Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) quê xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là dòng dõi quan lại triều Lê cũ, ông sớm được đào luyện trong khuôn khổ của ý thức hệ phong kiến, đề cao thuyết quân thần của Nho giáo. Ông là người khởi xướng, tổ chức và chỉ huy cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải.
Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) quê xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là dòng dõi quan lại triều Lê cũ, ông sớm được đào luyện trong khuôn khổ của ý thức hệ phong kiến, đề cao thuyết quân thần của Nho giáo. Ông là người khởi xướng, tổ chức và chỉ huy cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải.
Đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện thăm mô hình lúa chất lượng cao.
Tiền Hải ngày nay là bãi Tiền Châu xưa. Bãi Tiền Châu được hình thành từ quá trình bồi tạo của sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý. Có địa hình lòng chảo, nhiều sông lạch, thuộc vùng nước triều lên mạnh. Khi nước triều lên tràn vào các cửa sông, theo các dòng sông nhỏ như sông Long Hầu, sông Ngư Dũng (sông Cá), dẫn vào bãi Tiền Châu, cả một vùng đất mênh mông ngập trong nước biển. Cho đến trước những năm hai mươi của thế kỷ XIX, trên bãi Tiền Châu chỉ có một ít cư dân của một vài trại ấp nhỏ dọc các làng lân cận, dân cư làm muối, hoặc chài lưới cuộc sống bấp bênh. Sau khi đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ đã nhận rõ thân phận của những người nghĩa binh, bởi “không có ruộng đất, không có nghiệp thường để làm ăn”, đã đẩy họ đến sự khốn cùng phải nổi dậy giành lấy quyền sống của mình. Trong lời sớ đề nghị khẩn hoang, trên cơ sở quan sát thực địa bãi Tiền Châu, ông đã nhìn thấy “mối lợi tự nhiên đến vô cùng” khi tiến hành công cuộc khẩn hoang vùng đất vàng, đất bạc này. Đề nghị của Nguyễn Công Trứ được vua Minh Mệnh chấp nhận. Tháng 3/1828, Nguyễn Công Trứ đi thuyền đến bãi biển Tiền Châu, trực tiếp tổng chỉ huy cuộc doanh điền. Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã chiêu mộ dân nghèo gần xa và thu hút nghĩa quân cũ của Phan Bá Vành vào cuộc doanh điền. Việc trước tiên, ông chỉ huy thực hiện trong công cuộc khẩn hoang là đào sông đắp đê xây dựng hệ thống thủy nông. Đê sông Lân, sông Trà, sông Cá được hình thành để ngăn mặn. Những dòng sông, nhánh lạch tự nhiên được cải tạo cùng với sông đào làm thành hệ thống thủy lợi thông suốt. Sông Trà Lý ở phía Bắc, sông Hồng ở phía Nam, sông Lân chạy xuyên qua nội địa là những nguồn phù sa màu mỡ vô tận. Sông Long Hầu nguyên là lạch sông tự nhiên nối với sông Trà Lý rồi theo hướng Bắc Nam hợp với sông Kiến Giang từ Kiến Xương chảy về. Long Hầu trở thành trục sông chính, từ trục sông Long Hầu, các làng ấp tiếp tục đào các sông nhánh, tỏa ra hai bên, dẫn nước ngọt tưới cho khắp cánh đồng. Các làng ấp được quy hoạch một cách thống nhất, các làng ven biển tạo thành các vạt đất chạy dài song song với nhau theo hướng Đông Tây, đường sông đào phân ranh giới các làng. Làng nào cũng có thể xẻ sông dẫn nước ngọt phù sa từ sông Long Hầu. Sự thống nhất giữa quy hoạch thủy lợi và quy hoạch lãnh thổ khoa học, tạo điều kiện thúc đẩy lẫn nhau làm tiền đề phát triển cho nhau là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Công Trứ. Cứ khoảng 10 đạc chiều ngang (600m) của một lý, hoặc 6 đạc chiều ngang của một ấp (60m) lại có một con sông đào thẳng tắp đưa nước sa từ sông Long Hầu về các xứ đồng, các làng ấp. Đây là các mương cái, dân địa phương thường gọi là sông, thuyền lớn có thể đi lại được. Ngoài ra còn có các mương con được đào thêm với chiều rộng khoảng 3m, sâu 3m thuyền nhỏ có thể đi lại được để mở rộng tưới, tiêu. Hệ thống các sông đào này chạy song song với sông Long Hầu ra biển, chúng như bộ xương cá, như hình bàn cờ dẫn nước thông thủy khắp vùng.
Hệ thống đê điều phối hợp với hệ thống sông đào không những hạn chế được tác hại của bão biển thủy triều mà còn lợi dụng con nước thủy triều để tưới, tiêu có hiệu quả hơn. Hệ thống sông ngòi còn là mạng lưới giao thông đường thủy vô cùng thuận lợi. Các công việc đồng áng như chuyên chở lúa mạ, phân bón đều có thể dùng thuyền. Cách quy hoạch đất đai, các công trình thủy lợi của Nguyễn Công Trứ rất khoa học và có tầm nhìn xa. Hệ thống sông ngòi, cầu cống, đường sá lúc đó đạt tỷ lệ từ 7 - 8% diện tích. Đây là một tỷ lệ lớn mà các làng cựu không thể nào so sánh được. Người Tiền Hải tự hào về các công trình thủy lợi của mình. Thật kỳ tài, sau gần 2 thế kỷ, hệ thống thủy nông của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ vẫn là nòng cốt của hệ thống thủy nông, cách quy hoạch đó vẫn rất phù hợp với chuẩn xây dựng nông thôn mới ngày nay.
Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Công Trứ, trong không đầy 6 tháng, hàng trăm ki-lô-mét sông đê được đào đắp, hàng vạn mẫu ruộng được khai phá. 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp được thành lập với số dân 2.350 người, số ruộng 18.970 mẫu. Tháng 9/1828, công cuộc khẩn hoang hoàn thành. Theo lời tâu của Nguyễn Công Trứ, triều đình phê chuẩn thành lập huyện Tiền Hải gồm 7 tổng (Tân An, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Định, Tân Bồi, Tân Cơ). Huyện lỵ ban đầu đặt tại làng Phong Lai (xã Đông Phong ngày nay). Đến đầu đời vua Tự Đức chuyển về làng Hoàng Tân (thị trấn Tiền Hải ngày nay). Huyện Tiền Hải lúc đó thuộc trấn Nam Định. Sau nhiều lần chia tách sáp nhập và thành lập mới, đến nay huyện Tiền Hải có 32 đơn vị hành chính, gồm 31 xã và 1 thị trấn.
Những thành quả vĩ đại của công cuộc khai hoang ở Tiền Hải năm 1828 do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chỉ huy được đánh giá là một bước phát triển nhảy vọt trong lịch sử khai hoang ở Việt Nam, đem lại những bài học vô giá cho công tác chỉ đạo tổ chức khai hoang của Đảng, Nhà nước ta sau này; là kho tàng phong phú những kinh nghiệm về kỹ thuật đào sông đắp đê, cải tạo đất đai, xây dựng các điểm dân cư làng xã, đặc biệt có ích cho quá trình tiếp tục quai đê lấn biển mở rộng khai hoang của nhân dân Tiền Hải ngày nay.
Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/184793/doanh-dien-su-nguyen-cong-tru-voi-cuoc-khan-hoang-thanh-lap-huyen-tien-hai
Nguyễn Xuân Khánh (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải)