Chơi với Nguyên Xá...
Ngày: 04/08/2023
Làng Nguyễn vốn từ cổ xưa vẫn là một xã mang tên Nguyên Xá, nay thuộc huyện Đông Hưng. Địa danh Nguyễn - Nguyên Xá không chỉ nức tiếng ở Thái Bình mà còn thấp thoáng trên bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới với vị thế là địa chỉ của một làng đa nghề, làng buôn, làng kháng chiến, làng văn nghệ dân gian, với bánh cáy, lụa tơ nõn, múa rối nước, pháo bông… Dân Nguyên Xá vốn nổi tiếng là sành nghề, sành ăn, sành mặc, sành chơi. Cũng chính vì quá tài hoa, hoạt bát nên những người nông dân thuần phác xa gần thường nhớ câu châm ngôn: “Chơi với Nguyên Xá, mất cả má lẫn mông”.

Làng Nguyễn vốn từ cổ xưa vẫn là một xã mang tên Nguyên Xá, nay thuộc huyện Đông Hưng. Địa danh Nguyễn - Nguyên Xá không chỉ nức tiếng ở Thái Bình mà còn thấp thoáng trên bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới với vị thế là địa chỉ của một làng đa nghề, làng buôn, làng kháng chiến, làng văn nghệ dân gian, với bánh cáy, lụa tơ nõn, múa rối nước, pháo bông… Dân Nguyên Xá vốn nổi tiếng là sành nghề, sành ăn, sành mặc, sành chơi. Cũng chính vì quá tài hoa, hoạt bát nên những người nông dân thuần phác xa gần thường nhớ câu châm ngôn: “Chơi với Nguyên Xá, mất cả má lẫn mông”.

Phường rối nước Nguyên Xá với những tích trò độc đáo về cuộc sống làng quê.

Thuở trước, người sành ăn thường nhớ đến “làng Nguyễn bánh cáy, khoai ráy Động Trung”, “cốm Nguyễn, ổi Bo”, “bánh đúc Trạm Chay, bánh giày Nguyên Xá”, “Lương Cụ bánh đa, mạch nha làng Nguyễn”… cùng những đặc sản về các loại giò, chả mang thương hiệu làng Nguyễn. Người sành mặc hàng tơ lụa cao cấp thì nhớ “ró Tống Văn, khăn lụa Nguyễn”. Người sành chơi thì tìm về làng Nguyễn để tận hưởng cái thú “sáng rối, tối chèo”, xem đốt cây bông, thả đèn trời, thi diều sáo, pháo đất, trò nhời... Sử sách của quốc gia và bia miệng của dân thì lưu truyền biết bao giai thoại về một làng Nguyễn “nghệ tinh, vật thịnh” truyền đời. 

Làng Nguyễn vốn mang đặc trưng chung của những làng đa nghề ở Bắc Bộ. Vừa là làng nghề vừa là làng buôn với các nghề như: hàng xáo, đồng nát, rèn đúc kim loại, xây dựng, chế biến lương thực thực phẩm… nhưng nét riêng của người làng Nguyễn là sự tài hoa với những bí quyết, bí truyền trong từng phường hội ở làng để tạo ra nét độc đáo riêng cho các mặt hàng của một số nghề tinh xảo như dệt lụa, chế tạo quân rối, buồng trò, làm cây bông… 

Với những loại nghề dường như hầu khắp các làng trong tỉnh đều có người làm như chế biến, buôn bán các loại mặt hàng từ lương thực thực phẩm thì dân làng Nguyễn đã khéo léo, tài hoa để tạo ra thương hiệu riêng cho mình. Chẳng hạn như: nấu rượu, làm bún, làm các loại bánh, kẹo, giò, chả (bánh cáy, bánh dày lá ré, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo mạch nha, giò cuộn, giò lụa, giò thúc, chả quế, chả chìa)… 

Trong truyền thống, khá nhiều làng ở Thái Bình có nghề dệt lụa, nhưng lụa dệt bằng tơ nõn của làng Bộ La và làng Nguyễn đã thành đặc sản được nhiều người trong và ngoài nước ưa dùng. Tương truyền, lụa Nguyễn chuyên dùng để tiến vua. Sách Tiên Hưng phủ chí của Phạm Nguyên Hợp viết vào những năm đầu thế kỷ XX cho biết: “Người xã Nguyên Xá, huyện Thần Khê kéo kén thành tơ, phiếu (ngâm, phơi) cho tơ trắng ra, cuộn vào guồng, xe cho săn sợi lại rồi mới dệt. Lụa dệt ra thành màu trắng có vân rất đẹp, người ta tranh nhau mua, giá đắt gấp bội lụa thường. Nghề này có từ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Ông nghè Hội nguyên Nguyễn Bá Dương nhân đi sứ Bắc Quốc học được cách dệt thứ lụa ấy, trở về dạy cho người làng thành nghề...”. 

Ở làng Nguyễn, nghề thợ mộc sản xuất đồ gia dụng và làm nhà cửa thời nào cũng có nhưng độc đáo hơn cả là nghề điêu khắc, sơn thếp đồ gỗ cao cấp, chế tác quân rối và máy điều khiển trong nghề múa rối nước cổ truyền. Tuy nhiên, nghề này không phổ biến lắm vì đòi hỏi kỹ thuật cao và sự bí truyền được quy định khắt khe trong từng phường rối. Ở Thái Bình xưa, có chưa đầy 10 phường rối, riêng làng Nguyễn có tới 3 phường (Bắc Lạng, Tây trong, Tây ngoài) còn lại ở một số làng lân cận như Tăng, Tuộc, Đống, Kỳ Hội. Linh hồn của nghệ thuật múa rối nước là quân rối và máy điều khiển do các nghệ nhân tạo ra. Mỗi tích trò có những quân rối riêng. Trong lịch sử tồn tại, các phường rối nước làng Nguyễn đã từng biểu diễn tới hơn 50 tích trò với hàng trăm quân rối lớn nhỏ khác nhau, với nhiều kiểu máy điều khiển bằng sào, bằng dây khác nhau.

Bánh cáy làng Nguyễn vốn là đặc sản được nhiều người biết đến. Thuở trước, các loại bánh, kẹo chưa phong phú, sức tiêu dùng chưa phổ biến như ngày nay, bánh cáy chỉ chủ yếu xuất hiện vào những ngày tết Nguyên đán. Có thời đã được đem tiến vua. Những thập niên gần đây, du khách đến Thái Bình, nhớ Thái Bình thường không quên bánh cáy. Nhiều người quan niệm bánh cáy có tác dụng bồi bổ cơ thể vì nó là thứ bánh tổng hợp đủ chất: chất bột, chất béo, chất đường… Có ngũ sắc (xanh, đỏ, trắng, vàng, nâu), có bát vị (ngọt, bùi, đắng, cay, béo, ngậy, chua, mặn)… 

Ngoài bánh cáy, xưa nay người làng Nguyễn còn nhiều tài hoa, nhiều kỹ nghệ, kỹ xảo rất riêng của làng, thậm chí là rất riêng của từng gia đình, từng phường giáp để chế biến những sản phẩm của đồng quê thành những đặc sản mang thương hiệu làng Nguyễn như cốm Nguyễn, giò lụa, giò cuộn Nguyễn (còn gọi là giò lây), chả chìa, bánh giày lá ré, bún nộm, kẹo mạch nha…. Thuở xưa, người làng Nguyễn từng duy trì tục lệ đua tài, thi khéo và tôn vinh những người tài giỏi chế tác ra những đặc sản mang sắc thái riêng của từng phường, giáp được bày trên mâm cỗ thi trong ngày hội làng. 

Những năm xa xưa, nếu có dịp về làng Nguyễn trong những ngày hội làng, khách thập phương không thể không khâm phục tài hoa của người làng Nguyễn về tục làm và đốt cây pháo bông vốn đã đi vào phương ngữ: “Nguyên Xá cây bông, đúc đồng An Lộng”. Nhờ nổi tiếng từ cây pháo bông đốt ở làng, việc làm pháo bông đã trở thành một nghề được nhiều nơi đến đặt hàng. Cây pháo bông làng Nguyễn đã được các nghệ nhân của làng đưa đi trình diễn tại các sự kiện văn hóa hoặc lễ tết ở nhiều tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc. 

Nghề làm cây pháo bông vốn là một nghề cổ truyền ở nhiều làng quê nhưng sở trường nổi trội hơn cả của nghệ nhân pháo bông làng Nguyễn là ở chỗ họ biết kết hợp tài tình với trò rối để cây pháo bông trở thành cây pháo trò. 

Tùy theo yêu cầu về quy mô, kích cỡ của phía đặt hàng, cây pháo bông làng Nguyễn thường cao từ 10 - 20m với 10 - 15 tầng được đan kết bằng những thanh tre, nứa thành hình hộp. Các loại pháo nổ và pháo sáng được cài kết liên hoàn theo kịch bản. Mỗi tầng trên cây pháo là một sân khấu rối, con rối là những quả pháo, dây pháo gây tiếng nổ và ánh sáng tạo ra nhờ sức phun, sức đẩy của pháo kết hợp với máy dây điều khiển từ xa để diễn các tích trò như Thánh Gióng đánh giặc Ân, Thạch Sanh chém mãng xà, Gia Cát cầu phong, Chu Du phóng hỏa, nhà sư chạy đàn, chơi đu, đấu vật… Sự kỳ ảo của việc làm cây pháo và đốt cây pháo trò của nghệ nhân làng Nguyễn thật khôn lường. Vào thế kỷ XIX, nghệ nhân làm pháo hoa Vũ Ngọc Long ở làng Nguyễn đã được vua nhà Nguyễn tặng hàm Cửu phẩm văn giai với tờ sắc: “Giáp đẳng hỏa pháo tương binh, lãnh thụ Cửu phẩm văn giai chi sắc chỉ”. Thân phụ của nghệ nhân Vũ Ngọc Long cũng từng được triều đình nhà Nguyễn cho vời ra làm pháo hỏa hổ mừng vua Khải Định từ Pháp về nước. Khi vua Bảo Đại tổ chức cuộc thi cây bông (kim tuyền) toàn quốc thì cây bông của dài họ Vũ ở làng Nguyễn, làng Tăng đã giành giải nhất. 

Nếu gọi là nghề chơi thì người làng Nguyễn còn thuần thục và kiếm lời với nghề làm đèn trời và làm diều sáo. Những năm chưa có chủ trương cấm đốt đèn trời thì các nghệ nhân làng Nguyễn thỏa sức vẫy vùng mang đèn trời đi khắp các tỉnh thành trong nước để đốt vào những đêm hội hoặc lễ tết theo đơn đặt hàng. 

Xưa và nay, những người đã có dịp giao tiếp với các nghệ nhân, doanh nhân làng Nguyễn hoặc từng được thưởng ngoạn những đồ ăn, thức mặc, thú chơi của người làng Nguyễn như ăn bánh cáy, ăn giò, chả; xem múa rối nước, xem đốt cây bông... thường vẫn có một cảm nhận chung là với những người tinh khôn, khéo léo, tài hoa, năng động như ở làng Nguyễn mà lại bảo họ không hơn người, không giàu sang thì thật là chuyện lạ.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/180185/choi-voi-nguyen-xa

Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)