Hát chầu văn là loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống đặc sắc của dân tộc gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu. Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố, thăng trầm, có những lúc tưởng chừng đã mai một nhưng hiện nay nghệ thuật hát văn, chầu văn với những giá trị đặc sắc riêng có đã được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Hàng năm, tại đền Tiên La, xã Đoan Hùng hay tại đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà), hát chầu văn đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu.
Hát chầu văn là loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống đặc sắc của dân tộc gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu. Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố, thăng trầm, có những lúc tưởng chừng đã mai một nhưng hiện nay nghệ thuật hát văn, chầu văn với những giá trị đặc sắc riêng có đã được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Hàng năm, tại đền Tiên La, xã Đoan Hùng hay tại đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà), hát chầu văn đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu.
Được tận mắt chứng kiến một buổi lễ hát chầu văn của nghệ nhân ưu tú Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Tiên La với giá chầu Bát Nạn Tướng quân, chúng tôi được chìm đắm trong những câu văn uyên bác, nhịp điệu trầm bổng, tươi vui, hòa tấu cùng nhiều loại nhạc cụ dân tộc có một sức cuốn hút đến lạ thường. Các thành viên mỗi người một nhạc cụ, một vai diễn, ai nấy đều thả hồn phiêu theo lời luyến láy của vở hát văn. Với ông Nhã, điều hạnh phúc nhất ở nghề đó là cảm nhận được nét tài hoa, tinh tế của cha ông gửi gắm qua từng lời văn, điệu múa, hướng con người tới cái tâm thiện trong cuộc sống.
Ông Nhã chia sẻ: Nét độc đáo của hát chầu văn không chỉ thể hiện ở sự trầm bổng, nhấn nhá của lối hát, mà còn thể hiện ở tay đàn, nhịp phách sao cho hài hòa và tinh tế. Bên cạnh việc sưu tầm các làn điệu cổ, tôi luôn trăn trở tìm hướng bảo tồn và phát triển hát chầu văn cho thế hệ trẻ. Đây là cách để chúng tôi giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc. Vì thế, tôi luôn mong muốn sẽ trao truyền gửi gắm lại những điệu hát chầu văn cổ để lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Ông Đặng Vũ Trần Nhã luôn trăn trở để trao truyền nghệ thuật hát chầu văn cổ cho thế hệ mai sau.
Hát văn, chầu văn có sức cuốn hút kỳ lạ làm mê say lòng người bởi ở đó có sự kết hợp đặc sắc hòa quyện giữa lời ca, âm nhạc, vũ đạo và nghi lễ, đem lại cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc, vừa hiện thực gần gũi vừa huyền diệu linh thiêng. Xưa kia hát văn, chầu văn được biểu diễn chủ yếu trong các đền, phủ nhưng theo thời gian từ chốn linh thiêng, hát văn đã và đang lan tỏa hiện diện trong nhiều không gian hoạt động văn hóa nghệ thuật của cộng đồng.
Tại đền Tiên La, hàng năm có rất nhiều đợt tổ chức hát chầu văn với các giá đồng ca ngợi công đức của các vị tiền nhân đã thu hút rất nhiều du khách thập phương đến chiêm ngưỡng và thưởng thức.
Ông Nguyễn Văn Dự, du khách thành phố Hải Dương chia sẻ: Đến với Thái Bình, chúng tôi ấn tượng nhất là khi đến đền Tiên La được thưởng thức những làn điệu chầu văn cổ. Được nghe và thưởng thức các nghệ nhân hát, chúng tôi như được hiểu rõ hơn về những công lao to lớn của các nhân vật lịch sử, những buổi đầu lập làng, đánh thắng giặc ngoại xâm. Vì thế, cứ đầu xuân năm mới tôi và gia đình đều đến đây để chiêm bái và tận hưởng giai điệu âm vang của nghệ thuật hát chầu văn.
Không chỉ ở đền Tiên La, những ngày đầu xuân, tại đền Trần xã Tiến Đức, loại hình hát chầu văn đã, đang phát triển mạnh mẽ. Các giá hát thường sắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của các vị vua Trần và các Thánh để tôn vinh công đức, kỳ tích của các bậc tiền nhân. Không có ngày cố định nhưng cứ mỗi dịp đến ngày giỗ của các vua triều Trần những giai điệu hát chầu văn lại rộn ràng khiến các du khách đến xem cũng rộn rã.
Nghệ nhân ưu tú, thanh đồng Vũ Văn Thắng, Phó Hội trưởng thường trực Hội thanh đồng đạo quan tỉnh Thái Bình cho biết: Năm 2016, loại hình hát văn, hát chầu văn trong “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là những người thực hành và giữ gìn những nghi lễ này nên chúng tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào và nguyện sẽ giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống này. Tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại, đặc biệt là góp phần chung tay loại bỏ những hành vi phản cảm về văn hóa trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, lưu giữ nét đẹp truyền thống để câu hát văn mãi được nâng niu, nối dài thêm sức sống.
Nghệ nhân ưu tú, thanh đồng Vũ Văn Thắng với giá đồng tại đền Tiên La.
Anh Trần Văn Hải, xã Tiến Đức chia sẻ: Là người trẻ tuổi nhưng mỗi lần được được nghe những bài hát chầu văn em rất thích thú. Sự độc đáo của hát văn, hát chầu văn không chỉ thể hiện ở sự trầm bổng, nhấn nhá của lối hát mà còn thể hiện ở tay đàn, nhịp phách ăn nhập một cách hài hòa. Để vừa đàn vừa hát là cả một quá trình điêu luyện, công phu của các nghệ nhân bằng cả tâm huyết và bề dày năm tháng. Em rất ngưỡng mộ các nghệ nhân và cũng muốn được học hỏi để có thể tự mình hát những bài chầu văn hay như thế.
Như mạch nguồn cuộn chảy, không ồn ào mà âm thầm trong nhịp sống hiện đại hối hả, nghệ thuật hát chầu văn mang những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc, vừa thể hiện nhu cầu thẩm mỹ vừa thể hiện ước vọng tâm linh của con người trong cuộc sống. Vì vậy, hát chầu văn không chỉ là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng mà còn là một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo cần được giữ gìn, phát huy cho muôn đời sau.
Nguồn tin: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/169141/bao-ton-net-dep-nghe-thuat-hat-chau-van
Thanh Thủy