Cội nguồn khí phách anh hùng
Ngày: 18/10/2024
Lý Tự Trọng - người con ưu tú của vùng đất núi Hồng - sông La đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng; người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên đã nêu tấm gương sáng ngời về khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

Lý Tự Trọng - người con ưu tú của vùng đất núi Hồng - sông La đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng; người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên đã nêu tấm gương sáng ngời về khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng nằm trên địa bàn xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Đây là nơi an nghỉ của đồng chí Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên.

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt) ở xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Thạch Hà quê hương anh, vùng đất xưng danh hơn nghìn năm nay, một thời được coi là phên dậu quốc gia luôn có tinh thần quật khởi chống áp bức, ngoại xâm. Những tên tuổi như: Bùi Thố, Nguyễn Cao Đôn... trong các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đến những đảng viên Tân Việt, sau trở thành Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh như: Nguyễn Thiếp, Mai Kính, để lại những tấm gương sáng cho quê hương, đất nước.

Sau khi phong trào Cần Vương tan rã, những người sống sót phải tìm đường lánh nạn sang Thái Lan ẩn náu chờ thời cơ mưu việc lớn. Ông Lê Hữu Đạt cũng trong số đó. Họ đến trại Cày ở bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom thuộc Đông Bắc Thái Lan. Ông Đạt xây dựng gia đình với bà Lê Thị Sờm - con một Việt kiều quê ở huyện Can Lộc. Từ trong mái ấm gia đình này, Lê Hữu Trọng đã ra đời vào ngày 20/10/1914. Gia đình ông Đạt ở Thái Lan đã trở thành một trong những cơ sở hoạt động của các tổ chức; nơi nuôi dưỡng cán bộ và có trường, lớp dạy chữ Quốc ngữ của Hội Việt kiều.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trọng là người có tư chất thông minh, sớm hiểu biết, tiếp thu nhanh, thuộc nhiều, có khả năng học tốt các ngoại ngữ, say mê thơ văn yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Lớn lên trong cảnh quê hương đang xiềng xích nô lệ, chưa một lần nhìn thấy sông Già, Hà Hoàng hay Trà Sơn, Nam Giới... cũng như Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Hồng Lĩnh, Hoành Sơn... nhưng núi sông ấy đã hun đúc nên tâm hồn tuổi ấu thơ của anh qua từng lời ru, chuyện kể của người thân trong gia đình. Những câu chuyện đầy niềm tự hào về tấm gương xả thân vì nước của người Hà Tĩnh anh dũng, kiên cường phò vua đánh tây, theo chí sĩ Phan Đình Phùng giết giặc đã nung nấu niềm nhiệt huyết, càng giúp anh ham học hỏi, luyện tập võ nghệ để sau này đánh giặc.

Hành hương về địa chỉ đỏ trong không khí những ngày hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, mỗi đoàn viên thanh niên thêm một lần nữa được thổi lên ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Anh cũng đã bao lần xúc động, phát khóc khi nghe kể về nỗi cực khổ của người dân An Nam phải gánh chịu chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp; càng thôi thúc lòng căm thù không đội trời chung kẻ cướp nước đang gieo rắc nỗi thống khổ cho đồng bào. Những tháng ngày tuổi thơ học tập ở Thái Lan, Lê Hữu Trọng và bạn bè cùng trang lứa được những người yêu nước trong Hội Quang Phục truyền đạt nhiều nội dung về lòng yêu nước, thương nòi, quyết tâm cứu nước của cụ Phan Bội Châu trong các tác phẩm như: “Hải ngoại huyết thư”, “Việt Nam vong quốc sử”...

Đoạn mở đầu trong bài “Ái quốc” của cụ Phan sáng tác năm 1910 được lớp học thuộc lòng: “Nay ta hát một thiên ái quốc/ Yêu gì hơn yêu nước nhà ta/Trang nghiêm bốn mặt sơn hà/Ông cha để lại cho ta lọ vàng”(1). Thế đó, truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình đã hun đúc, nuôi dưỡng trong trái tim người anh hùng trẻ tuổi; gieo mầm xanh để anh “Đem tuổi hai mươi đầy sức sống/Đi chiến đấu cho lý tưởng chung”(2) sau này.

Mùa hè năm 1925, thực hiện chủ trương của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu, thành viên của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa tại trại Cày và chọn một số con em Việt kiều đưa sang Quảng Châu đào tạo chuẩn bị xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản Việt Nam. Lê Hữu Trọng là một trong số các thiếu niên được chọn.

Sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập, để thuận lợi, bí mật cho việc hoạt động, Lê Hữu Trọng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đổi tên thành Lý Tự Trọng, cùng họ với Lý Thụy, bí danh của Nguyễn Ái Quốc lúc ấy. Đó là những năm tháng Lý Tự Trọng được tiếp thu tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bồi đắp thêm ý chí, nghị lực, niềm tin vào con đường cách mạng mà anh đã chọn.

Sau một thời gian học tập, làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tháng 5/1929, Lý Tự Trọng được đoàn thể cho về nước hoạt động vùng Sài Gòn - Chợ Lớn để tham gia công tác vận động thanh niên tiến tới thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước. Tổ quốc gọi tên anh, lịch sử đặt ra cho anh, người đầu tiên tham gia thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những năm tháng hoạt động ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Lý Tự Trọng làm việc không biết mệt mỏi, tràn đầy niềm lạc quan phơi phới vào lý tưởng con đường cách mạng của mình. Ngày 8/2/1931, để bảo vệ cho đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết nhân kỷ niệm 1 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Lý Tự Trọng đã bắn chết tên mật thám Pháp Lơ Grăng. Anh đã bị bắt đưa về bốt Catinat.

Ở đây, anh bị kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man. Có khi chết đi, sống lại trước những ngón đòn thâm độc của kẻ thù, vậy mà “Trọng con”, “Thằng nhỏ” rồi “Ông nhỏ” (tên mà kẻ thù gọi anh) vẫn hiên ngang không khuất phục. Những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Trong những giờ phút sinh tử, Lý Tự Trọng vẫn ung dung đọc Kiều. Những câu thơ Kiều của Nguyễn Du đã mang đến cho anh niềm lạc quan, sự thanh thản, bình tĩnh tự tin kỳ lạ khi về với cội nguồn văn hóa dân tộc, quê hương. “Lý Tự Trọng trưa nao còn đọc trang Kiều/...Hiểu giá khổ đau để thêm bừng ngọn lửa/Nước mắt ta đem đổi máu quân thù”(3). Lý Tự Trọng đã hy sinh ngày 21/11/1931 khi mới 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người.

Tinh thần bất khuất của anh đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Sự hy sinh anh dũng của anh đã bùng lên ngọn lửa, động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng đã nêu một tấm gương chói lọi, trở thành biểu tượng thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên thanh niên. Câu nói bất hủ của anh “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” đã trở thành lời hiệu triệu, thông điệp mạnh mẽ cho tuổi trẻ; trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu của lớp lớp thanh niên Việt Nam từ đó đến hôm nay và mãi mãi sau này.

Đất nước, quê hương đang bước vào thời kỳ mới, tấm gương người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng đang tiếp thêm sức mạnh, khát vọng, hoài bão để thanh niên hôm nay làm chủ tri thức, bảo vệ những giá trị cao đẹp, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/210226/coi-nguon-khi-phach-anh-hung

Theo baohatinh.vn