Công bố hiện vật độc bản
Ngày: 07/10/2022
Sáng 5-10 (10-9 âm lịch), tại khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), UBND huyện Vũ Thư tổ chức Lễ đón Bằng công nhận bảo vật Quốc gia "Hương án chùa Keo" đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận vào tháng 12-2021 vừa qua và khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa thu 2022.

Công bố hiện vật độc bản "Hương án chùa Keo" là bảo vật Quốc gia

 

Sáng 5-10 (10-9 âm lịch), tại khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), UBND huyện Vũ Thư tổ chức Lễ đón Bằng công nhận bảo vật Quốc gia "Hương án chùa Keo" đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận vào tháng 12-2021 vừa qua và khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa thu 2022. Hàng nghìn phật tử, du khách trong và ngoài tỉnh có mặt từ sáng sớm tham dự sự kiện đặc biệt này. HIỆN VẬT ĐỘC BẢN Hương án chùa Keo có dạng hình hộp chữ nhật được kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân, được tạo tác từ chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng. Hiện vật có kích thước lớn: Dài 227,0 cm; rộng 156,0 cm; cao 153,0 cm; có hình dáng đặc biệt (chân quỳ dạ cá), được trang trí hoa văn dầy đặc với các họa tiết “ lưỡng long chầu nguyệt”, “long ẩn vân’, “long giáng” cùng 550 cánh sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây lá và linh thú, mây lửa, ngọc báu...; người xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, trổ thủng để tạo khối nổi, khối chìm, tạo ra tầng tầng, lớp lớp hoa văn, sau đó sơn son, thếp vàng để tạo ra một Hương án sang trọng, đặt ở nơi thờ tự tôn nghiêm - đền thờ Thánh chùa Keo Thái Bình. Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản, có kích thước lớn và nặng lên dưới chân Hương án có gắn hệ thống bánh xe để khi cần có thể đẩy để di chuyển. Sự sáng tạo này vừa bảo vệ Hương án không chịu tác động xấu do quá trình khiêng vác gây ra vừa tránh được việc hơi nước ẩm từ nền đất ngấm lên. Có lẽ chính nhờ sự sáng tạo này mà trải qua thời gian mấy trăm năm (từ thế kỷ XVII đến nay) Hương án chùa Keo Thái Bình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Với các giá trị về lịch sử, khoa học và thẩm mỹ đó, ngày 25 tháng 12 năm 2021 Hương án chùa Keo Thái Bình cùng với 22 hiện vật thuộc các tỉnh khác đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2189/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia (Đợt 10). Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, có 3 điều tạo nên hình thức độc đáo của Hương án chùa Keo, đó là kích thước lớn, hoa văn trang trí dày đặc và hệ thống bánh xe. Hương án chùa Keo được xem là lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng hiện biết cho tới nay đang có mặt tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta. Bên cạnh đó, trên Hương án chùa Keo, 1.032 họa tiết được chạm khắc bằng kỹ thuật điêu luyện (chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, tạo khối nổi, khối chìm, trổ thủng), qua những đường nét sắc sảo, trau chuốt, được bố cục chặt chẽ, vừa mang tính phóng khoáng vừa mang tính đăng đối, vừa thật vừa ảo tạo nên tầng tầng lớp lớp hoa văn, tôn lên từng chi tiết cùng với màu sắc của kỹ thuật sơn thếp, khiến cho Hương án sang trọng và tôn nghiêm nơi thờ tự. "Điểm độc đáo của Hương án chùa Keo còn thể hiện ở hệ thống bánh xe, được lắp ở chân, tạo sự tiện dụng cho việc di chuyển, thay đổi vị trí. Điều này chứng tỏ đến thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, vị trí và chức năng của hương án luôn có sự thay đổi, không nhất thiết phải cố định trong bất cứ một không gian thờ tự nào. Dùng bánh xe đặt trên là khung gỗ, chuyển dịch hương án là một cách áp dụng khoa học công nghệ của thời đại này, đã thấy trên một số tượng gỗ có kích thước lớn, trọng lượng nặng với lực cơ học nâng lên, hạ xuống, không buộc phải cố định, kể cả với tượng thánh, tượng thần. Đó là một sự thay đổi về quan niệm kiêng kỵ trong thờ tự của người Việt", ông Tuấn cho biết. Trước đó, hai bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng, một kiệt tác nghệ thuật của người xưa có niên đại thế kỷ 17, đặt ở cửa chính tam quan nội chùa Keo tỉnh Thái Bình, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Bộ cánh cửa được tạo từ hai cánh hình chữ nhật, mỗi cánh cửa được ghép bằng 4 miếng gỗ nhỏ. Mỗi cánh chạm một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ và một hình nghê. Đôi rồng lớn trong thế vươn mình hướng lên chầu vào giữa. Hình tượng rồng ở đây được thể hiện qua bố cục đăng đối “Lưỡng long chầu nhật” khi hai cánh cửa hợp lại. Thế uốn cong của đôi rồng kết hợp tạo thành hình lá đề, cùng với kỹ thuật chạm lộng điêu luyện, tạo thành nhiều lớp không gian có chiều sâu. Hiện nay, tại di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo hai bộ cánh cửa gỗ được các nghệ nhân phục dựng lại giống như nguyên bản. Bộ cánh cửa chính gốc đang được bảo quản, trưng bày trang trọng ngay tòa chính giữa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

                                                                                           Rước kiệu Thánh tại Lễ hội Chùa Keo

500 NGƯỜI THAM GIA LỄ RƯỚC KIỆU ĐỨC THÁNH, 3 NĂM TỔ CHỨC 1 LẦN TẠI LỄ HỘI CHÙA KEO MÙA THU 2022 Hàng năm, chùa Keo tổ chức hai mùa lễ hội, hội Xuân và hội Thu. Nếu như lễ hội chùa Keo mùa xuân diễn ra trong 1 ngày mùng 4 tháng Giêng, thì lễ hội chùa Keo mùa thu diễn ra từ ngày 10 - 15-9 âm lịch. Lễ thức trong các ngày hội tháng 9 vừa mang tính hội lễ nông nghiệp, thi tài vừa mang tính chất của hội lịch sử mà xâu chuỗi các hoạt động hội là một diễn xướng lịch sử về hành trạng của Quốc sư Dương Không Lộ, trong đó những sinh hoạt dân gian được hòa quyện vào nghi thức tôn giáo. Nổi bật ở phần lễ là nghi lễ rước kiệu Đức Thánh được tổ chức kỳ công, hoành tráng 3 năm 1 lần nhằm tái hiện cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài. Trải qua bao thăng trầm, đến nay một số lễ thức trong lễ hội chùa Keo đã giản lược hơn song các nghi thức trong đám rước vẫn được giữ nguyên, điệu múa ếch vồ và múa chải cạn độc đáo vẫn được duy trì nghiêm cẩn. Ngoài ra, trong lễ hội mùa thu còn diễn ra các trò chơi dân gian theo tục lệ cổ xưa phản ánh lối sống của dân cư nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thái Bình nói riêng. Ông Nguyễn Hữu Khang, trưởng ban Khánh tiết chùa Keo cho biết: "Là người dân làng Keo, đã hơn 20 năm trực tiếp gắn bó với lễ hội truyền thống của làng, cùng bà con nhân dân, tôi vô cùng phấn khởi hội chùa được mở lại sau thời gian dài hạn chế vì dịch. Năm nay, lễ rước kiệu Đức Thánh tại lễ hội chùa Keo mùa thu có gần 500 người tham gia với gần 20 tổ, đội gồm các thành phần, qua đó góp phần tái hiện cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài. Dù thành phần tham gia lễ rước mỗi năm lại có thay đổi nhưng người dân làng Keo cố gắng duy trì để đời nối đời gìn giữ phong tục truyền thống, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian" Ông Đặng Hồng Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: "Để bảo tồn và phát triển di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, hàng năm, huyện Vũ Thư luôn quan tâm tới việc duy tu, sửa chữa, chỉnh trang khuôn viên, duy trì hoạt động thường xuyên và đặc biệt là công tác tổ chức lễ hội bảo đảm an toàn, theo đúng phong tục lễ nghi truyền thống. Tới đây, huyện Vũ Thư có chủ trương quy hoạch mở rộng chùa Keo, xây dựng các tuyến du lịch, xây dựng khu du lịch chùa Keo là khu du lịch tâm linh của huyện, của tỉnh. Năm nay, huyện Vũ Thư tổ chức lễ hội chùa Keo mùa thu gắn với lễ đón quyết định công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia, qua đó góp phần giới thiệu kiến trúc đặc sắc của chùa Keo, mảnh đất, con người Vũ Thư với du khách gần xa, quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương"

Ảnh: - Bảo vật Quốc gia Hương án chùa Keo đang được thờ tự tại chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình)

 KHÁNH LINH