Đi tìm người bắt sống Trung úy phi công An-va-rét
Ngày: 30/07/2024
Năm 1995, đoàn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thái Bình dựng hoạt cảnh chèo “Thái Bình những mốc son lịch sử” tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng LLVT, học sinh, sinh viên Quân khu 3 đạt giải xuất sắc

Năm 1995, đoàn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thái Bình dựng hoạt cảnh chèo “Thái Bình những mốc son lịch sử” tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng LLVT, học sinh, sinh viên Quân khu 3 đạt giải xuất sắc. Nội dung hoạt cảnh tái hiện: Trong những “mốc son” lịch sử của đất nước đều có sự đóng góp của người con quê hương Thái Bình như: Nguyễn Thị Chiên (xã Tán Thuật - nay là thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương), nữ du kích “tay không bắt giặc”, được tuyên dương nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của cả nước; Đại đội trưởng, Anh hùng Tạ Quốc Luật (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy), người chỉ huy tổ xung kích bắt sống tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, giải phóng miền Bắc; Đại đội trưởng, Anh hùng Bùi Quang Thận (xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy), người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, báo hiệu miền Nam hoàn toàn giải phóng; Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư), nhà tình báo chiến lược, làm cố vấn cho 4 đời tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Anh hùng Phạm Tuân (xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương), phi công bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ và là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Lúc bấy giờ, lãnh đạo Bộ Bộ CHQS tỉnh và Phòng Chính trị đã có ý kiến góp ý tác giả kịch bản nên đưa sự kiện người Thái bình bắt sống Trung úy phi công An-va-rét ngày 5/8/1964 - ngày đầu tiên đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc vào hoạt cảnh. Vì sự kiện đó cũng là một “mốc son” đã đi vào lịch sử của dân tộc. Nhưng ai là người bắt An-va-rét, người đó quê ở đâu, diễn biến sự việc thế nào... thì chưa ai khẳng định được chính xác. Vì vậy, câu hỏi: Ai là người bắt Trung úy phi công An-va-rét ngày 5/8/1964 vẫn còn bỏ ngỏ đối với cán bộ Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh và đông đảo người Thái Bình thời kỳ đó.

Đầu tháng 9/2023, tôi đọc cuốn hồi ký Thượng tướng Phùng Thế Tài trọn một đời đi theo Bác (Thế Kỷ ghi). Trang 97 có đoạn viết: “Bẵng đi một thời gian, năm 1986, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị: Việc bắt sống phi công Mỹ đầu tiên An-va-rét đã đi vào lịch sử, phải tìm ra nhân chứng”.

...Tháng 7/1997, bài “Người bắt sống phi công Mỹ đầu tiên ngày 5/8/1964 ở Quảng Ninh nay ở đâu?” đăng trên Báo Cựu chiến binh số 144; ngày 26/6/1997, trong một buổi sinh hoạt của Hội Cựu chiến binh phường Cẩm Phú (thành phố Cẩm Phả), đồng chí Nguyễn Kim Bảo, quê ở Hưng Hà (Thái Bình), nhập ngũ năm 1952, về hưu năm 1973 với quân hàm Thượng úy mới nhận là người bắt Trung úy phi công An-va-rét... Đồng chí Nguyễn Xuân Trọng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Cẩm Phú đã viết bài đăng và có ảnh kèm theo trên Báo Cựu chiến binh khẳng định đã tìm được người bắt sống phi công Mỹ đầu tiên. Sau đó, Báo Cựu chiến binh, Văn nghệ Quảng Ninh cung cấp thêm nhiều chi tiết cụ thể như: Người bắt sống phi công Mỹ đầu tiên là nhân viên cơ yếu, chụp ảnh bằng khen ghi rõ: “Nguyễn Kim Bảo, Thượng sĩ đảo Cô Tô. Ngày 5/8, máy bay địch oanh tạc đã bình tĩnh chỉ huy bắt được tên phi công Mỹ, khẳng định thêm hai chiến sĩ cùng tham gia bắt An-va-rét là bác Lộc quê ở Đại Bình (Quảng Hà) và bác Giang quê ở Phú Hải (Quảng Hà)”.

Từ những thông tin trong cuốn hồi ký Thượng tướng Phùng Thế Tài, cuối tháng 11/2023 tôi điện thoại nhờ anh Đàm Văn Đắc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh tìm giúp và nếu có thể xin số điện thoại của cựu chiến binh Nguyễn Kim Bảo để tiện liên lạc. Anh Đắc đã chỉ đạo theo hệ thống tổ chức qua Thành hội Cẩm Phả đến Hội Cựu chiến binh phường Cẩm Phú tìm kiếm thông tin mà tôi đề nghị và thông báo: Cụ Nguyễn Kim Bảo đã mất cách đây mấy năm. Con gái cụ là chị Nguyễn Thị Lương, số điện thoại: 0983..., số nhà... Căn cứ thông tin anh Đắc gửi, tôi liên lạc với chị Lương nói rõ ý định muốn gặp để “tìm người bắt sống Trung úy phi công An-va-rét”, chị vui vẻ nhận lời.

Cuối tháng 3/2024, nhân có việc ra Quảng Ninh, tôi tìm đến số nhà theo chỉ dẫn của anh Đàm Văn Đắc thì gặp anh Nguyễn Lương Sơn - chồng chị Lương (con rể cụ Bảo) và cháu Nguyễn Thị Thanh Lam - cháu nội cụ. Ngôi nhà tôi đến theo địa chỉ anh Đắc giới thiệu là gia đình anh Nguyễn Văn Thao - con trai cụ Bảo. Sinh thời, cụ ở ngôi nhà bên cạnh nay là nhà của cô con gái út. Lúc tôi đến anh Thao vắng nhà. Ngồi trò chuyện với anh Sơn, cháu Lam, đồng thời qua điện thoại với anh Thao, chị Lương tôi biết được một số thông tin về người chỉ huy bắt Trung úy phi công An-va-rét ngày 5/8/1964 tại Quảng Ninh như sau:

Cụ Nguyễn Kim Bảo sinh năm 1929 tại xã Văn Lang, huyện Hưng Hà. Nhập ngũ năm 1952. Tham gia chiến đấu chống Pháp trên chiến trường Liên khu 3. Hòa bình lập lại, đơn vị của cụ về đóng quân tại sân bay Kiến An. Năm 1957, cụ xây dựng gia đình với cụ bà Hoàng Thị Chắt và sinh sống tại xã Trường Sơn (nay là thị trấn Trường Sơn), huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Hai cụ sinh được 5 người con (1 trai, 4 gái). Anh Nguyễn Văn Thao là con trai và là con thứ hai của cụ. Năm 1979, gia đình cụ về định cư ở phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1973, cụ Nguyễn Kim Bảo về nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt đảng, sinh hoạt cựu chiến binh và các phong trào của phường. Cụ sống an nhiên, tự tại cùng con cháu và bà con khu phố. Năm 2015 cụ ông và năm 2022 cụ bà từ trần.

Qua câu chuyện, tôi được biết thêm về chiến công bắt sống phi công An-va-rét mà lúc sinh thời cụ Nguyễn Kim Bảo kể lại cùng con, cháu.

Chiều ngày 5/8/1964, nhiều tốp máy bay địch cất cánh từ tàu sân bay của Hạm đội 7 Mỹ vào bắn phá ác liệt căn cứ hải quân Cửa Lục, khu vực Bãi Cháy, thị xã Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long), bị quân và dân tỉnh Quảng Ninh đánh trả quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay, trong đó 2 chiếc rơi tại chỗ.

Cùng chiều hôm đó, Thượng sĩ - nhân viên cơ yếu Nguyễn Kim Bảo cùng Hạ sĩ Lê Văn Lộc và Binh nhất Nguyễn Đình Giang trên chiếc thuyền buồm từ thị xã Hòn Gai trở về đơn vị đóng quân tại đảo Cô Tô. Khoảng 14 giờ 30 phút, trong khói lửa mịt mù của bom đạn, khi phát hiện máy bay địch bị bắn cháy, phi công Mỹ nhảy dù xuống vụng Hòn Mối thuộc vịnh Hạ Long. Không sợ hy sinh, Thượng sĩ Nguyễn Kim Bảo chỉ huy cùng hai chiến sĩ nhanh chóng chèo thuyền đến bắt sống khi phi công Mỹ chưa kịp phát tín hiệu gọi đồng bọn đến giải cứu. Khống chế và đưa tên giặc lái lên thuyền, chưa biết xử lý thế nào thì tàu hải quân Việt Nam cũng vừa đến, Thượng sĩ Bảo thống nhất bàn giao cho tàu hải quân và nhanh chóng trở về đơn vị.

Sau sự kiện ngày 5/8/1964, cả nước dốc sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân Mỹ đánh phá miền Bắc, hàng nghìn máy bay Mỹ bị bắn rơi, nhiều giặc lái bị bắt. Vì vậy, việc Nguyễn Kim Bảo cùng đồng đội bắt sống An-va-rét được ẩn vào sự kiện ngày 5/8/1964 của quân và dân cả nước. Bản thân Thượng sĩ Nguyễn Kim Bảo cũng cho đó là việc làm bình thường của mỗi người dân Việt Nam khi đất nước bị xâm lược. Mãi đến năm 1997, sau hơn 10 năm (từ năm 1986) thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, danh tính người chỉ huy bắt phi công An-va-rét ngày 5/8/1964 tại Quảng Ninh mới được làm sáng tỏ.

Theo lời kể của anh Thao, anh Sơn, cháu Lam: Năm 2004, nhân kỷ niệm 40 năm đánh thắng trận đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đánh phá miền Bắc, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ mời vợ chồng cụ Nguyễn Kim Bảo - Hoàng Thị Chắt cùng những người tham gia bắt sống An-va-rét lên Hà Nội gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và về Hải Phòng gặp lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Tấm bằng khen mà cụ Bảo được tặng vì có thành tích xuất sắc bắt sống An-va-rét, Ban Cơ yếu Chính phủ đã xin bản gốc để đưa vào bảo tàng ngành cơ yếu. Hiện gia đình anh Thao giữ bản photo (màu) để làm kỷ niệm.

Năm 1995, tôi cũng là thành viên trong nhóm tham gia với tác giả kịch bản hoạt cảnh chèo “Thái Bình những mốc son lịch sử” và cũng băn khoăn khi có ý kiến đề xuất đưa sự kiện người Thái Bình bắt sống phi công Mỹ An-va-rét vào kịch bản, nhưng đành phải gác lại. Nay, nếu dựng lại hoạt cảnh trên, tôi sẽ đề nghị bổ sung sự kiện: Người Thái Bình chỉ huy bắt An-va-rét. Vì An-va-rét là phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống, cũng là “vị khách đầu tiên” của khách sạn Hilton Hà Nội - một “mốc son” lịch sử.

Nhân kỷ niệm lần thứ 60 ngày đánh thắng trận đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc (5/8/1964 - 5/8/2024), bài viết này nhằm tri ân người Thái Bình đã chỉ huy bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trên miền Bắc và cũng là nén tâm nhang tưởng nhớ cựu chiến binh Nguyễn Kim Bảo.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/204788/di-tim-nguoi-bat-song-trung-uy-phi-cong-an-va-ret

Nguyễn Văn Hán Thành phố Thái Bình