Hương ước làng Đại Hữu tròn 100 tuổi
Ngày: 30/07/2024
Trong số hơn 400 bản hương ước cải lương ở Thái Bình được soạn bằng chữ quốc ngữ vào những thập niên đầu thế kỷ XX thì duy nhất có hương ước làng Đại Hữu, nay thuộc xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải soạn vào năm 1924, được in ti pô còn hầu hết là viết tay. Đây cũng là một trong những bản hương ước biên soạn công phu gồm 25 chương với 153 điều, trong đó có khá nhiều quy định mang tính tiến bộ. Qua bản hương ước này có thể biết rõ hơn về đời sống và cách quản lý làng xã dưới thời thuộc Pháp.

Trong số hơn 400 bản hương ước cải lương ở Thái Bình được soạn bằng chữ quốc ngữ vào những thập niên đầu thế kỷ XX thì duy nhất có hương ước làng Đại Hữu, nay thuộc xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải soạn vào năm 1924, được in ti pô còn hầu hết là viết tay. Đây cũng là một trong những bản hương ước biên soạn công phu gồm 25 chương với 153 điều, trong đó có khá nhiều quy định mang tính tiến bộ. Qua bản hương ước này có thể biết rõ hơn về đời sống và cách quản lý làng xã dưới thời thuộc Pháp.

Trang đầu “Hương ước làng Đại Hữu” (nay thuộc xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải).

Chương “Hội đồng” quy định: “Khi ra dự hội đồng, y phục phải rất chỉnh đốn và không được say rượu, ai không tuân phải phạt từ 0$20 đến 0$60 và phải trục ra ngoài. Trong khi họp Hội đồng, cấm không ai được nói to và cãi nhau làm cho huyên náo. Ai không tuân phải phạt từ 0$50 đến 1$00 và phải trục ra ngoài. Ai có muốn thỉnh cầu hay nghị luận sự gì, phải nói cho từ tốn và cấm không được hai người cùng nói một lúc, làm cho Hương hội không biết đàng nào mà nghe. Ai không tuân phải phạt từ 0$20 đến 0$50...”. 

Chương “Sự học” gồm 7 điều, trong đó có những quy định: “Nghĩa vụ của cha mẹ phải cho con đi học, khi nào làng làm được trường học, ai có con từ 8 tuổi trở lên phải cho con đi học. Người nào nghèo túng mà hiếu học thì làng sẽ cấp bút giấy cho. Ai có con đến tuổi ấy không cho đi học phải phạt 1$00, trừ ra những người cùng nghèo quá thì không kể. Nếu bố mẹ người con ấy quá cố đi rồi, sẽ phạt người đương nuôi người con ấy, song giảm cho một nửa; nhưng người con ấy sau này không được ra làm chức dịch gì ở trong làng nữa. Trong làng ai chuyên cần việc học thì tạp dịch trong làng sẽ được miễn trừ. Ai xin phép chính phủ được xuất dương du học thì tạp dịch được miễn trừ và xuất sưu người ấy làng sẽ chính công quỹ đại nộp cho; còn gia quyến người ấy ở nhà có sự gì, làng phải hết lòng bênh vực...”. 

Chương “Vệ nông” có 15 điều quy định chi tiết việc tu bổ, bảo vệ kênh mương, đồng ruộng: “Ai làm ruộng trễ nải để đến nỗi cỏ năn, cỏ lác mọc phải phạt 0$10 và bắt vơ sạch cỏ ấy đi. Ai làm hư hỏng bờ ruộng phải phạt 0$20 và bắt phải làm lại. Ai tháo trộm nước ruộng và đơm đó để mất nước màu, phải phạt từ 0$20 đến 1$00 và bắt tát nước đền cho người điền chủ. Ai thả trâu bò ăn lúa và dẫm bờ ruộng phải phạt từ 0$50 đến 1$00 và phải bồi thường cho người điền chủ. Ai chăn vịt ở những ruộng đã trồng trọt phải phạt 0$20. Cấm không ai được trồng trọt giống gì ở bên trong bờ sông ngòi và những nơi ngoại phụ cấp cùng các tha ma, ai phạm phải phạt 0$50 và bắt phải nhổ đi. Khi lúa chín, ai gặt trộm hay rứt trộm và cắt trộm rạ mà tuần bắt được quả tang phải phạt từ 0$20 đến 1$00 và phải bồi thường cho người điền chủ”. 

Chương “Công nghệ” quy định: “Trong làng ai có ý tinh xảo dựng được công nghệ gì mới, mà làng chưa hề có ai làm được bao giờ, thì làng sẽ thưởng tiền hay ngôi thứ cho, tùy theo Hương hội định. Nếu trong làng ai đã tổ lập được công nghệ gì cốt phải thực hành, cấm không được trước làm tử tế mà sau sinh ra điêu trách giả dối, ai không tuân phải phạt 1$00 và tước ngôi thứ trong làng đi...”. 

Chương “Thương mại” quy định: “Trong làng ai chiêu họp được cổ phần mà tổ lập thương cục gì thực là to tát và phát đạt, làng sẽ tặng một bức tranh sơn son thiếp bạc đề bốn chữ “Quân Tử Vụ Bản” để biếu người hữu tâm thương giới. 

Trong làng nhiều người cùng đi buôn bán với nhau ở các nơi xa mà người nào bị hà hiếp, kiếp đoạt và yếu đau, thì những người cùng đi phải ở lại mà tìm phương cứu giúp, nếu ai thiện tiện bỏ về sau người bị ấy về trình hương hội, xét ra đích thực sẽ phạt người bỏ về ấy 1$00”. 

Về việc tang, hương ước làng Đại Hữu quy định khi có người trong làng qua đời, không kể sang hèn, cả làng phải đi đưa đám, đưa tang xong, cấm tang chủ không được bày biện cỗ bàn thết đãi dân làng, nếu không tuân theo sẽ bị phạt tiền. 

Ngoài các chương quy định về tục lệ trong các việc sinh, tử, giá thú, mừng thọ, tế tự, vị thứ trong làng, quân cấp công điền... là các chương quy định về việc canh phòng đảm bảo an ninh trật tự và việc xử phạt về chứa chấp gian lậu: “Việc cầm phòng là việc thiết yếu để giữ gìn tính mệnh và tài sản của làng, vậy từ sinh đồ trở xuống, đều phải luân thứ ra điếm để canh, trừ ra những người đã quá 50 tuổi, những người đi học và đi làm xa; nếu ai mắc bận không đi được thì mượn thân nhân hay nộp cho làng 0$20 để thuê người canh thay cho. Ai không tuân, hai lần đầu mỗi lần phạt 0$40, đến lần thứ ba, hương hội sẽ làm biên bản trình quan xin chiểu luật Hình trị tội. 

Nếu kẻ gian đến làng mà tuần tráng canh phòng sơ suất, không biết mà động hiệu hay hô hoán lên để dân làng ra cứu, thì phó lý và tuần tráng phải chịu trách nhiệm. Gặp lúc cần cấp như là thủy, hỏa, đạo, tặc, trừ ra những người già yếu tàn tật, còn trai làng hết thảy nghe hiệu đều phải lập tức đến cứu. Ai lười biếng không đến cứu hương hội xét ra đích thực phải phạt từ 0$20 đến 1$00. 

Trong làng ai bắt sống hay đánh được kẻ gian thì làng sẽ thưởng tiền hay ngôi thứ cho, tùy việc to nhỏ hương hội định và được miễn trừ tạp dịch trong làng là một năm, ai bị thương tùy khinh trọng làng cấp tiền thang thuốc, ai bất hạnh bị quân gian đổ đánh chết, làng cấp đồ mai táng rồi cả làng phải đi đưa đám và tế một tuần, làm lại xin nhà nước cho con của người ấy, một chức nhiêu nam và chích 5 sào công điền để giao người thừa tự hay vợ góa người ấy làm tuất điền, hưởng cho đến khi người con út người ấy lên 16 tuổi hay người vợ ấy đi cải giá thì thôi. 

Nội gia cư, ngoại đồng điền, mất mát đâu tuần tráng phải chịu trách nhiệm, ở trong nhà mất trộm có tang chứng phải bồi thường một nửa, còn ở ngoài đồng hoa lợi mất mát đâu, phải chiểu nguyên giá bồi thường cả. 

Những sự nhà nước đã có lệnh cấm như là thứ thuốc phiện, rượu lậu, đổ bác, chứa chấp các tang vật gian... trong làng ai phạm những tội ấy thì chánh, phó lý phải lập biên bản giải trình quan chiểu luật hình trị tội. Ai biết người nào phạm những tội nói ở trên mà đi báo hương hội, bắt được quả tang sẽ thưởng cho người đi báo 1$00. Nếu ai vì sự hiềm khích mà đem những đồ gian phao vu cho người ta, mà hương hội xét ra đích thực sẽ chuất thứ vị người ấy đi và đồng dân hiệp lực cầu cứu cho người bị oan. 

Về việc kiện cáo có những quy định: “Trong làng ai có kiện cáo về dân sự hay thương sự, trước hết phải trình hương hội để lập hội đồng hòa giải, ai không tuân mà vượt khống phải phạt 1$00. Khi hương hội tiếp ai trình hay khiếu nại phải lập hội đồng, lấy lẽ chính đáng và lòng thành thực hòa giải cho hai bên, sự hòa giải xong thì lập biên bản trình quan sở tại để vào sổ hòa giải, nếu sự hòa giải vô hiệu mà hương hội phải đi làm chứng hay khi báo gì thì tiền tổn phí bên thua phải chịu. 

Những việc “Hình sự”, dù hương hội không có phép hòa giải, những nguyên trình cũng phải trình hương hội xét duyên cớ việc ấy để làm biên bản trình quan, ai không tuân mà vượt khống không trình hương hội phải phạt 1$00. Trong khi làm biên bản, hương hội và tuần tráng không được sách nhiễu nhà sự chủ”. 

Chương “Luân lý” quy định: “Người ta ở đời phải có ngũ luân làm trước khi ra ngoài đường gặp những tôn trưởng phải hỏi han, kính trọng. Trong làng kẻ trên ức hiếp người dưới, hay kẻ dưới ngạo mạn người trên, phải phạt từ 0$20 đến 1$00. 

Trong làng ai ai cũng phải chăm về đường thực nghiệp, nếu ai hoang dâm tửu sắc, bất sự sản nghiệp để đến nỗi lâm hữu ác danh, phải phạt 1$00...”. 

Chương “Vệ sinh” quy định: “Muốn cho được khỏe mạnh, cần phải nên giữ phép vệ sinh. Khi trong làng phát ra chứng bệnh truyền nhiễm hay thời khí thì lý trưởng phải phi báo quan để xin quan thầy thuốc về chữa. Cấm không ai được làm chuồng xí, chuồng lợn, chuồng trâu bò ở cạnh bờ ao và cạnh đường đi hay chỗ nào nước có thể chảy xuống ao được, ai không tuân phải phạt từ 0$50 đến 1$00 và bắt dỡ ngay đi. Cấm không ai được đổ những uế vật gì ra đường đi, ai không tuân phải phạt 0$10 và bắt dọn đi. Cấm không được ăn những súc vật chết, ai không tuân phải phạt từ 0$20 đến 1$00. Trong mùa viêm nhiệt, cấm không ai được ăn những quả xanh có thể sinh bệnh, ai không tuân phải phạt 0$10. Trong làng ai bị yếu đau, phải nên tìm thuốc men điều trị, cấm không được tin dị đoan mà đàn tam, tứ phủ để đến nỗi tốn kém nhiều, ai không tuân phải phạt 1$00. Ngoài ra còn một số chương khác quy định về việc bảo vệ cầu cống, đường xá và của công làng xã... 

Đến năm 2024, hương ước làng Đại Hữu ra đời tròn 100 năm. Đương nhiên, nhiều quy định trong bản hương ước này chỉ có thể phù hợp với thời đại cũ, nhưng cũng có thể tìm thấy ở đó những giá trị nhân văn trong việc điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ gia đình - làng - nước. 

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/204222/huong-uoc-lang-dai-huu-tron-100-tuoi

Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)