Chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm
Ngày: 20/09/2024
Tròn 95 năm ngày mất của chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, trong giai đoạn Bộ Ngoại giao đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhằm đưa hài cốt của cụ về an táng tại Việt Nam,hành trình hồi hương đặc biệt của 11 người mang tên Van Cam từ quần đảo Polynesie (Pháp) về xã Văn Cẩm(Hưng Hà) đã diễn ra trong niềm xúc động khôn nguôi. Bao năm tháng qua, họ luôn nhắc nhau nhớ về nguồn cội. Niềm mong mỏi được trở về quê hương luôn đau đáu suốt những năm tháng tha hương của cụ Kỳ Đồng.

Tròn 95 năm ngày mất của chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, trong giai đoạn Bộ Ngoại giao đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhằm đưa hài cốt của cụ về an táng tại Việt Nam,hành trình hồi hương đặc biệt của 11 người mang tên Van Cam từ quần đảo Polynesie (Pháp) về xã Văn Cẩm(Hưng Hà) đã diễn ra trong niềm xúc động khôn nguôi. Bao năm tháng qua, họ luôn nhắc nhau nhớ về nguồn cội. Niềm mong mỏi được trở về quê hương luôn đau đáu suốt những năm tháng tha hương của cụ Kỳ Đồng.

Phân cảnh Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm bên gia đình ở quê nhà trong vở chèo cùng tên do Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng

Từ cậu bé kỳ lạ đến thủ lĩnh phong trào yêu nước 

Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên, nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Do tư chất thông minh nên mới 8 tuổi đã nổi danh khắp vùng, được vua Tự Đức xuống chiếu “cấp cho trẻ lạ ở Hưng Yên Nguyễn Văn Kỳ tức Cẩm mỗi tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo; áo quần mỗi thứ 2 cái, 1 năm 2 lần”. Từ đó, trong dân gian đã truyền gọi Nguyễn Văn Cẩm là Kỳ Đồng. 

Phân cảnh Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm bị thực dân Pháp bắt giữ, lưu đày xa quê.

Tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược của cậu bé Kỳ Đồng được hun đúc trong bối cảnh thực dân Pháp nhiều lần đánh chiếm ra Bắc Kỳ, người dân đói khổ, cơ cực, chịu sự đàn áp dã man và phong trào kháng Pháp diễn ra sôi nổi khắp nơi. Năm 1887, sau khi Kỳ Đồng, khi ấy mới 13 tuổi bị bắt giữ vì tổ chức đám rước tiến về thành Nam Định, thực dân Pháp đưa ông sang Algerie (khi đó là thuộc địa của Pháp) để du học với ý đồ đào tạo nhân tài phục vụ lâu dài cho chính phủ bảo hộ. Sau thời gian xa xứ, từ năm 1887 - 1896, trở về nước với tấm bằng tú tài, Kỳ Đồng từ chối công việc được giao, đề nghị người Pháp cho ông mở đồn điền khai hoang ở huyện Yên Thế (Bắc Giang). Từ đây, đồn điền Chợ Kỳ, Yên Thế được thành lập, bên trong thực chất là các đồn binh. Binh sĩ được tập luyện dưới hình thức tập thể dục, vũ khí chiến đấu được sản xuất dưới danh nghĩa rèn nông cụ. Đêm ngày 22/9/1897, sau khi mật thám Pháp phát hiện người của Kỳ Đồng vận chuyển vũ khí, ông bị bí mật bắt giữ, đưa lên tàu vào Sài Gòn. Đến đầu năm 1898, thực dân Pháp đưa Kỳ Đồng đi đày ở đảo Tahiti thuộc quần đảo Polynesie - thuộc địa của Pháp ở vùng Châu Đại Dương. Ông ở tại đây cho đến khi qua đời vào ngày 17/7/1929.

Hành trình của tình thân 

Trong chuyến hành hương đặc biệt, đoàn thân nhân gia đình chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm có 14 người, trong đó 11 người là hậu duệ của cụ. Ông Van Cam Charles - cháu nội, hậu duệ đời thứ 2 chia sẻ: Gia đình chúng tôi, tất cả mọi người đều mang tên Van Cam của ông trong tên mình để ghi nhớ về dòng máu đang chảy trong huyết quản của mình. Hàng chục năm qua, gia đình tôi đã không ngừng nỗ lực tìm hiểu về cội nguồn của ông. Kết quả là năm 2004, tôi cùng cháu Van Cam Jean - Paul (hậu duệ đời thứ 3) đã lần đầu tiên tìm về quê hương Văn Cẩm (Hưng Hà) để thắp nén tâm nhang lên bàn thờ tổ tiên. Mẹ của tôi kể lại rằng, ông tôi luôn chia sẻ với mọi người trong gia đình mong muốn được trở về quê hương, ngày nào ông cũng ra bờ biển nhìn hướng về phía quê hương. Mẹ tôi cũng kể về việc cụ tôi - cụ bà đồ Tỵ, đã từng viết thư cho chính quyền Pháp ở Việt Nam yêu cầu “Trả lại con cho tôi”. Đó là điều khiến cho chúng tôi hết sức mong muốn thực hiện di nguyện của ông là về quê hương. Trở lại Việt Nam lần thứ 2, tôi muốn khẳng định tinh thần, ý chí của người Việt Nam là không bao giờ từ bỏ. 

Theo chia sẻ của ông Van Cam Charles, ông là cháu nội nhỏ tuổi nhất của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm. Trong những năm tháng sống đày ải ở đảo Tahiti, Kỳ Đồng đã nên duyên với 1 người phụ nữ bản địa, ông bà có với nhau 2 người con, 1 trai, 1 gái. Người con gái mất sớm, người con trai lấy vợ, sinh được 11 người con. Đến nay, hậu duệ của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm tại Taihiti đã có 5 đời. Trong đoàn về thăm quê hương Việt Nam, ngoài ông Van Cam Charles là thế hệ thứ 2 còn có các thành viên là hậu duệ đời thứ 3, 4, 5. 

Trong vòng tay thắm thiết của bà con dòng họ Nguyễn Văn và những người dân xã Văn Cẩm, gia đình chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm dâng hương tại gian thờ cụ Kỳ Đồng ở đình Ngọc Liễn và đến thăm từng phần mộ của tổ tiên. Lưu luyến không rời, các thành viên trong gia đình và dòng họ hứa hẹn luôn giữ mối liên hệ bền chặt để mỗi hậu duệ của cụ Kỳ Đồng từ nay luôn hiểu biết, gắn bó với quê hương, nguồn cội.

Các thế hệ trong gia đình Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm thắp hương cho cụ tại đình Ngọc Liễn, xã Văn Cẩm (Hưng Hà).

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/39/208031/chi-si-yeu-nuoc-ky-dong-nguyen-van-cam

Anh Tú