Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn Học Nghệ Thuật Thái Bình
Ngày: 23/11/2021
Ngày 07 - 12 - 1970, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 08-NQ/UB về việc thành lập Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình

Ngày 07 - 12 - 1970, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 08-NQ/UB về việc thành lập Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, năm 2020, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tròn 50 năm xây dựng và phát triển. Trong suốt 50 năm qua, với vai trò là tổ chức đoàn kết, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình luôn cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước.

Những ngày đầu thành lập Hội, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoạt động của Hội cũng không tránh khỏi những khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với tinh thần, ý chí quyết tâm xây dựng và phát triển Hội văn học nghệ thuật vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, văn nghệ sĩ Thái Bình đã đem hết niềm đam mê, nhiệt huyết, say mê nghệ thuật, đắm mình vào hoạt động sáng tạo với bao sự thăng hoa để cho ra đời các tác phẩm văn học nghệ thuật vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị vừa nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Các hoạt động của Hội luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật để tham mưu, tổ chức  và phối hợp thực hiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Giai đoạn trước 1975, các hoạt động của Hội và những tác phẩm bút ký, tiểu thuyết, thơ, tranh cổ động, âm nhạc, kịch bản sân khấu... của các tác giả Bút Ngữ, Bùi Thọ Ty, Vũ Văn Hân, Thanh Long, Nguyễn Hoa, Trọng Khuê, Trần Hoằng..., của hội viên đều hướng về chủ đề lớn nhất là ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam, truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, phong trào thi đua “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hoạt động lao động, sản xuất tại các địa phương để cổ vũ, động viên toàn đảng, toàn dân huy động tổng lực sức người, sức của cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đất nước hòa bình thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các văn nghệ sĩ trong tỉnh lại hòa mình vào các hoạt động của đời sống xã hội, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân để phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của người làm văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, mở rộng biên độ thể loại ở tất cả các loại hình. Đối với lĩnh vực văn học, có sự phát triển mạnh mẽ ở hầu khắp thể loại thơ, truyện ngắn, truyện vừa, ký, tiểu thuyết..., bình quân mỗi năm, các hội viên chi hội văn học sáng tác và cho ra mắt hàng trăm tác phẩm, bên cạnh các cây bút tên tuổi như Bút Ngữ, Đức Hậu, Võ Bá Cường, Lương Hữu, Đỗ Vĩnh Bảo, Lê Bính...xuất hiện các cây bút mới như: Ánh Tuyết, Xuân Đam, Đỗ Trọng Khơi, Lại Tây Dương, Nguyễn Long, Thu Nguyệt, Hồng Oanh..., thể loại phê bình văn học được định hình với những tác phẩm của Nguyễn Dương Côn, Đỗ Lâm Hà; trên lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, văn nghệ dân gian đạt được nhiều thành công, các nhà nghiên cứu tuy tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài đi điền dã, chắt chiu thu thập tư liệu, cho ra đời những công trình, tác phẩm khá đồ sộ về những giá trị truyền thống của tỉnh như cố tác giả Nguyễn Tiến Đoàn, nhà nghiên cứu Phạm Minh Đức, Nguyễn Thanh, dịch giả Vũ Công Hoan... Truyền thống trong lĩnh vực  nhiếp ảnh, mỹ thuật vừa tiếp thu truyền thống ông cha, vừa từng bước đổi mới phong cách, thể loại sáng tạo, tiếp cận với nhiếp ảnh, hội họa thế giới để đáp ứng được mong mỏi của những người làm nghề, vừa thể hiện được cái nhìn sâu rộng của nhiếp ảnh, mỹ thuật thời đại. Các tác phẩm của hội viên trong chi hội đã kịp thời phản ánh những sự kiện, những thời khắc lịch sử, những nét đẹp trong đời sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân. Các hội viên chi hội nghệ sĩ sân khấu, âm nhạc & múa ngày đêm sáng tác, luyện tập, đem lời ca, tiếng hát, cùng tài năng của mình hóa thân thành những đào lệch, đào thương, những nhân vật lịch sử, những hình tượng nghệ thuật...để phục vụ cho hàng vạn, hàng triệu lượt khán giả trong, ngoài tỉnh, các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu, canh gác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo và cả các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Trong bối cảnh trong nước, trong tỉnh tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới... các hội viên chi hội Kiến trúc đã tích cực tham gia các hoạt động sáng tác về quy hoạch và kiến trúc công trình, tham gia nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện, trao đổi chuyên môn, khảo sát thực tế để học tập kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các địa phương. Các sáng tác, các đồ án quy hoạch và công trình do các kiến trúc sư của Hội thiết kế thời gian qua được chủ đầu tư và xã hội đánh giá tốt, kiến trúc đẹp, có tính thẩm mỹ cao, công năng sử dụng phù hợp và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên đã tạo nên diện mạo Thành phố Thái Bình, các khu đô thị, các thị trấn, thị tứ, vùng nông thôn, nông thôn mới của tỉnh vừa văn minh, hiện đại những vẫn đậm chất của kiến trúc truyền thống Đồng bằng sông Hồng. Là chi hội mới được thành lập, thời gian qua, các hội viên trong chi hội Phát thanh truyền hình đã tích cực vừa sáng tác, biên tập các kịch bản, chương trình văn hóa, văn nghệ, vừa thực hiện vai trò là lực lượng xung kích trong tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tuyên truyền về truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Các chuyên mục “văn hóa” giới thiệu về di tích, lễ hội, chương trình “di sản văn hóa cơ sở và nông thôn mới”, “Văn hóa làng”, chương trình thơ, văn nghệ quần chúng, câu chuyện truyền thanh, đọc truyện đêm khuya, chuyên mục: “Một thoáng quê hương”, chương trình dạy hát Chèo...do hội viên chi hội sáng tác, biên tập và tham gia thực hiện phát trên sóng phát thanh và truyền hình Thái Bình đã được đông đảo khán thính giả trong và ngoài tỉnh yêu mến.

Đồng hành với hoạt động của các hội viên, 50 năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã làm tốt công tác đoàn kết tập hợp, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật của hội viên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cung cấp thông tin, định hướng sáng tác được chú trọng; gắn hoạt động sáng tác của hội viên với việc tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh, với hiện thực cuộc sống. Hàng năm Hội tổ chức hàng chục chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, các hội thảo, tọa đàm, giao lưu nghệ thuật, các cuộc trưng bày, triển lãm ở trong tỉnh và phối hợp thực hiện tốt các cuộc trưng bày, triển lãm ở khu vực, trong nước và quốc tế. Với vai trò là “bà đỡ” cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, Hội đã thực hiện tốt việc xét hỗ trợ cho các tác phẩm theo quy chế của trung ương và của tỉnh. Công tác kết nạp hội viên được đẩy mạnh thực hiện, từ 20 thành viên ban đầu của Ban vận động thành lập Hội, đến nay Hội đã có 289 hội viên hoạt động ở 8 chi hội chuyên ngành. Các hoạt động thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn, khi ốm đau, việc hiếu... được Ban Chấp hành Hội và các chi hội thực hiện thường xuyên, kịp thời đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Hội và hội viên. Công tác xây dựng tổ chức Hội, thực hiện Điều lệ, các quy chế trong tổ chức, hoạt động của Hội được chú trọng; cơ quan văn phòng Hội và bộ phận Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã phát huy vai trò trong hoạt động của Hội. Thực hiện Quyết định 580/QĐ- UBND, ngày 16/12/1981 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn, Hội đã thực hiện công tác tham mưu giúp UBND tỉnh xét, trao tặng giải thưởng cho trên 200 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của các tác giả từ năm 1981 đến 2012.

Có thể khẳng định hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình và hội viên những năm qua đã hòa vào các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc, hòa vào dòng chảy lịch sử văn nghệ nước nhà. Văn nghệ Thái Bình 50 năm qua đã từng bước phát triển, khẳng định vị trí trong nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời, đã tạo nên diện mạo văn học nghệ thuật của quê hương “Năm tấn” với nhiều tác phẩm chất lượng cao, có tính giáo dục sâu sắc, hướng tới các giá trị cao đẹp của Chân - Thiện - Mỹ.

Trong bối cảnh chung cả nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, sẽ có nhiều thuận lợi cho sự phát triển nhanh và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhiều cơ hội được mở ra, nhất là trong giao lưu, hợp tác, quảng bá văn học nghệ thuật ở trong và ngoài nước, thông tin truyền thông hiện đại đa phương tiện cũng giúp cho khả năng sáng tạo và hưởng thụ giá trị các sản phẩm văn học nghệ thuật của người dân được nhanh chóng, hiệu quả, tính tương tác cao của các ứng dụng công nghệ sẽ làm cho mối quan hệ giữa tác giả và các cá nhân thưởng thức giá trị nghệ thuật gần gũi hơn. Nhưng đồng thời với đó sẽ có những khó khăn, bất cập của việc tiếp nhận sự chuyển đổi mau lẹ của sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đẹp và cái xấu, cái chưa đẹp, giữa truyền thống và hiện đại, nguy cơ của sự pha tạp trong quá trình tiếp nhận văn hóa thế giới, sự tấn công của các sản phẩm văn nghệ độc hại... tất cả những vấn đề đó đòi hỏi những người sáng tạo nghệ thuật trong đó có các hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình phải luôn trau dồi về mặt lý luận, nhận thức và kiến thức thực tiễn để vững vàng về tư tưởng, bám sát hiện thực cuộc sống và tiếp thu có chọn lọc những phương pháp sáng tạo mới để cho ra mắt những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao về nội dung, nghệ thuật, góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; khơi dậy ở mỗi con người lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tin vào lý tưởng và đường lối của Đảng. Bối cảnh tình hình trên cũng đòi hỏi Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, mái nhà chung của các văn nghệ sĩ trong tỉnh phải nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, có những định hướng phát triển Hội lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tiễn, để có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Để thực hiện được những vấn đề đó Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tập trung:

1. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng, kết luận số 76-KL/TW ngày 04/9/2020 của Bộ Chính trị "về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vừng đất nước", Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”. Chủ động, tích cực tham mưu, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn học nghệ thuật, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các hướng dẫn của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

2. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Hội đồng nghệ thuật của Hội và hoạt động của Ban Chấp hành, Hội đồng nghệ thuật các chi hội chuyên ngành thông qua việc thực hiện tốt các quy chế hoạt động, đề ra các chương trình hoạt động toàn khóa, hàng năm phù hợp với tình hình thực tiễn của từng loại hình nghệ thuật. Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức, hoạt động của Hội và hội viên, nhất là trong việc thực hiện Điều lệ Hội, các quy chế, quy định của Hội. Nêu cao vai trò gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo Hội, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra, Ban chấp hành Hội, Ban chấp hành các chi hội trong thực hiện kỷ cương của Hội. phát huy tốt vai trò trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của các văn nghệ sĩ trong xây dựng và phát triển Hội VHNT Thái Bình và trong xây dựng, phát triển tỉnh Thái Bình.

3. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho hội viên để giúp hội viên có kiến thức sâu, rộng về các lĩnh vực đời sống xã hội, phục vụ tốt cho sáng tạo nghệ thuật. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị nhằm phát hiện sớm diễn biến tư tưởng phức tạp của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, đồng thời, động viên văn nghệ sĩ tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật.

4. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hội viên tham gia các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, các hội thảo, tọa đàm, các liên hoan, triển lãm để qua đó nâng cao trình độ, tiếp cận với các xu hướng sáng tác mới về văn học nghệ thuật. Chú trọng công tác xét hỗ trợ tác phẩm, công tác nghiên cứu, xuất bản các công trình, tác phẩm về lịch sử truyền thống của các địa phương, của tỉnh; tăng cường công tác nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật bởi hoạt động này giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật, nó đồng hành với quá trình sáng tạo của tác giả, góp phần điều chỉnh, định hướng sáng tác, đồng thời là cầu nối giúp tác giả và công chúng gần gũi nhau hơn trong cảm thụ tác phẩm.

5- Thực hiện tốt nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác kết nạp hội viên, nhất là hội viên trẻ, tài năng, tâm huyết; kịp thời thăm hỏi, động viên văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, văn nghệ sĩ tiêu biểu có nhiều cống hiến, đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho đất nước và cho tỉnh nhà.

6- Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các cơ chế chính sách, khen thưởng, động viên để tạo điều thuận lợi cho văn học, nghệ thuật phát triển phong phú, mạnh mẽ, đa dạng; tham mưu đầu tư nguồn lực cho phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh.

7- Nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, để đưa tạp chí thực sự trở thành cơ quan ngôn luận, diễn đàn của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh. Trước mắt xây dựng Đề án phát triển Tạp chí Văn nghệ Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, gồm Tạp chí in giấy và trang thông tin điện tử tổng hợp để phục vụ tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật tới công chúng gần xa.

8. Huy động sức mạnh và phát huy cao độ tài năng, niềm đam mê, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh để sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị sâu sắc về nội dung, nghệ thuật, mang đậm hơi thở của cuộc sống, của thời đại, gắn bó máu thịt với nhân dân, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Thái Bình, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Thị Thu Hằng