Huyện Hưng Hà thành lập ngày 17/6/1969, trên cơ sở hợp nhất huyện Hưng Nhân và huyện Duyên Hà, tiếp nhận thêm 5 xã của huyện Tiên Hưng (Hòa Bình, Chi Lăng, Tây Đô, Đông Đô, Bắc Sơn). Thời cổ, miền quê này có tên là hương Đa Cương (hương nhiều gò đống). Từ ngàn xưa, đất thiêng Hưng Hà đời nối đời sinh ra những anh tài tuấn kiệt mà rạng rỡ hơn cả là vào thế kỷ XIII, họ Trần từ đất này đã sáng nghiệp đế vương, lập nên triều Trần, một triều đại “văn giỏi, võ nhiều”, hiển hách vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến của Việt Nam. Sử gia Phan Huy Chú (1782 - 1840) từng ca ngợi nơi này: “Đất tụ khí tinh hoa, là cái bình phong che chắn trung đô, những người học giỏi, những bề tôi hiền đứng đầu cả xứ miền dưới”.
Huyện Hưng Hà thành lập ngày 17/6/1969, trên cơ sở hợp nhất huyện Hưng Nhân và huyện Duyên Hà, tiếp nhận thêm 5 xã của huyện Tiên Hưng (Hòa Bình, Chi Lăng, Tây Đô, Đông Đô, Bắc Sơn). Thời cổ, miền quê này có tên là hương Đa Cương (hương nhiều gò đống). Từ ngàn xưa, đất thiêng Hưng Hà đời nối đời sinh ra những anh tài tuấn kiệt mà rạng rỡ hơn cả là vào thế kỷ XIII, họ Trần từ đất này đã sáng nghiệp đế vương, lập nên triều Trần, một triều đại “văn giỏi, võ nhiều”, hiển hách vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến của Việt Nam. Sử gia Phan Huy Chú (1782 - 1840) từng ca ngợi nơi này: “Đất tụ khí tinh hoa, là cái bình phong che chắn trung đô, những người học giỏi, những bề tôi hiền đứng đầu cả xứ miền dưới”.
Nghi thức rước nước trong lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).
Cho đến nay, Hưng Hà vẫn còn chứng tích của nhiều gò đống ở các làng trong huyện như: làng Chiếp, xã Hồng Lĩnh có gần 100 gò đống, có gò cô Tiên, Đống Xe rộng đến gần một mẫu. Làng Chấp Trung, xã Đoan Hùng có 99 gò, có những gò rộng đến 5 sào, cao 2 - 3m, chụm vào nhau. Làng Thâm Động, gồm các thôn Nỏ, Nấm, Nang, Nhội, nay thuộc xã Hồng Minh “bách nhạn quần cư” (100 con chim nhạn bay về), mỗi chỗ chim nhạn đậu lại thành gò, nay vẫn còn dấu tích... Làng Lưu Xá, xã Canh Tân trước kia có 99 khu gò. Đến giữa thế kỷ XX, làng Nham Lang vẫn còn hơn 30 gò, đống nằm rải rác. Quá trình san ghềnh lấp trũng vào những thập niên cuối thế kỷ XX trên đất Hưng Hà thường phát hiện được các ngôi mộ Hán có niên đại khác nhau đặt trong lòng gò đống nằm rải rác ở nhiều làng xã. Tại làng Buộm, thị trấn Hưng Nhân đã tìm thấy tượng, nhạc, mũi tên đồng. Tại làng Còng, xã Minh Tân đã phát hiện được trống đồng có niên đại cách đây 2.500 năm. Tại xã Kim Trung đã phát lộ chiếc quan tài hình thuyền nằm sâu giữa cánh đồng. Theo số liệu thống kê thì Hưng Hà có 118/368 làng Việt cổ của Thái Bình. Đó là những minh chứng sống động để khẳng định Hưng Hà là đất cổ, đất thiêng.
Cho đến nay, Hưng Hà còn giữ gìn được hơn 600 di tích các loại, trong đó có khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần là di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 89 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là lễ hội đền Trần và lễ hội Tiên La. Hưng Hà là huyện có nhiều lễ hội mang tầm quốc gia, hội vùng miền với nhiều lễ thức cổ truyền, nhiều trò chơi, đua tài, thi khéo và các hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc.
Từ cổ xưa, đất đai Hưng Hà nổi tiếng màu mỡ do phù sa các dòng sông lớn bồi tụ, ngoài những cánh đồng trù phú trong nội đồng cấy hai vụ lúa, trồng màu còn có đồng bãi ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý bát ngát thuận lợi cho việc trồng dâu chăn tằm, trồng đay, gai, bông… Hưng Hà có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những nghề nổi tiếng như dệt chiếu làng Hới, dệt vải làng Mẹo, nghề mộc Vế, Diệc, nghề xe đay, gai, mây tre đan ở nhiều làng xã trong huyện. Vì thiên thời, địa lợi mà miền quê này sớm có sức cuốn hút các thành phần cư dân từ nhiều nơi tìm đến. Có người từ miền núi, từ các tỉnh trung du phía Bắc xuống, có người từ Nghệ An, Thanh Hóa ra. Có người từ các tỉnh lân cận tìm về hợp cư theo các duyên cớ khác nhau. Có người tìm đến để mưu cầu tạo lập cuộc sống mới. Có người tìm về để dựa vào đất thiêng này tụ nghĩa chống xâm lược, chống áp bức cường quyền. Có người tới đất này từ chính sách xây dựng điền trang, ban cấp lộc điền... Dẫu có sự khác nhau về vùng miền, thành phần xuất thân nhưng khi đã đến sinh cơ dựng nghiệp ở cộng đồng này, họ đều đã chung một cộng cảm: Đã là con mẹ con cha/ Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê.
Đất cổ, đất thiêng Hưng Hà là đất phát đế, phát vương: triều Trần có Nguyên tổ Trần Lý, Thái tổ Trần Thừa, có Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, có vua đầu triều Trần Thái Tông, có Quốc Thánh Hoàng thái hậu Lê Thị. Thời Lê sơ có Hoàng hậu Phùng Thục Giang, các vua Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng, Trang Tông đã sinh ra, khi mất chôn cất và thờ phụng tại đất này. Hưng Hà cũng là đất học, là quê hương của những thần đồng, của Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Thời phong kiến, Hưng Hà có 20 đại khoa, trong số đó hầu hết đều rạng ngời công danh, sự nghiệp. Từ thời Lý, thời Trần (thế kỷ XI - XIV) trở về sau, dường như ở triều đại nào cũng có người sinh ra ở miền đất cổ, đất thiêng này mà trở thành những danh thần kiệt hiệt. Có thể kể đến những nhân vật lịch sử tiêu biểu triều Lý như Thái úy Lưu Khánh Đàm (? - 1136), người làng Lưu Xá, nay thuộc xã Canh Tân, có nhiều công lớn phò giúp hai triều vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông. Chính sử đã chép Lý Nhân Tông là vị vua anh minh vào bậc nhất triều Lý khi lâm bệnh nặng đã triệu Thái úy Lưu Khánh Đàm vào cung để trao di chiếu, ủy thác việc điều hành công việc triều chính và phò Thái tử Dương Hoán lên ngôi vua Lý Thần Tông. Có thể coi đó là một hiện tượng hy hữu nhất trong lịch sử Việt Nam. Vào cuối triều Lý, một số danh thần đang là rường cột của triều đình có quê Hưng Hà như Thái úy phụ chính Trần Tự Khánh, Thái úy Tô Trung Từ, Thái phó Lê Điện, Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân... đã có nhiều mưu lược, đồng thuận với Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ và Hoàng thái hậu Trần Thị Dung làm cuộc chuyển giao vương triều từ nhà Lý sang nhà Trần để khai mở nền thịnh trị. Đến thời Trần thì danh tướng, danh thần ở miền quê này khá đông đảo. Ngoài công tích của hai vị có công đầu mở nghiệp, giữ nghiệp là Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung là những nhân vật lịch sử tiêu biểu như: Tướng quốc Thái sư Trần Nhật Hiệu, Phụng Càn vương Trần Liễu, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn… Thời Lê sơ có dòng họ Đinh văn hiến phát tích từ làng Đô Kỳ, nay thuộc xã Đông Đô với ba anh em ruột là khai quốc công thần được ban quốc tính.
Tại Đốc Hổ điện thờ họ Đinh ở làng An Lão, nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư còn lưu giữ được một câu đối cổ ghi rõ: “Đồng bào tam quốc công, quán Đô Kỳ, thiên Thúy Cối, biệt cư An Lão hương”. Nghĩa là: Ba khai quốc công thần (họ Đinh) sinh cùng một bọc, nguyên quán làng Đô Kỳ (Hưng Hà), thiên cư vào trang Thúy Cối (Nông Cống, Thanh Hóa), biệt cư về làng An Lão (Vũ Thư). Họ Đinh Đô Kỳ chính là ngoại tổ của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao gắn với xuất xứ của câu ca “Đã là con mẹ con cha…” trong truyền thuyết bà sinh ra Thái tử Lê Tư Thành ở đất này, sau lên ngôi là Lê Thánh Tông, vị vua sáng danh bậc nhất ở triều Lê. Một số hậu duệ của ba vị khai quốc công thần họ Đinh này ở lại nguyên quán Đô Kỳ đều rạng rỡ công danh ở thời Lê sơ như: Đinh Thế Biểu, Đinh Phúc Vận, Đinh Phúc Diên…Thời Lê Trung hưng hiền tài ở Hưng Hà nở rộ, tiêu biểu như: Hội nguyên Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai hai lần đi sứ sang nhà Thanh, tiếng tăm lẫy lừng đất Bắc và người làm rạng danh quê hương, đất nước hơn cả là Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn, nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến, là biểu tượng ngời sáng của miền quê địa linh nhân kiệt.
Từ khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858) đến trước khi có Đảng, ở vùng đất Thần Khê - Duyên Hà đã liên tục sục sôi khí thế chống Pháp dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu là những cuộc vũ trang chống Pháp của các thủ lĩnh: Đinh Tiến Đức, Bang Tốn, Đốc Nhưỡng, Lãnh Hoan, Nguyễn Thành Thà, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm cùng hàng chục thủ lĩnh khác là những văn thân, sĩ phu yêu nước lập ra từ một làng rồi liên làng, liên huyện tổ chức đánh Pháp ròng rã hàng mấy chục năm. Thực dân Pháp đã tập trung lực lượng đàn áp nhưng các hình thức yêu nước vẫn âm ỷ sục sôi không ngừng, không tắt để chờ thời cơ. Khi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin vừa rọi tới địa phận tỉnh Thái Bình không lâu thì Chi bộ Thần - Duyên đã được thành lập và nhanh chóng phát triển thành liên chi bộ. Ý thức giác ngộ cách mạng đã sớm lan truyền đến các tầng lớp nhân dân ở khắp vùng đất thiêng này để có cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 với hàng nghìn người tham gia để rồi gần một thế kỷ qua, truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của Hưng Hà ngày càng tỏa sáng hơn ở các chặng đường cách mạng, góp phần làm rạng rỡ thêm hình tượng “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” của người Thái Bình - đất Thái Bình.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/175408/hung-ha-dat-co-dat-thieng
Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)