Thái Bình là một miền quê giàu truyền thống hiếu học. Qua khảo sát các bản hương ước cổ cho thấy những hình thức khuyến học phổ biến của các làng xưa là dành ruộng học điền để chăm lo sự học. Nhiều làng có hình thức trợ cấp giấy bút để giúp con em nhà nghèo theo học và hình thức phổ biến là miễn tạp dịch cho người đi học, xếp ngôi thứ cao trong vị thứ đình trung đối với người đỗ đạt, khen thưởng đối với người có công nuôi dưỡng...
Thái Bình là một miền quê giàu truyền thống hiếu học. Qua khảo sát các bản hương ước cổ cho thấy những hình thức khuyến học phổ biến của các làng xưa là dành ruộng học điền để chăm lo sự học. Nhiều làng có hình thức trợ cấp giấy bút để giúp con em nhà nghèo theo học và hình thức phổ biến là miễn tạp dịch cho người đi học, xếp ngôi thứ cao trong vị thứ đình trung đối với người đỗ đạt, khen thưởng đối với người có công nuôi dưỡng...
Một lớp học thời xưa. Ảnh minh họa.
Hầu hết các hương ước đều khuyến học theo tinh thần học để mở mang sự hiểu biết để cho làng văn minh tiến bộ. Mỗi làng có cách quy định riêng cho phù hợp, nhưng đều nhằm thúc đẩy và duy trì học phong cho hưng thịnh.
Hương ước xã Hưng Quan (thành phố Thái Bình) quy định: “Bổn phận cha mẹ đẻ con ra khi lên 8 tuổi phải cho đi học, để học tập có luân lý, biết đường ăn ở, không nên để con du đãng cho mất nết người, nếu làng khi nào đủ tiền thì làm nhà trường, nuôi thầy giáo để con trẻ đến học. Tiền chi phí về việc học và cấp lương thầy giáo cùng đóng bàn ghế đều lấy tiền của công dân. Khi nhà trường làm xong thời làng để phòng một món tiền mua sách và giấy bút để cấp cho trẻ con nhà nghèo”.
Làng Lục Linh (Thái Thụy) quy định: “Trong làng đã dựng ra trường hương học. Thầy giáo người ở trong làng ra dạy hay ở nơi khác đến dạy lương mỗi tháng 10 đồng (thời giá năm 1942 quy ra thóc tương đương 500kg). Tiền ấy bổ vào với thuế. Khuôn phép và cách dạy nhà trường, thầy giáo phải tuân theo lệnh của các quan đốc kiểm tra. Nhà ai có con từ 7 tuổi trở lên phải cho ra trường học. Mọi học sinh phải giữ cách vệ sinh cho thật sạch sẽ, phải tôn kính thầy giáo như cha mẹ vậy. Học sinh nào vô phép, bậy bạ thầy giáo đuổi ra”.
Hương ước làng Hậu Thượng (Hưng Hà) quy định: “Người trong làng có con cho đi học, đến 18 tuổi còn theo học dân miễn tạp dịch cho, nếu người có tài, học được mà nhà thanh đạm, dân trù giấy bút cho... bất cứ đàn ông hay đàn bà góa nuôi con học đỗ cử nhân, tú tài bản xứ trở lên dân trích ruộng công điền nhất đẳng năm sào thưởng người nuôi con ấy được nhận ruộng ấy cấy hưởng hoa lợi mãn đại”.
Hương ước làng Tô Xuyên (Quỳnh Phụ) quy định: “Trong thôn hương lý cần phải khuyên bảo cho dân làng nhà ai có con phải cho đi học, vì trong làng có nhiều người học thì mới có văn minh tiến hóa được... nhà ai có con lên 8 tuổi phải cho ra trường công học tập... cấm không được cho trẻ em lêu lổng”.
Làng Long Mỹ (Đông Hưng) có 4 điều quy định chi tiết về việc học. Điều 113 quy định: “Việc học là việc rất cần cho người ta, vì có học thì trí khôn mới mở mang, kiến thức mới rộng rãi và mới biết được luân thường, đạo lý đối đãi với xã hội và gia đình. Nước mà văn minh, thịnh vượng cũng do ở nền giáo dục phổ thông... Trong làng ai có con đến 7 tuổi thì phải cho ra trường học tập, tuy chẳng mong đến sự đỗ đạt thành tài song sau này khôn lớn cũng biết đường phải trái mà cư xử, cũng biết đường tìm phương kế mà sinh nhai”. Điều 114: “Nhà nào có tự lực mua giấy bút cho con đi học thì thôi, nếu nhà nào vì hoàn cảnh bó buộc, gia đình túng thiếu không có tiền mua giấy bút thì cha mẹ hoặc người đỡ đầu trình với dân xin trợ cấp, dân cũng bằng lòng trợ cấp giấy bút cho, mà dân có thể trợ cấp cho được đến khi đỗ bằng cơ thủy tốt nghiệp”. Điều 115 và điều 116 quy định thể thức trợ cấp giấy bút và khuyến cáo các gia đình phải cho con gái đi học để mở mang trí tuệ, hiểu biết lễ nghi để làm tròn bổn phận làm dâu khi xuất giá.
Làng Hanh Thông giáo (Thái Thụy) vốn là một trong những làng nghèo trong vùng cũng quy định về việc học: “Những trẻ con trong làng từ 6 tuổi đến 12 tuổi thì phụ huynh phải cho đi học, nếu những con nhà nghèo cùng quá không có giấy bút thì làng sẽ tìm một khoản tiền để cấp giấy bút cho, những đứa ấy đi học nếu nhà nước có sức mua báo chí thì dân cũng mua cho”.
Làng Đồng Tỉnh (Thái Thụy) quy định: “Trong làng phải lập một trường hương học để tiện cho trẻ con được học tập... Phải để phòng xa một món tiền mua sách vở giấy bút cấp cho con nhà nghèo”.
Hương ước xã Hiệp Trung (Đông Hưng) quy định các hình thức khuyến học, hàng năm có định thưởng cho trẻ em thi đỗ sơ học yếu lược. Ngoài ra, còn quy định: “Hương hội phải trù món tiền sắm một cái tủ để ở đình, mua các sách vở cùng báo chí cần dùng để vào tủ ấy, chìa khóa giao cho thủ từ, trong làng ai muốn xem sẽ bảo thủ từ lấy mà xem, khi xem xong giao lại thủ từ cất đi, nếu ai làm rách nát phải đền”.
Hương ước làng Duyên Trang (Đông Hưng) quy định: “Sự học là sự mở mang trí thức. Trong làng có nhiều người học thức ắt suy việc làm có nhiều điều hay. Muốn công phu học tập tỏ lòng khích khuyến của dân, phàm trong làng có ai có công học tập đỗ bằng sơ học tốt nghiệp trở lên làng thưởng cho một vị xã nhiêu. Nếu người ấy đỗ đã vọng xã nhiêu rồi thời làng thưởng 10 đồng giấy bút và người nào đỗ bằng sơ học yếu lược làng thưởng 4 đồng”.
Hương ước của nhiều làng xưa ở Thái Bình còn quy định về việc học nghề. Ví dụ phường An Bài, huyện Phụ Dực vốn là một làng khoa bảng nổi tiếng lại là phố huyện Phụ Dực đã quy định: “Hễ ai có con trai, con gái phải cho ra công trường mà học tập cách thức, kỹ nghệ. Con gái phải học tập thêu dệt sẽ có thể tấn tới”.
Hương ước làng Năng Tĩnh (Vũ Thư) quy định: “Trong làng ai có con lên 8 tuổi đều phải chăm lo cho đi học để mở mang trí tuệ khôn ngoan và biết luân thường nghĩa lý mà ăn ở. Nếu ai có chăm cho con đi học chữ nghĩa tinh thông học hành tấn tới đỗ được tuyển sinh, khóa sinh thì dân cử đặt lên vị thứ tử tế như đỗ được bằng tốt nghiệp thì dân cử là người có phẩm giá không những cử đặt lên vị thứ tử tế mà lại miễn trừ tạp dịch, nếu ai đỗ được thông lý phán, tri huyện, tri phủ trở lên thời dân trí biếu người ấy một mẫu ruộng gọi là ruộng khóa điền để phụ công học tập”.
Hương ước làng Kinh Hào (Đông Hưng) quy định: “Nhà nào có con em 7 tuổi trở lên phải cho đi học, đến lúc thành đinh không thể học được nữa, thì phải tìm nghề làm ăn, không được để rong chơi vô ích. Con em nhà nào có thể học được mà vì gia đình bần bách, có lời trình với hội đồng xét quản là người có thiên tư minh mẫn, thì làng cũng nên tìm cách giúp đỡ cho ít nhiều. Người đã đáo đinh trong làng chưa có vị thứ gì mà xét quả là người đương tòng học hay là học đã thông thái cũng nên trừ cho các việc phụ dịch như dọn đường, đi canh, đi rước bạt để che đầu lý dịch khuyến cho người đi học”.
Qua khảo sát các bản hương ước xưa ở Thái Bình có thể thấy hầu hết các làng xã ở Thái Bình thuở trước đều rất trọng tri thức, tôn trọng người có học và khuyến học bằng nhiều hình thức khác nhau như xếp ngôi thứ cao cho người đỗ đạt, miễn tạp dịch cho người đi học, trợ cấp giấy bút cho con em nhà nghèo, phạt tiền với những gia đình không cho con đi học... Ở nhiều làng, việc học được cả dân làng quan tâm thể hiện tính xã hội hóa trong giáo dục như mở trường, mời thầy, dành tiền công trợ giúp con em nghèo học tập, thưởng tiền với những người đỗ đạt... Hầu hết các hương ước đều khuyến học theo tinh thần học để mở mang sự hiểu biết để cho làng văn minh tiến bộ.
Tìm hiểu một cách thấu đáo các hình thức khuyến học trong hương ước xưa ở Thái Bình hẳn sẽ gợi mở nhiều điều cho công tác khuyến học và phát triển giáo dục và đào tạo trong thời đại mới.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/208416/huong-uoc-xua-quy-dinh-ve-khuyen-hoc
Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)