Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch
Ngày: 17/11/2023
Sáng ngày 14/11, UBND tỉnh tổ chức họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Đề án bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Sáng ngày 14/11, UBND tỉnh tổ chức họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Đề án bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Hiện nay, tỉnh Thái Bình có 141 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó có 102 làng nghề còn duy trì hoạt động sản xuất, 18 làng nghề hoạt động cầm chừng và 21 làng nghề không còn hoạt động. Đề án bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mục tiêu gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống, kết hợp bí quyết gia truyền sản xuất thủ công với máy móc, công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm truyền thống, mang bản sắc văn hóa vùng, miền có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đa dạng hóa sản phẩm, phát huy giá trị sản phẩm nghề truyền thống gắn với du lịch, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Xây dựng thương hiệu của các sản phẩm làng nghề bảo đảm điều kiện tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị và sàn giao dịch thương mại điện tử. Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả, ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo chương trình OCOP. Đến năm 2030, công nhận mới 20 nghề và 10 làng nghề truyền thống, phát triển 5 làng nghề gắn với du lịch, ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Đề án tại cuộc họp.Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu tại cuộc họp.  

Các đại biểu dự họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Đề án bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu điều chỉnh lại mục tiêu số lượng nghề, làng nghề truyền thống cần khôi phục, bảo tồn phù hợp; đề xuất phương án, mức hỗ trợ tạo động lực cho phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, tổng hợp, điều chỉnh những ý kiến góp ý của các sở, ngành và sớm trình UBND tỉnh ban hành Đề án.

Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/187423/bao-ton-phuc-hoi-va-phat-trien-lang-nghe-nghe-truyen-thong-gan-voi-du-lich

Nguyễn Thơi