Văn học nghệ thuật Thái Bình 50 năm một chặng đường
Ngày: 23/11/2021
Thái Bình là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, đặc biệt là có nền văn hoá, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

I. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Thái Bình là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, đặc biệt là có nền văn hoá, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống văn hóa, văn nghệ của tỉnh đã được các cấp, các ngành, địa phương và các văn nghệ sĩ phát huy, phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ cách mạng. Trên địa bàn tỉnh, ngay từ những ngày đầu cách mạng đã có các thế hệ nhà thơ, nhà lãnh đạo cách mạng sáng tác thơ ca tuyên truyền.

Sau Cách mạng tháng Tám, phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh có điều kiện phát triển mạnh mẽ, rộng khắp với các nội dung ca ngợi thắng lợi của cách mạng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và phục vụ kháng chiến.

 Giai đoạn trước khi Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình được thành lập, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh được Ty Văn hóa (nay là sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch) quản lý, tổ chức thực hiện. Giai đoạn này, trên các trang văn nghệ của các tờ báo, tạp chí ở Trung ương đã xuất hiện những cây bút người Thái Bình; một số tác giả đã xuất bản truyện, ký, cùng với đó, các lực lượng thông tin tuyên truyền cổ động ở các địa phương được quan tâm phát triển, các nghệ sĩ, diễn viên của tỉnh hăng hái tham gia công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, lao động của nhân dân. Một lực lượng sáng tác, hoạt động văn học nghệ thuật chuyên và không chuyên thuộc các chuyên ngành văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sưu tầm văn nghệ dân gian và hoạt động biểu diễn được hình thành và phát triển.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật đã được hình thành gồm 20 thành viên do ông Đào Ngọc Chế  làm Trưởng Ban để thực hiện nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, xây dựng và phát triển các lực lượng hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp và nghiệp dư. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 07 - 12 - 1970, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 08- NQ/UB về việc thành lập Hội Văn nghệ Thái Bình.

Đại hội lần thứ I: Trên cơ sở Nghị quyết số 08-NQ/UB của Ủy ban Hành chính tỉnh và sự nỗ lực vận động chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất của Ban Vận động thành lập Hội. Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình lần thứ nhất đã được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 5 năm 1971 tại Hội trường lớn của tỉnh. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 23 người (Đỗ Vĩnh Bảo, Đào Ngọc Chế, Hồng Dương, Nguyễn Điện, Vũ Văn Hân, Trần Hoằng, Nguyễn Huệ, Bút Ngữ, Thanh Long, Nhâm Thị Liên, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Văn Nhân, Xuân Quý, Đặng Suất, Phạm Văn Thân, Văn Thê, Nguyễn Thuần, Lê Nhữ Tiếp, Đặng Nguyên Toại, Mạnh Tường, Hoàng Ngọc Tuyển, Bùi Thọ Ty, Nguyễn Trọng Yêm); Ban Thường vụ gồm 7 người; Chủ tịch Hội: ông Đào Ngọc Chế, Phó Chủ tịch Hội gồm: ông Vũ Văn Hân, ông Bút Ngữ, ông Đặng Nguyên Toại. Số hội viên đến cuối nhiệm kỳ là 123 người.

Đại hội lần thứ nhất là một sự kiện có tính chất lịch sử, ghi dấu mốc son đẹp đẽ cho nền Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Hội Văn nghệ Thái Bình ra đời, tập hợp đoàn kết các văn nghệ sĩ của tỉnh để phát triển phong trào lao động sáng tạo nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc, quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng .   

Đại hội lần thứ II: Được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 4 năm 1976. Tổng số đại biểu dự 150 người. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội gồm 19 người (Đỗ Vĩnh Bảo, Bùi Công Bính, Đào Ngọc Chế, Hồng Dương, Xuân Dư, Nguyễn Điện, Vũ Văn Hân, Trần Hoằng, Bùi Tằng Hoàn, Nguyễn Huệ, Lê Duy Lễ, Nhâm Thị Liên, Bút Ngữ, Văn Nhân, Phó Đức Phương, Nguyễn Thuấn, Mạnh Tường, Hoàng vinh, Bùi Trọng Vị); Ban Thường vụ gồm 7 người; Chủ tịch Hội: ông Đào Ngọc Chế (Phó Chủ tịch UBND tỉnh); Phó Chủ tịch Hội: ông Lê Duy Lễ, ông Bút Ngữ.

Đại hội lần thứ III: nhiệm kỳ 1981- 1985: Diễn ra trong 3 ngày từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 12 năm 1981 với tổng số hội viên 165 người. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm được 20 người (Ngô Đức Ba, Bùi Công Bính, Phan Đức Chính, Minh Chuyên, Phạm Đức Duật, Xuân Dư, Hồng Dương, Lê Điệp, Bùi Tằng Hoàn, Trần Hoằng, Nhâm Thị Liên, Bút Ngữ, Văn Nhân, Thanh Phương, Đăng Quang, Nguyễn Tất Tế, Văn Thế, Trịnh Trung Thông, Vũ Biên Thuỳ, Mạnh Tường); Ban Thường vụ Hội gồm 5 người; Chủ tịch Hội: nhà văn Bút Ngữ; Phó Chủ tịch Hội: ông Nguyễn Tất Tế, ông Hồng Dương.

Đại hội lần thứ IV: nhiệm kỳ 1985 - 1990: Diễn ra trong 3 ngày từ ngày 08 đến ngày 10 tháng 7 năm 1985, với tổng số hội viên là 250 người. Đại hội đã bầu ra được 28 người tham gia Ban Chấp hành Hội khoá IV (Ngô Đức Ba, Đỗ Vĩnh Bảo, Bùi Công Bính, Kim Chuông, Minh Chuyên, Phan Đức Chính, Võ Bá Cường, Phạm Đức Duật, Xuân Dư, Hồng Dương, Bùi Tằng Hoàn, Lê Điệp, Đức Hậu, Trần Hoằng, Trọng Khuê, Nhâm Thị Liên, Bút Ngữ, Văn Nhân, Trọng Pháo, Thanh Phương, Đăng Quang, Nguyễn Tất Tế, Vũ Thái, Nguyễn Văn Thanh, Trịnh Trung Thông, Vũ Biên Thuỳ, Mạnh Tường, Lê Nhữ Tiếp); Ban Thường vụ gồm 9 người; Chủ tịch Hội: nhà văn Bút Ngữ; Phó Chủ tịch Hội: ông Nguyễn Tất Tế, ông Hồng Dương, ông Trần Hoằng.

Đại hội lần thứ V: nhiệm kỳ 1990 - 1995: Diễn ra trong 2 ngày 17 và 18 tháng 12 năm 1990 với tổng số hội viên là 240 người. Đại hội đã bầu ra được 20 người tham gia Ban Chấp hành Hội khoá V (Ngô Đức Ba, Đỗ Vĩnh Bảo, Kim Chuông, Phan Đức Chính, Minh Chuyên, Đình Chiểu, Phạm Đức Duật, Hà Trí Dũng, Nguyễn Hải Đạm, Lê Điệp, Vũ Đức Hậu, Trương Hiện,Trọng Khuê, Thanh Lãng, Văn Mởn, Phạm Thị Nết, Trọng Pháo, Nguyễn Văn Thanh, Trịnh Trung Thông, Mạnh Tường); Ban Thư kí (sau đổi là Ban Thường vụ) gồm 7 người; Chủ tịch Hội: ông Vũ Đức Hậu, Phó chủ tịch Hội: ông Đỗ Vĩnh Bảo, ông Phạm Đức Duật.

Trong nhiệm kỳ này, ngày 25 tháng 03 năm 1994, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình được Bộ Văn hoá Thông tin cấp giấy phép hoạt động số 447 GPXB, phát hành 2 tháng một kỳ.

Năm 1995 hết nhiệm kỳ đại hội, nhưng do chưa tổ chức được Đại hội nên nhiệm kỳ kéo dài đến năm 1997.

Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 1997- 2002: Được tổ chức trong 2 ngày 28 và 29 tháng 3 năm 1997, với tổng số hội viên là 260 người. Đại hội đã bầu ra 15 người tham gia Ban Chấp hành Hội khoá VI (Lê Bính, Kim Chuông, Nguyễn Dương Côn, Minh Chuyên, Hà Trí Dũng, Lê Điệp, Đoàn Phi Hải, Vũ Đức Hậu, Lê Thị Hoà, Trần thanh Liêm, Nguyễn Bích Ngọc, Phạm Huy Tầm, Nguyễn Thanh, Trịnh Trung Thông, Mạnh Thường); Ban Thường vụ gồm 5 người; Chủ tịch Hội: nhà văn Vũ Đức Hậu; Phó chủ tịch: ông Trịnh Trung Thông, ông Kim Chuông.

Năm 2001, Ban Chấp hành bầu bổ sung 02 người là ông Nguyễn Đình Chiểu và ông Bùi Thọ Tân, nâng tổng số ủy viên Ban Chấp hành khóa VI là 17 người.

Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2002 - 2007: được tổ chức trong 2 ngày 18 và 19 tháng 7 năm 2002 với tổng số hội viên là 273 người. Đại hội đã bầu ra được 15 người tham gia Ban Chấp hành Hội khoá VII (Ngô Đức Ba, Lê Bính, Kim Chuông, Vũ Đình Chiểu, Nguyễn Dương Côn, Hà Trí Dũng, Nguyễn Duy Đông, Đoàn Phi Hải, Vũ Đức Hậu, Lê Thị Hoà, Trần Thanh Liêm, Phạm Huy Tầm, Nguyễn Thanh, Trịnh Trung Thông, Nguyễn Văn Tỉnh); Ban Thường vụ gồm 5 người; Chủ tịch Hội: ông Vũ Đức Hậu; Phó chủ tịch: ông Phạm Huy Tầm, ông Trịnh Trung Thông.

Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2007- 2012: được tổ chức trong 2 ngày 16 và 17 tháng 8 năm 2007 với tổng số hội viên là 233 người. Đại hội đã bầu 13 người tham gia Ban Chấp hành Hội khoá VIII (Lê Bính, Mai Văn Cách, Vũ Ngọc Cải, Nguyễn Dương Côn, Nguyễn Duy Đông, Đoàn Phi Hải, Nguyễn Sinh Kung, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Long, Phạm Huy Tầm, Nguyễn Trọng Thắng, Trịnh Trung Thông, Nguyễn Hồng Vân); Ban Thường vụ Hội gồm 4 người; Chủ tịch Hội: ông Trịnh Trung Thông; Phó Chủ tịch Hội: ông Phạm Huy Tầm, ông Mai Văn Cách.

Tháng 6/2012 ông Trịnh Trung Thông về nghỉ hưu. Ông Mai Văn Cách - Phó Chủ tịch phụ trách Hội, đến tháng 4  năm 2013 ông Mai Văn Cách chuyển công tác, ông Phạm Huy Tầm đảm nhiệm phụ trách Hội đến Đại hội IX.

Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012 - 2017: được tổ chức trong 2 ngày 24 và 25 tháng 4 năm 2013 với tổng số hội viên là 236 người. Đại hội đã bầu ra được 15 người tham gia Ban Chấp hành Hội khoá IX (Phạm Huy Tầm,Trần Thanh Phượng, Nguyễn Ánh Tuyết, Vũ Đình Chiểu, Phí Văn Thành, Đỗ Như Điềm, Nguyễn Duy Đông, Nguyễn Quang Huyến, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Quang Lai, Vũ Đức Thơm, Nguyễn Tất Thắng, Đặng Thành Văn, Nguyễn Quốc Việt); Ban Thường vụ 5 người; Chủ tịch Hội: ông Phạm Huy Tầm; Phó Chủ tịch Hội: bà Nguyễn Ánh Tuyết, bà Trần Thanh Phượng.

Năm 2014 ông Phạm Huy Tầm về nghỉ hưu. Bà Trần Thanh Phượng được Ban Chấp hành bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 5 năm 2016.

Năm 2016 bà Trần Thanh Phượng về nghỉ hưu. Bà Nguyễn Ánh Tuyết được giao phụ trách Hội tháng 5 năm 2016 đến tháng 12 năm 2019.

Năm 2017, bà Phan Thị Hà được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội và được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội.

Năm 2020 bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được bầu bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội và được Tỉnh ủy điều động về Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình giữ chức vụ Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Năm 2017 hết nhiệm kỳ đại hội, nhưng do chưa tổ chức được Đại hội nên nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2020.

Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025: được tổ chức trong 2 ngày 14 và 15 tháng 01 năm 2020 với tổng số hội viên là 294 người. Đại hội đã bầu ra được 15 người tham gia Ban Chấp hành Hội khoá X (Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Ánh Tuyết, Phạm Tấn Anh, Nguyễn Phục Anh,Vũ Đình Chiểu, Hoàng Trung Dũng, Nguyễn Quang Huyến, Nguyễn Quang Lai, Phí Văn Thành, Vũ Đức Thơm, Trần Ngọc Tú, Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Thành Văn, Nguyễn Quốc Việt); Ban Thường vụ gồm 5 người; Chủ tịch Hội: bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch Hội: bà Nguyễn Ánh Tuyết

II. NHỮNG THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã phát huy truyền thống của các văn nghệ sĩ đi trước, trung thành với lý tưởng cách mạng, vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì nhân dân, nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của văn nghệ sĩ, đồng hành cùng đất nước và dân tộc trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Từ những thành viên ban đầu của Ban Vận động thành lập Hội, đến nay Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình có 289 hội viên, trong đó có 123 hội viên đã được kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương; cơ cấu tổ chức Hội có bước phát triển, hiện nay gồm 8 chi hội chuyên ngành,Văn phòng Hội và Tạp chí Văn nghệ Thái Bình.

Hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của Hội các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh để đoàn kết, tập hợp những người sáng tạo văn học nghệ thuật trong tỉnh, để vừa thực hiện công tác  tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, vừa tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ thể hiện tài năng, tâm huyết.

Tạp Chí Văn nghệ Thái Bình cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Thái Bình ra đời từ khi thành lập Hội. Trong vòng 23 năm đầu hoạt động của Hội, tạp chí hoạt động chưa thật sự ổn định, và nhiều lần đổi tên từ Đường ra trận, Sông Trà. Đến năm 1994 Tạp chí Văn nghệ Thái Bình có giấy phép xuất bản chính thức của Bộ Văn hoá Thông tin từ  ngày 25 tháng 03 năm 1994 đã xuất bản 2 tháng 1 kỳ (tính đến tháng 12 năm 2020) đã xuất bản 155 kỳ từ 48 đến 140 trang phát hành từ 600 bản đến 4000 bản/số. Tạp chí Văn nghệ Thái Bình là một trong những Tạp chí Văn nghệ địa phương có uy tín, được bạn đọc đông đảo trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng bài viết.

Về lĩnh vực xuất bản đã có gần 400 đầu sách được xuất bản gồm: Tiểu thuyết, trường ca, tập truyện, tập thơ, các công trình sưu tầm nghiên cứu văn học, lịch sử, văn học dân gian, sách ảnh nghệ thuật, ca khúc, kịch bản sân khấu, điện ảnh, công trình kiến trúc, mĩ thuật.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Hội Văn học Nghệ thuật được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000 và nhiều bằng khen của các bộ, ngành, Trung ương của UBND tỉnh Thái Bình. Đã có gần 300 tác phẩm VHNT được giải thưởng từ các các cuộc thi sáng tác và triển lãm trong nước và khu vực, 20 giải quốc tế, trên 200 lượt tác giả được UBND tỉnh trao giải thưởng mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn và hàng trăm huy chương Vàng, Bạc của các hội viên qua các kỳ liên hoan, hội diễn...8 hội viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, 28 hội viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT; 81 hội viên được tặng Huy chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, trên 100 hội viên được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam.

Trải qua 50 năm, phấn đấu cho nền văn học nghệ thuật vì tổ quốc, vì quê hương và vì nhân dân, các thế hệ văn nghệ sĩ Thái Bình đã để lại những dấu ấn  khó phai trong lòng người yêu văn học nghệ thuật và nhân dân, các văn nghệ sĩ  tỉnh Thái Bình không chỉ đồng hành cùng dân tộc, cùng quê hương trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc tự do cho nhân dân mà còn hết lòng tham gia xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Trong tiến trình lịch sử hoạt động VHNT đang gặp những thách thức và khó khăn mới đòi hỏi văn nghệ sĩ Thái Bình phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu và sứ mệnh.

50 năm một chặng đường lịch sử đầy vẻ vang và vinh quang của văn nghệ sĩ Thái Bình. Trong dòng hồi ức về những năm tháng tự hào thắm tình nhân văn, chúng ta luôn biết ơn và nhớ về  các thế hệ văn nghệ sĩ Thái Bình đã đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho sự hoàn thành và phát triển của Hội. Trân trọng, tôn kính, giữ gìn và phát huy vì một nền VHNT tiến bộ và phát triển.

Nguyễn Ánh Tuyết