Nghệ Sĩ Nhân Dân Đình Chiểu – Nặng một chữ “Tình” trong mỗi khúc ca
Ngày: 30/11/2021
Nghệ Sĩ Nhân Dân Đình Chiểu sinh năm 1954 tại xã Quỳnh Khuê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, giọng ca Đình Chiểu đã trở thành tiếng hát đưa nôi, ru êm tâm hồn mỗi người con xa xứ.

C

ó những bài ca chẳng bị lớp bụi thời gian làm lu mờ bởi có những người nghệ sĩ đã hát lên bằng tất cả tiếng ca vời vợi xúc cảm yêu thương, nồng cháy của mình, để lại trong lòng khán giả những rung ngân sâu xa, mãnh liệt. Sinh năm 1954 tại xã Quỳnh Khuê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, giọng ca Đình Chiểu đã trở thành tiếng hát đưa nôi, ru êm tâm hồn mỗi người con xa xứ. Tình yêu dào dạt dành cho âm nhạc, cho những bản tình ca quê lúa chính là ngọn nguồn để nghệ sĩ Đình Chiểu không ngừng trăn trở, sống hết mình với niềm đam mê ca hát và trở thành động lực để ông phấn đấu trên con đường nghệ thuật. Chính bởi những thành công và những cống hiến lớn lao của ông cho nền âm nhạc dân tộc nói chung và sân khấu ca múa kịch Thái Bình nói riêng, nên ngay từ những ngày đầu năm 2016, nghệ sĩ Đình Chiểu đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cao quý.

Mảnh đất Thái Bình giàu truyền thống văn hóa, với những làn điệu chèo, chất dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành dòng sữa ngọt lành di dưỡng tâm hồn và tạo nên một giọng ca nam mượt mà, truyền cảm, giàu sức lay động lòng người. Nghệ sĩ Đình Chiểu đã dành trọn hơn bốn mươi năm cuộc đời mình gắn bó và cống hiến cho hoạt động ca hát trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp ở Thái Bình. Mặc dù đã bước sang tuổi 62, nhưng niềm đam mê dành cho âm nhạc của ông thì vẫn không hề thay đổi. Những khúc ca lấp lánh tình người, tình đời, tình yêu quê hương tha thiết đã quyện chặt trong tâm khảm ông như một lẽ tự nhiên chẳng thể xa rời. Cách ông đến với âm nhạc chính là cách lựa chọn cuộc sống và đến lượt mình, nó đã trở thành nơi khởi nguyên cho sự tồn tại của ông trên sân khấu nghệ thuật dân tộc. Nhìn cách ông nâng niu lật giở từng trang nhạc đã hoen ố màu thời gian, người ta mới thấy một tình yêu cháy bỏng đến nhường nào! Những bản nhạc được viết lên, những khúc hát được ngân ca hay tiếng đàn du dương trên sân khấu đều được xuất phát từ trái tim rạo rực và tràn đầy nhiệt huyết của người nghệ sĩ tận tâm. Âm nhạc đã trở nên là một người tình, người bạn tri kỉ, là minh chứng cho một tài năng nghệ thuật, sự khổ luyện miệt mài và nhiệt tình cống hiến. Chưa một lần chịu khuất phục trước quy luật đào thải khắc nghiệt của thời gian và sự chọn lọc khắt khe của sân khấu, nghệ sĩ Đình Chiểu vẫn đang ngày đêm hết lòng đem tiếng hát của mình phục vụ cho công chúng yêu nhạc!

Những năm 60, 70, khi đất nước còn quặn đau trong khói lửa chiến tranh, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, mỗi lần được nghe những khúc ca cách mạng phát ra từ chiếc radio nhà hàng xóm, cậu bé Đình Chiểu lúc bấy giờ đã rất khát khao được một lần đứng trên sân khấu. Chính niềm say mê ca hát ấy đã không ngừng thôi thúc bước chân ông đến với con đường nghệ thuật. Trong những năm đầu khởi nghiệp, ông luôn giữ vai trò là “hạt nhân” của phong trào ca hát không chuyên ở Thái Bình. Đến năm 1971, Đình Chiểu trúng tuyển vào Đoàn ca múa kịch Thái Bình, kể từ đó cho đến nay, ông luôn đảm nhiệm những vị trí quan trọng như diễn viên đơn ca, đội trưởng đội ca trong các chương trình ca múa nhạc hay đóng vai diễn chính trong các vở kịch hát của đoàn. Đặc biệt, từ năm 1999 đến năm 2014, ông liên tiếp giữ chức vị là Phó trưởng Đoàn ca múa kịch Thái Bình phụ trách nghệ thuật, và Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Trong thời gian được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), ông may mắn được tiếp xúc và học tập dưới sự chỉ bảo của những nhà sư phạm thanh nhạc hàng đầu Việt Nam như NSND Quý Dương, NSUT Thúy Hiền, NSUT Kiều Hưng…Với vốn kiến thức được đào tạo trong nhà trường, kết hợp với tài năng bẩm sinh, và ngọn lửa yêu nghề cháy bỏng, nghệ sĩ Đình Chiểu đã dốc hết bầu máu nghệ thuật của mình phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, đem lời ca tiếng hát đến với mọi miền đất nước. Những làn điệu trữ tình đằm thắm đã trở thành nơi lưu giữ tâm hồn thẳm sâu của người nghệ sĩ tận tâm, tận lực. Giọng ca ấm áp của ông đã khiến biết bao trái tim người nghe phải bồi hồi, da diết nhớ về con nắng Thái Bình dạt dào hương lúa, hay thổn thức tìm về bên dòng sông Trà lấp lánh ánh chiều của một thời hẹn ước ngày xưa. Những hạt mầm của sự sống lên men, của tình yêu quê trĩu nặng đã quyện chặt trái tim người hát – người nghe thành chung một nhịp đập. Giọt nước mắt cảm động, nghẹn ngào của người má miền Nam xa quê trong một lần nghe hát hay một đóa hoa rừng của anh lính nơi biên thùy xa xăm gửi tặng đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với người nghệ sĩ như ông. Chính bởi vậy, khán giả yêu mến nhớ về tiếng hát Đình Chiểu như một con người “mang hồn nắng ấm quê hương” hay một “chất giọng dân ca được sinh ra từ trong hương lúa”.

Trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng, với 31 năm là diễn viên Đoàn ca múa Thái Bình, 12 năm là Giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, nghệ sĩ Đình Chiểu đã hát bằng cả trái tim của mình để mang đến cho khán, thính giả những ca khúc trữ tình, đằm lắng, ngọt ngào âm hưởng đồng quê. Đắm mình trong sân khấu ca nhạc, với sự cố gắng không mệt mỏi và nhiệt thành cống hiến, giọng hát Đình Chiểu đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn yêu nhạc với những Nắng ấm quê hương, Trăng ru biển lúa quê mình, Tiếng hát bên dòng sông Trà, Hát về cây lúa hôm nay, Tân Đệ ơi mình, hay Yêu lắm Thái Bình ơi…Không chỉ dành thời gian cho hoạt động biểu diễn, ông còn có niềm đam mê trong sáng tác. Đọc một bài thơ hay khiến cho trái tim trào dâng xúc cảm là ông liền phổ nhạc ngay. Đó là những bản nhạc được viết lên bằng tất thảy niềm đam mê của trái tim, khối óc, tài thẩm thấu âm nhạc nhạy bén, tinh tế và xúc cảm mến yêu đối với mảnh đất quê hương: Mai em về Bồ Xuyên, Quỳnh Phụ mến thương ơi. Đặc biệt, ca khúc Về thăm Bác (thơ Quang Khánh) và ca khúc Gửi miền quan họ (thơ Lại Tây Dương) do ông phổ nhạc đã giành giải A và giải B tại Liên hoan âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Chính bởi tấm lòng thiết tha hát cho đời, hát cho người ấy, người nghệ sĩ đã để lại trong lòng khán giả những xúc cảm bâng khuâng, những thoáng rung động khẽ khàng, làm bồi tụ trong họ niềm yêu mến với nghệ thuật. Trong suốt hơn 40 năm cuộc đời mình, với quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, nghiêm túc và sự chung thủy với nghiệp cầm ca, Đình Chiểu đã nỗ lực hoàn thành thiên chức cao cả của người nghệ sĩ – sáng tạo ra cái đẹp, giữ hồn cho cái đẹp và xây đắp đời sống tâm hồn cho xã hội. Trong mỗi khúc ca đã ẩn chứa chữ “tình” thẳm sâu và niềm tri ân chân thành của người nghệ sĩ mong muốn gửi gắm đến khán giả. Nghệ sĩ Đình Chiểu đã tham gia Festival nghệ thuật quốc tế tại Jakarta (Indonesia), tham dự cuộc thi hát thính phòng toàn quốc lần thứ nhất cũng như các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp và đã giành được nhiều giải thưởng quốc gia, nhiều huy chương vàng, huy chương bạc. Hiếm thấy một nghệ sĩ nào có thể sở hữu gia tài với 7 huy chương vàng và hàng chục huy chương bạc như ông. Với những thành tích đó, nghệ sĩ Đình Chiểu đã vinh dự ba lần được Chủ tịch nước phong tặng huân, huy chương, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cùng nhiều danh hiệu cao quý khác: Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1993), từ năm 1997 đến năm 2014, ông liên tục được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng (2000), Huy chương kháng chiến hạng Nhì (2001), Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật (2002), Huân chương lao động hạng Ba (2013)… Đặc biệt, danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đã được trao cho ông vào tháng 1/2016.

Để có được những thành tích như trên đòi hỏi ở nghệ sĩ niềm đam mê cống hiến và tâm huyết cháy bỏng với nghệ thuật, ông chân thành chia sẻ: “Tôi không có mơ ước nào ngoài nghệ thuật, khát khao mãnh liệt và luôn thường trực trong lòng tôi là được ca hát trên chính mảnh đất quê hương mình”. Biết được tâm nguyện ấy của người nghệ sĩ, chúng ta mới thấu hiểu tại sao, có rất nhiều nghệ sĩ đã “trải thảm”, mời ông về hát solo cho đoàn của mình, với những điều kiện tốt hơn, nhưng Đình Chiểu vẫn một lòng đau đáu, tha thiết ân tình hướng về mảnh đất quê lúa. Lòng say mê ca hát và trách nhiệm của người nghệ sĩ đã trở thành động lực giúp ông vượt qua khó khăn để đến với thành công. Trên con đường nghệ thuật mà ông theo đuổi không có chỗ cho những toan tính, bon chen, vụ lợi. Ông đã hát bằng tất cả niềm đam mê rực cháy và sự hy sinh hết mình vị nghệ thuật. Chạm được đến trái tim khán giả, giúp họ thưởng thức, cảm nhận cái hay cái đẹp và hiểu được những tâm tư mình gửi gắm qua mỗi ca khúc chính là mong đợi lớn nhất ở nghệ sĩ Đình Chiểu. Điều quan trọng nhất đối với ông cũng như với nhiều nghệ sĩ khác, muốn tồn tại lâu dài trên sân khấu nghệ thuật, không gì hơn, mỗi người nghệ sĩ phải luôn giữ chặt niềm đam mê và luôn thắp sáng ngọn lửa đam mê ấy trong lòng mình, một lòng hướng về sân khấu, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi những hạnh phúc khác để có thể đạt được thành công trong âm nhạc. Chính bởi tấm lòng say mê với nghệ thuật ấy đã giúp cho ông quên đi vất vả trong những lần phải leo bộ hàng giờ lên cái chốt 820, hay trong những lần lưu diễn thâu đêm suốt sáng, lấy tình yêu âm nhạc để tạm quên đi nỗi nhớ nhà. Có thể nói, với một cây đàn bầu, một cây guitar, người nghệ sĩ ấy đã hát lên những khúc ca thật đẹp dành tặng cho đời!

Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, nghệ sĩ Đình Chiểu còn được công chúng biết đến với tư cách là một người thầy, một nhà sư phạm thanh nhạc tài năng đã trực tiếp giảng dạy và đào tạo nhiều thế hệ diễn viên cho Thái Bình và các tỉnh bạn, trong đó có nhiều diễn viên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú như NSUT Huyền Phin, NSUT Lê Minh Huệ… Là một người thầy mẫu mực và dày dạn kinh nghiệm, ông đã mang hết cái tình, cái tâm của mình để “ươm mầm” nghệ thuật, truyền đến các học viên ngọn lửa của tình yêu nghề cũng như kinh nghiệm biểu diễn, kỹ thuật thanh nhạc mà ông có được. Ai đã từng một lần nhìn ông ngồi bên cây đàn, đánh nhịp dạy học trò hát, lắng nghe những cung bậc trầm vang, những tiếng ca khỏe khoắn, chứa chan tình yêu quê hương, đất nước mới có dịp thấu tỏ hết được sự tận tâm với nghề, cũng như những nhiệt tình đắm say mà ông đã dâng hiến cho đời. Là một nghệ sĩ luôn bỏng rát tấm lòng với âm nhạc truyền thống của dân tộc, ông xác định tầm quan trọng của việc định hướng, phân tích cho học viên những cái hay, cái ưu việt của nhạc chính thống, những truyền thống âm nhạc xa xưa của ông cha để lại cần phải được giữ gìn phát huy bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa của thế giới. Ông luôn căn dặn học viên của mình, nghệ thuật âm nhạc là loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng rộng rãi nhất, muốn trở thành người nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, chiếm được tình cảm và sự trân trọng của người thưởng thức, mỗi chúng ta cần phải đặt trách nhiệm thiêng liêng của người nghệ sĩ lên trên hết, hát bằng cả trái tim rung động thì mới truyền cảm được đến trái tim khán giả. Con đường nghệ thuật, nhất là nghiệp ca hát, không dễ dàng cho bất kì ai, để đứng vững trên con đường ấy và chạm tới được ước mơ cuộc đời, bản thân mỗi người cần phải có một sự nỗ lực không ngừng nghỉ và một tình yêu mãnh liệt đối với những điều mình đã chọn. Chính bởi sự dìu dắt chân tình, phong cách giản dị, gần gũi đã khiến cho không chỉ những học viên mà công chúng nghệ thuật luôn coi ông là “giọng ca vàng” của quê lúa Thái Bình, một nghệ sĩ đã hát lên khúc tình chân phương, yêu dấu của đất, của người!

Mặc dù về nghỉ hưu, nhưng “nhàn thân mà không nhàn tâm”, nghệ sĩ Đình Chiểu vẫn không ngừng trăn trở hướng đến việc giảng dạy, rèn luyện và trao đổi kiến thức tới các học viên cũng như tiếp tục sáng tác những tác phẩm nghệ thuật giá trị để phục vụ cho công chúng yêu nghệ thuật, phục vụ cho đời sống chính trị của đất nước. Bên cạnh đó, ông cũng luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm của một Ủy viên trong Ban thường vụ Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình và hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Theo ông, mỗi người hội viên khi tham gia vào hội không nhằm làm lợi cho mình mà cần phải cùng đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong quá trình sáng tác để xây dựng ngôi nhà nghệ thuật ngày càng lớn mạnh.

Nghệ sĩ Đình Chiểu và giọng ca của ông như một dấu gạch ngang giữa thăm thẳm kí ức đã không ít người quên lãng với đôi bờ của hiện tại. Những bản tình ca trữ tình, đằm lắng đã tạo nên tên tuổi ông cùng với dấu ấn về người nghệ sĩ đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho âm nhạc. Những khúc hát không phôi pha theo thời gian là minh chứng biểu hiện rõ ràng nhất sức sống lâu bền của người nghệ sĩ. NSUT Mai Cách, một đồng nghiệp của nghệ sĩ Đình Chiểu đã bày tỏ: “Với tôi, NSUT Đình Chiểu là một người bạn vong niên trong nghề, đã có gần bốn mươi năm cùng nhau gắn bó vì sự nghiệp. Gần bốn mươi năm ấy, tôi luôn ngưỡng mộ anh, cảm phục anh, và hiện tại còn kỳ vọng ở anh nhiều lắm”. Còn đối với chúng ta, những người đã từng một lần nghe nhạc của ông, thẩm thấu vào tim những ngọt ngào, ấm áp của Nắng ấm quê hương, phải chăng đều bâng khuâng, xao xuyến trong lòng và khôn nguôi tha thiết nhớ về “Miền quê đó, Thái Bình/ Để lòng ta yêu thương”. Trong xúc động lặng thầm, trong nghẹn ngào nước mắt, chúng ta trân trọng và biết ơn ông, người nghệ sĩ của nhân cách rạng ngời, tài năng đáng kính và khát vọng cống hiến cao cả!