Xưa và nay, khi nhắc đến lịch sử truyền thống của vùng đất được đặt làm trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Thái Bình, nhiều người thường nhắc đến Bố Hải khẩu và không ít người tâm niệm rằng đó là khởi nguồn truyền thống của vùng đất này. Nếu nhận thức như vậy thì lịch sử vùng đất này cũng đã có một nghìn năm có lẻ với sự kiện sứ quân Trần Lãm chọn nơi đây để xây thành đắp lũy, lập đại bản doanh và trở thành sứ quân mạnh nhất trong thời loạn 12 sứ quân ở thế kỷ X.
Xưa và nay, khi nhắc đến lịch sử truyền thống của vùng đất được đặt làm trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Thái Bình, nhiều người thường nhắc đến Bố Hải khẩu và không ít người tâm niệm rằng đó là khởi nguồn truyền thống của vùng đất này. Nếu nhận thức như vậy thì lịch sử vùng đất này cũng đã có một nghìn năm có lẻ với sự kiện sứ quân Trần Lãm chọn nơi đây để xây thành đắp lũy, lập đại bản doanh và trở thành sứ quân mạnh nhất trong thời loạn 12 sứ quân ở thế kỷ X.
Cầu Bo (ảnh chụp năm 1963). Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, nếu tìm ngược về cội nguồn, từ địa danh Kẻ Bo trong quá trình diễn tiến đến Bố Hải - Bồ Xuyên - Kỳ Bá... sẽ có thể tiếp cận một cách khách quan, chân xác, chân xác hơn về bề dày truyền thống mấy nghìn năm của miền quê này, cho dù những tư liệu thành văn và cả những tư liệu dã sử được ghi chép về vùng đất, con người nơi đây còn thưa vắng nhiều.
Trước hết, cần khẳng định địa danh Bo với Kẻ Bo là một địa danh cổ. Trong khá nhiều bộ từ điển địa danh, các nhà nghiên cứu địa danh học đã khẳng định một cách chắc chắn rằng những lớp cư dân Việt cổ thuở buổi đầu dựng nước đã sinh sống trong những điểm cư trú mang tính chất như làng xã sau này và điểm cư trú đó được gọi là kẻ. Kẻ là đơn vị hành chính cơ sở thời Hùng Vương. Kẻ là làng Việt cổ đi liền với tên mang âm Việt cổ như Kẻ Sật, Kẻ Me, Kẻ Gòi, Kẻ Gũ... Kẻ Bo là một địa danh vốn hoàn toàn mang âm Việt cổ, ra đời từ buổi đầu dựng nước. Trong quá trình Hán hóa, tên gọi này được ghi chép thành Bố - Bố Hải - Kỳ Bố - Kỳ Bá song hành với Bồ - Bồ Xuyên. Huyện Vũ Tiên thời cổ có tên là huyện Bố vì huyện lỵ đặt ở làng Kỳ Bố (Bá). Cửa sông Trà Lý đổ ra Biển Đông gọi là cửa Bố. Trước Cách mạng tháng 8/1945, địa danh Bo được nhắc đến với tư cách là một phủ lỵ của phủ Kiến Xương: Phủ Bo. Từ khi tỉnh Thái Bình được thành lập, Phủ Bo được chọn làm tỉnh lỵ, có người vẫn quen gọi tỉnh Bo.
Cho đến nay địa danh Bo còn được dùng trong tên gọi làng Bo, đình Bo, cầu Bo, chợ Bo, ổi Bo... Như vậy là, thành phố Thái Bình ngày nay vốn được đặt lên một không gian xã hội, không gian lịch sử của vùng đất đã trải mấy ngàn năm gắn với những địa danh Kẻ Bo - Kỳ Bố của buổi đầu dựng nước cùng sự biến đổi địa danh trong tiến trình lịch sử.
Những tư liệu về Kẻ Bo từ thuở sơ khai và sự định hình về đất đai, cư dân trải nhiều thế kỷ hiện chưa khảo cứu được một cách tường tận. Nhưng một trong những tư liệu thành văn hy hữu hiện còn tại trung tâm thành phố Thái Bình có thể giúp chúng ta gợi mở về hướng tìm hiểu lịch sử của các địa danh Bo - Bồ - Bố.
Tại chùa Ngàn (tên chữ là Viên Quang tự) của làng Lạc Đạo xưa, nay thuộc địa phận phường Trần Lãm, thành phố hiện còn lưu được một câu đối cổ:
Lạc Đạo kiến già lam, sắc tướng lưu truyền Viên Quang tự.
Bồ Tân duyên Bố Hải, từ phàm kinh độ Ấn Hồ tăng.
Nghĩa là:
Dựng chốn tổ ở Lạc Đạo, sắc tướng lưu truyền ở chùa Viên Quang.
Bến Bồ bên cửa Bố Hải, thuyền các nhà sư Ấn Hồ đã qua đây.
Tìm hiểu các công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và một số sách của Trung Quốc viết về Giao Châu thời thuộc Lương, thuộc Đường (từ thế kỷ VI đến thế IX) cho thấy, vào thời Bắc thuộc (trước thế kỷ IX) có ba đoàn thiền tăng truyền đạo ở Giao Châu theo đường thủy sang Tây Trúc về Ấn Độ rồi lại vào Giao Châu truyền đạo. Nhiều giả định cho rằng các thiền tăng Ấn Độ theo đường biển vào cửa Bố để ngược dòng Bạch Lãng (tên cổ xưa của sông Trà Lý) qua cửa Tuần Vường ngược dòng sông Hồng vào các vùng miền thuộc châu thổ Bắc Bộ để truyền đạo. Đôi câu đối đã nêu trên góp phần cho giả định này có sức thuyết phục và cũng là minh chứng khẳng định cửa Bố, bến Bồ từ trước thế kỷ IX đã là một trung tâm giao lưu với cảnh trên bến dưới thuyền, đồng thời đó cũng là cơ sở để lý giải về nguyên nhân tướng quân Trần Lãm đã chọn nơi này để cát cứ. Vùng đất Bố Hải khẩu và tướng quân Trần Lãm (thế kỷ X) có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thống nhất giang sơn lập nghiệp đế vương của Đinh Bộ Lĩnh.
Về tướng quân Trần Lãm, sử cũ của Việt Nam và Trung Quốc không ghi chép cụ thể về nguồn gốc xuất thân của ông nhưng tất cả các bộ sử lớn của Việt Nam như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục... đều cho biết vào thời Ngô, sứ quân Trần Lãm có thế lực mạnh chiếm giữ vùng Bố Hải khẩu, nổi tiếng đức độ, không có con nối dõi. Khi nhà Ngô mất, đất nước loạn lạc, Đinh Bộ Lĩnh nổi dậy ở Hoa Lư bèn cùng con là Liễn tìm đến nương tựa. Minh Công (Trần Lãm) thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, bèn nhận làm con nuôi, ưu đãi ngày càng hậu, sau giao cả binh quyền. Trên cơ sở đó Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp yên các sứ quân, thống nhất sơn hà. Trần Lãm mất vào năm 968, đúng vào năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt, khẳng định một quốc gia có chủ quyền độc lập.
Về sự liên kết giữa Đinh Bộ Lĩnh với sứ quân Trần Lãm, xưa và nay các sử gia trong và ngoài nước đã phẩm bình khá nhiều. Cái tầm lớn lao của bậc đế vương ở con người Đinh Bộ Lĩnh là biết chọn Trần Lãm, chọn vùng Bố Hải khẩu làm nơi tựa dựa để lập nghiệp đế vương. Cái tầm lớn lao hơn của Trần Lãm là nhận biết Bộ Lĩnh có khí lượng đế vương nên đã nhận làm con nuôi; trao cả binh quyền, tạo thế lực cho việc dẹp loạn thống nhất giang sơn. Hồng phúc của dân tộc ta là ở chỗ cả Đinh Bộ Lĩnh và Trần Lãm đều có “con mắt xanh” đã nhận ra người hiền tài mà liên kết để mưu nghiệp lớn.
Về sự giao thoa chính trị - kinh tế - quân sự giữa hai vùng đất thiêng Bố Hải khẩu - Hoa Lư đã được giáo sư sử học người Mỹ là Taylor nhận định trong cuốn Sự ra đời của nước Việt Nam rằng: “Bố Hải khẩu lúc bấy giờ là trung tâm buôn bán chính với bên ngoài, sự liên kết giữa trung tâm Hoa Lư và Bố Hải khẩu, một về chính trị, một về thương mại đó là một bước tiến tự nhiên đến việc thống nhất nước Việt Nam”. Có nhà nghiên cứu Việt Nam học đã cho rằng Thái Bình đã bỏ lỡ cơ hội đô thị hóa, phát triển thương mại từ thế kỷ X, khi Bố Hải khẩu là trung tâm liên kết chính với Hoa Lư về chính trị - kinh tế - quân sự.
Hiện chưa đủ cứ liệu để khẳng định một cách chắc chắn rằng vào thời Đinh (thế kỷ X) Bố Hải khẩu là trung tâm thương mại buôn bán chính với bên ngoài, nhưng chắc chắn bộ mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là nông nghiệp ở vùng này đã phát triển và dân cư đã đông đúc, làng mạc đã trù phú. Bằng chứng là khi nhà Lý mở mang chính sách khuyến nông, năm Mậu Dần (1038) vua Lý Thái Tông đã về Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Mùa xuân, tháng hai vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sai hữu ti dọn cỏ, đắp đàn. Vua tế thần nông, tế xong tự cầm cày để muốn làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì phải làm thế”. Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo”. Năm 1065, vua Lý Thánh Tông lại về Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền. Sự kiện các vị vua anh minh đầu triều Lý về Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền, khuyến khích nông tang làm ta liên tưởng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã 5 lần về Thái Bình động viên, cổ vũ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; trong đó 2 lần dừng chân tại vùng đất trung tâm Bố Hải Khẩu xưa nói chuyện với cán bộ, nhân dân thị xã Thái Bình và Người đã nhấn mạnh việc phát triển nông tang.
Trải qua các triều đại phong kiến từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX vùng đất thuộc thành phố Thái Bình hiện tại mà trung tâm là Kẻ Bo - Bố Hải khẩu xưa, về tên gọi, địa dư, duyên cách có nhiều thay đổi qua các đời.
Ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình được thành lập. Năm năm sau đó vào ngày 4/2/1895, Kinh lược sứ Bắc Kỳ đã ký Quyết định số 9 thành lập thị trấn, sau đổi thành thị xã Thái Bình bao gồm hai làng Bồ Xuyên và Kỳ Bố của tổng Lạc Đạo và các khu phố xung quanh thành của phủ Kiến Xương.
Trong cuốn sách “Chú thích về tỉnh Thái Bình” (Notice sur la procinse de Thai Binh) của một học giả người Pháp viết vào năm 1935 đã mô tả tỉnh lỵ Thái Bình trong những năm đầu thành lập: “Khi thành lập tỉnh, năm 1890, tỉnh lỵ đặt tại phủ lỵ Kiến Xương, bên bờ sông Trà Lý. Phủ lỵ hồi đó gồm 1 thành xây hình 4 góc, có hào phòng thủ bao quanh. Dọc theo các hào chỉ có 1 con đường phố hai bên có nhà bằng đất hoặc phên trát vôi, lợp tranh với khoảng chừng hơn 300 dân. Các công sở mọc lên nhanh chóng ngay bên bờ sông Trà Lý (Tòa sứ được xây dựng từ năm 1895).
Một đường phố rộng, đường Juyn-lơ Pi-kê (Juynles Piquet) nối liền thành với sông. Các nhà buôn Hoa kiều đến lập nghiệp ngay tại thành phố mới. Những ngôi nhà bằng gạch và có gác được xây dựng nhanh chóng ở các làng Kỳ Bá và Bồ Xuyên, sáp nhập vào thị trấn Thái Bình theo quyết định ngày 4/2/1895 của quan Kinh lược, do quan Thống sứ Bắc Kỳ thông qua.
Do thị trấn ngày càng mở rộng nên quan Thống sứ Bắc Kỳ đã ký nghị định ngày 7/12/1895 chuyển thị trấn thành thị xã. Theo cuộc điều tra dân số tháng 7/1931, thị xã Thái Bình có 5.117 dân, trong đó có 407 Hoa kiều và 61 người Âu hoặc đồng hóa.
Từ Kẻ Bo - Kỳ Bố thuở hồng hoang đến ngày nay, từ huyện lỵ huyện Vũ Tiên thành phủ lỵ phủ Kiến Xương rồi thành tỉnh lỵ tỉnh Thái Bình, dải đất thiêng này không chỉ là một vùng trọng yếu về địa kinh tế, địa quân sự, địa chính trị mà còn là vùng địa văn hóa nổi tiếng từng đã in đậm những tên đất, tên người trên các trang sử của dân tộc. Anh hùng hào kiệt đời nào cũng có.
Từ khi người Pháp chọn Phủ Bo làm tỉnh lỵ Thái Bình đến ngày giải phóng thị xã Thái Bình cách đây gần 70 năm, lớp lớp cư dân của vùng đất này đã anh dũng quật cường chống Pháp. Những sự kiện vừa đấu tranh vũ trang vừa đấu tranh chính trị đã tập dượt cho các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo những tiền đề thuận lợi tiếp nhận ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin của những thanh niên, trí thức Thái Bình. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin và trao truyền về Việt Nam thì thị xã Thái Bình là một trong những địa chỉ đỏ để sớm ươm gieo những hạt mầm cho sự ra đời của Tỉnh hội Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại trường tư thục Minh Thành vào năm 1928 và chi bộ Đảng Cộng sản thị xã ra đời vào tháng 6/1929. Đó là những mốc son, những sự kiện lịch sử tạo bước ngoặt mang tính quyết định để các tầng lớp nhân dân thị xã kiên trì, bền bỉ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và thị xã Thái Bình sớm giành chính quyền vào những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945.
Trải 30 năm kháng chiến trường kỳ, chống Pháp rồi chống Mỹ có biết bao tên đất, tên người của thành phố Thái Bình đã được ghi trên những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng và Nhà nước ta phong tặng cán bộ và nhân dân thị xã Thái Bình đã và mãi mãi là niềm tự hào, là điểm tựa vững vàng để thành phố Thái Bình vươn tới những tầm cao.
Thành phố Thái Bình hôm nay. Ảnh: Ngọc Linh
Khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, thành phố Thái Bình đã có những bước đi tiên phong, năng động thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, làm đầu tàu đưa tỉnh Thái Bình chuyển nhanh, chuyển mạnh từ một tỉnh nông nghiệp từng bước trở thành tỉnh có công - nông nghiệp phát triển bền vững.
Từ ngàn xưa, bằng con mắt am tường về phong thủy, ông cha ta đã chọn Kẻ Bo - Kỳ Bố làm nơi đặt huyện lỵ của huyện Vũ Tiên (còn gọi là huyện Bố), khi phủ Kiến Xương được thành lập thì đất này trở thành phủ lỵ của phủ Kiến Xương (còn gọi là phủ Bo), đến khi thành lập tỉnh Thái Bình, người Pháp cũng lại khôn ngoan, tinh tường chọn nơi đây làm tỉnh lỵ tỉnh Thái Bình (cũng còn gọi là tỉnh Bo). Trong mạch nguồn truyền thống của Thái Bình, Kẻ Bo - Kỳ Bố là nơi khởi nguồn của thành phố Thái Bình. Trải hàng ngàn năm, vùng đất này đã hội tụ, bồi trúc và tỏa sáng thêm những giá trị tinh hoa truyền thống của tỉnh Thái Bình để lớp lớp cư dân Thái Bình vẫn hằng tự hào về quê hương của mình là một vùng quê văn hiến. Kẻ Bo - Kỳ Bố được coi là đất thiêng chính vì lẽ đó
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/146565/dat-thieng-ke-bo-ky-bo-trong-mach-nguon-truyen-thong-thai-binh
Nguyễn Thanh