Đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) là một trong những địa điểm du xuân nổi tiếng ở Thái Bình nói riêng, miền Bắc nói chung. Với các công trình kiến trúc bề thế, đây không chỉ là nơi nhân dân địa phương và du khách thập phương tỏ lòng tri ân công lao các vị vua Trần trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quốc gia Đại Việt mà còn là cơ hội để mỗi người có thể thêm hiểu và tự hào về lịch sử hào hùng của cha ông.
Đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) là một trong những địa điểm du xuân nổi tiếng ở Thái Bình nói riêng, miền Bắc nói chung. Với các công trình kiến trúc bề thế, đây không chỉ là nơi nhân dân địa phương và du khách thập phương tỏ lòng tri ân công lao các vị vua Trần trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quốc gia Đại Việt mà còn là cơ hội để mỗi người có thể thêm hiểu và tự hào về lịch sử hào hùng của cha ông.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, đền Trần đón tiếp các vị khách đặc biệt tới dâng hương và chiêm ngưỡng cảnh đẹp tại nơi đây. Đó là các họa sĩ đến từ Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Ở đủ lứa tuổi, ngành nghề nhưng có chung tình yêu và niềm đam mê với hội họa, với những sắc màu của cuộc sống, trong ngày đầu xuân mới, họ cùng lựa chọn điểm đến của mình là khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần để khai bút với những ước vọng về một mùa xuân mới. Dù đã đi trực họa ở nhiều danh lam thắng cảnh trong nước nhưng chuyến đi đầu tiên của năm mới tới địa danh địa linh nhân kiệt như đền Trần vẫn tạo nên trong các họa sĩ niềm xúc động và hứng khởi.
Họa sĩ Trần Thị Thanh Hòa chia sẻ: Tôi đã đi vẽ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, dù đó đều là những mảnh đất rất đẹp nhưng đến với đền Trần là đến không gian linh thiêng, lại là ngày đầu tiên của năm mới nên tôi có cảm xúc rất khác lạ, mang khởi đầu mới cho một hành trình mới. Vì vậy, tôi đã đưa những màu sắc, sắc thái vui tươi vào bức tranh của mình để mong một năm mới tốt đẹp và khởi sắc.
Còn đối với họa sĩ Phạm Xuân Hồng, về nơi linh thiêng, có dấu ấn đặc biệt về văn hóa như đền Trần, anh luôn cảm thấy tự hào và mong muốn qua các tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần quảng bá hình ảnh của quê hương mình đến với bạn bè trong nước, quốc tế.
Họa sĩ Phạm Xuân Hồng cho biết: Khai bút đầu xuân mới bao giờ cũng mang lại năng lượng tích cực. Tại không gian linh thiêng của đền Trần, mỗi họa sĩ đều nỗ lực tạo nên tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh nhất, với góc nhìn độc đáo và sáng tạo nhất, thể hiện niềm ước vọng một năm mới hanh thông và thuận lợi.
Mỗi bức tranh mỗi phong cách nghệ thuật nhưng đều mang trong đó tình yêu và niềm tự hào của mỗi người họa sĩ với một di tích quốc gia đặc biệt trên quê hương Thái Bình.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật chia sẻ: Tại lễ hội đền Trần năm 2023, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có 2 hoạt động chính là triển lãm tranh và ảnh nghệ thuật bao gồm 93 tác phẩm được lựa chọn đến từ hội viên của Chi hội Mỹ thuật, Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Điều đáng mừng, sau thời gian sáng tạo nghệ thuật hăng say, một số tác phẩm trực họa trong buổi đầu năm mới tại đền Trần đã được Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình lựa chọn tham gia triển lãm diễn ra trong khuôn viên di tích suốt những ngày lễ hội. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị, bày trí của chúng tôi đã hoàn thành, hy vọng đây sẽ là hoạt động ý nghĩa của các nghệ sĩ, là điểm nhấn trong dịp lễ hội đền Trần năm 2023.
Năm nay, lễ hội đền Trần diễn ra từ ngày 13 - 17 tháng Giêng được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm khẳng định, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức lễ hội đền Trần năm 2023 chia sẻ: Năm nay, lần đầu tiên lễ hội đền Trần tổ chức quy mô cấp tỉnh do UBND tỉnh chủ trì, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực tham mưu. Các nghi lễ truyền thống vẫn diễn ra theo nghi thức từ xưa để lại như: tế lễ, rước (rước thủy và rước bộ), lễ bái yết, thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần... Các hoạt động phần hội được mở rộng quy mô, có sự tham gia của các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng, phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, với các hoạt động như: trình diễn thư pháp, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình, liên hoan văn nghệ quần chúng, ngày thơ Việt Nam, giải võ cổ truyền, giải kéo co... Đặc biệt, lễ vật dâng các vua Trần trong lễ hội năm 2023 có cặp bánh được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận và vinh danh là sản phẩm phá kỷ lục Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.
Hoạt động trực họa tại đền Trần thu hút nhiều du khách chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật.
Đặc biệt, lễ khai mạc bao gồm chương trình nghệ thuật chào mừng “Hào khí Đông A” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị tài trợ, đơn vị tổ chức sự kiện đang được tích cực hoàn thiện các khâu chuẩn bị cuối cùng, sẽ tiến hành tổng duyệt tổng thể chương trình vào chiều ngày 3/2. Lễ khai mạc diễn ra từ 20 giờ 10 phút - 22 giờ 10 phút ngày 3/2 tại sân lễ hội khu di tích đền Trần, được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh sóng, nhằm đem đến cho người dân và du khách một lễ khai mạc ấn tượng, hấp dẫn, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đất và người Thái Bình.
Với liên tiếp các hoạt động đan xen trong suốt 5 ngày diễn ra, lễ hội đền Trần là điểm đến du xuân không thể bỏ lỡ. Qua những ngày lễ hội, người dân và du khách thập phương biết đến các di sản văn hóa của Thái Bình, góp phần phát huy mạnh mẽ giá trị của di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/168063/du-xuan-ve-voi-den-tran
Tú Anh