Khởi sắc vùng quê cách mạng
Ngày: 31/08/2022
Những ngày thu tháng tám, chúng tôi về xã Chí Hòa (Hưng Hà), nơi khởi nguồn của phong trào cách mạng và thành lập liên chi bộ đảng đầu tiên của hai huyện Duyên Hà - Tiên Hưng (Liên Chi bộ Thần Duyên), những địa điểm gắn với phong trào cách mạng nơi đây như Trường Tổng Vị Sĩ, con đường Cộng sản, đình làng Nhuệ vẫn còn đó như những chứng tích lịch sử để hun đúc, thôi thúc Đảng bộ, nhân dân Chí Hòa tiếp tục chung sức đồng lòng xây dựng quê hương.

Những ngày thu tháng tám, chúng tôi về xã Chí Hòa (Hưng Hà), nơi khởi nguồn của phong trào cách mạng và thành lập liên chi bộ đảng đầu tiên của hai huyện Duyên Hà - Tiên Hưng (Liên Chi bộ Thần Duyên), những địa điểm gắn với phong trào cách mạng nơi đây như Trường Tổng Vị Sĩ, con đường Cộng sản, đình làng Nhuệ vẫn còn đó như những chứng tích lịch sử để hun đúc, thôi thúc Đảng bộ, nhân dân Chí Hòa tiếp tục chung sức đồng lòng xây dựng quê hương.

Nhà truyền thống Trường Tổng Vị Sĩ, xã Chí Hòa (Hưng Hà), nơi trưng bày nhiều hiện vật, tài liệu về phong trào cách mạng của địa phương.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã: Ngay từ đầu năm 1928, sau khi Ban Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Thái Bình thành lập, trên địa bàn Thần Duyên (trong đó xã Chí Hòa là trung tâm) đã thành lập một chi bộ thanh niên gồm 6 đồng chí, do đồng chí Bùi Hữu Diên làm Bí thư. Đến cuối năm 1928, trên địa bàn hai huyện Duyên Hà - Tiên Hưng đã có 9 chi bộ thanh niên lần lượt ra đời, được tập hợp thành Liên Chi bộ Thần Duyên. Tháng 7/1929, tại thôn Nhuệ đã diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ Cộng sản Thần Duyên, là 1 trong 6 chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Thái Bình, tiền thân của Đảng bộ Chí Hòa ngày nay. Dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, Liên Chi bộ Thần Duyên đã chèo lái con thuyền cách mạng qua các thời kỳ đấu tranh gian khổ. Đỉnh cao là cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà, là cơ sở quan trọng để nhân dân Thái Bình vùng lên giành chính quyền, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hơn 10.000 người con quê hương Chí Hòa đã lên đường tòng quân, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường, trong đó 125 người đã anh dũng hy sinh, hơn 100 người trở thành thương binh, bệnh binh, 17 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Với những thành tích đặc biệt, xã Chí Hòa vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kế thừa truyền thống cách mạng, những năm qua, xã Chí Hòa phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những bước đột phá được xã chọn để thúc đẩy kinh tế là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động, đa dạng hóa ngành nghề. 

Để minh chứng cho thành quả, chúng tôi được lãnh đạo xã đưa đi thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông Bùi Văn Tài, thôn Vị Giang là một trong những mô hình điển hình của xã. Với 1.600m2, ông Tài đầu tư trồng 300 cây mít, 500 cây bưởi, 3.000 cây đinh lăng, 2.000 cây hoa mẫu đơn và đào 4 ao nuôi ba ba sinh sản và nuôi ếch, đạt doanh thu 1,5 - 2 tỷ đồng mỗi năm. Điều đặc biệt, ông Tài còn dành 5.000m2 làm nơi sinh sống cho đàn cò tự nhiên được thiên nhiên ban tặng. Ông cho biết: Mô hình canh tác tổng hợp luôn mang lại hiệu quả cao nếu khai thác tốt. Lợi ích của mô hình tổng hợp là tạo nên vòng tròn khép kín. Tuy nhiên, để thành công hơn nữa cần phải phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay mô hình tổng hợp của tôi đang mang lại thu nhập ổn định. Tôi sẽ tiếp tục học hỏi các mô hình mới để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình với mong muốn góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương.

Để tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế, hiện xã đã quy hoạch được 7 vùng sản xuất cây màu xen canh lúa, 2 khu trồng cây ăn quả với diện tích trên 4ha và vùng sản xuất lúa màu vùng bãi thôn An Tiến với diện tích 41ha được ký kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã có 5 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận.

Đặc biệt, Chí Hòa là xã duy nhất của huyện Hưng Hà được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong 6 tháng đầu năm 2022. 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Từ những ngày đặt viên gạch đầu tiên cho công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã Chí Hòa đã hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp. Hiện nay, 100% đường giao thông trục xã, trục chính các thôn, đường nhánh cấp I và các tuyến đường trục chính nội đồng, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Thu nhập bình quân đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,085%. Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế có nhiều khởi sắc... Qua đó không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại mà còn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Ông Nguyễn Tiến Thống, thôn An Tiến chia sẻ: Chứng kiến sự thay đổi của quê hương, chúng tôi rất phấn khởi; người dân Chí Hòa được thụ hưởng các điều kiện không khác gì người dân thành thị. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Về với Chí Hòa hôm nay, hình ảnh về mảnh đất nghèo khó năm xưa đã không còn, thay vào đó là diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện. Dẫu biết rằng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng tin rằng Chí Hòa trong tương lai sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, kế thừa truyền thống quê hương cách mạng, giành được nhiều thắng lợi hơn nữa trên bước đường xây dựng quê hương.

Đường nông thôn mới xã Chí Hòa (Hưng Hà) khang trang, sạch đẹp.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/158054/khoi-sac-vung-que-cach-mang

Thanh Thủy