiến Xương.

Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, vùng quê Kiến Xương liên tục diễn ra các phong trào đấu tranh với nhiều hình thức khác nhau. Nếu như phong trào vũ trang chống Pháp do cha con nhà yêu nước Nguyễn Mậu Kiến quê làng Động Trung khởi xướng đã tạo thành sức hút để các văn thân, sĩ phu cả nước thời bấy giờ tìm đến Kiến Xương thì phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Kiến Xương đã được sử sách đánh giá là mạnh nhất trong cả nước.

Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã về Quảng Châu (Trung Quốc) sáng lập ra tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (gọi tắt là Thanh niên) và mở lớp tập huấn để truyền bá về Việt Nam. Trong số thanh niên được đưa sang dự lớp tập huấn đầu tiên vào năm 1925, có 5 người quê ở Thái Bình thì có tới 4 người quê Kiến Xương là cháu đời thứ ba, thứ tư của nhà yêu nước Nguyễn Mậu Kiến. Tuy nhiên, do sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù nên chỉ có hai chú cháu Nguyễn Công Thu (Ba Thu) và Nguyễn Danh Thọ sang dự được. Sau lớp tập huấn, Nguyễn Công Thu được giao nhiệm vụ về nước vận động và dẫn đường đưa thanh niên sang học các lớp tiếp theo, trong đó có Nguyễn Danh Đới là cháu đời thứ tư của Nguyễn Mậu Kiến dự lớp thứ hai vào năm 1926. Sau khi về nước, Nguyễn Danh Đới được phân công về hoạt động phong trào Thanh niên ở Hà Nội và làm Bí thư Kỳ bộ Bắc Kỳ. Từ đầu năm 1927, hội viên Thanh niên đã được phát triển ở nhiều làng xã thuộc Kiến Xương. Đến giữa năm 1929, khi sứ mệnh lịch sử của tổ chức Thanh niên kết thúc bằng sự ra đời của các chi bộ cộng sản thì Kiến Xương đã phát triển được hơn 130 hội viên ở nhiều làng xã. Trong buổi đầu dựng Đảng, những “hạt giống đỏ” đã sớm được ươm gieo ở đồng đất Kiến Xương và khí thế cách mạng đã sớm bừng lên ở vùng quê này để xây móng đắp nền cho Kiến Xương trở thành vùng quê cách mạng. Đó cũng chính là duyên cớ để Kiến Xương xuất hiện nhiều nhà cách mạng tiền bối sáng láng tên tuổi trong lịch sử Đảng ta. Tiêu biểu như: Nguyễn Đức Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa V, VI, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Khang, Ủy viên Trung ương Đảng khóa II, III, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; Lê Thành, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa III, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương; Nguyễn Tường Lân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa III, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Tư lệnh Binh đoàn 559; Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban Tổ chức Ngày Độc lập (2/9/1945), Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Thanh niên, tham gia sáng lập Hội Văn hóa cứu quốc; Nguyễn Văn Phiếm, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Hoàng Thao, Thứ trưởng Bộ Công an. Các Bí thư Tỉnh ủy: Trần Đức Thịnh, Phạm Quang Lịch, Nguyễn Văn Vực, Lương Quang Chất, Phạm Bái...

Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, trên các chặng đường chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới, hải đảo, truyền thống thượng võ của Kiến Xương được tỏa sáng, nhân lên. Hơn 20 người con từ miền quê này là những tướng lĩnh lực lượng vũ trang. Huyện Kiến Xương cùng hàng chục xã, hàng chục con em của huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó Nguyễn Thị Chiên và Phạm Tuân là hai anh hùng đã in đậm tên tuổi trong ký ức của người Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ qua, trên các chặng đường dựng xây quê hương, đặc biệt là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, truyền thống văn vật từ ngàn xưa và truyền thống yêu nước, cách mạng của Kiến Xương đã trở thành nội lực để tạo ra những sức bật mới cho sự phát triển nhanh và bền vững, đúng với ý nghĩa của tên gọi Kiến Xương (dựng xây hưng thịnh).

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/173008/kien-xuong-van-vat-va-cach-mang

Nguyễn Thanh Vũ Quý, Kiến Xương